Theo Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều, do lực lượng công an trình bày là khám xét hành chính đối với tiệm vàng mua 100 USD trái phép nên ông mới ký lệnh.
Liên quan đến vụ việc nam thợ điện bị phạt 90 triệu đồng do đổi 100 USD tại tiệm vàng, trong đó, điều khiến nhiều người thắc mắc là vì sao ông Dương Tấn Hiển, Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều, (TP Cần Thơ) lại có thẩm quyền ký Quyết định số 14, khám xét nhà của ông Lê Hồng Lực (chủ tiệm vàng Thảo Lực, số 40 đường Nguyễn Đức Cảnh, phường Cái Khế, quận Ninh Kiều). Bởi theo theo nguyên tắc thường thấy thì chỉ có cơ quan công an, tòa án, VKSND mới có thẩm quyền này.
Trả lời về vấn đề này, sáng 26/10, dẫn lời ông Hiển trên Người Lao Động cho hay: "Lúc công an trình qua là khám xét hành chính, tức khám xét nơi ở của ông Lực nên việc tôi ký lệnh là đúng thẩm quyền. Vào năm 2017, tôi cũng đã ký quyết định khám xét hành chính đối với chỗ ở của ông Lực".
Ông Dương Tấn Hiển giải thích về việc ký lệnh khám xét nơi ở của chủ tiệm vàng Thảo Lực. Ảnh: Cổng thông tin điện tử TP Cần Thơ |
Theo luật sư Lê Quang Vũ, Giám đốc Công ty Luật Công Bình (TP HCM) cho rằng, căn cứ vào Điều 127, Điều 128 và Điều 129 của Luật Xử lý vi phạm hành chính thì Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều ra quyết định khám xét hành chính nhà ở ông Lực là đúng quy định. Còn khám xét theo trình tự hình sự thì phải do người đứng đầu cơ quan điều tra, TAND, VKSND các cấp… phê chuẩn.
"Nếu lực lượng quản lý thị trường, cảnh sát kinh tế khi bắt quả tang tiệm vàng đổi 100 USD cho khách mà không có giấy phép thì lực lượng này có quyền khám xét doanh nghiệp mà không cần xin lệnh khám xét do Chủ tịch UBND quận ký. Nhưng tiệm vàng cũng là nơi ở của ông Lực, nên theo quy định phải có lệnh khám xét do chủ tịch UBND quận ký", luật sư Vũ nói thêm.
Song, luật sư Vũ cũng cho biết, Quyết định số 14 ban hành ngày 24/1, trước thời điểm công an bắt quả tang ông Lê Hồng Lực mua bán ngoại tệ trái phép với ông Nguyễn Cà Rê là 6 ngày. Như vậy, Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều ký quyết định khám xét nơi ở của ông Lực là không có căn cứ.
Ngoài ra, 20 viên kim cương và 19.910 viên hột đá nhân tạo của ông Lực không phải là tang vật trong hành vi mua bán ngoại tệ trái phép. Nếu nó là tang vật của hành vi vi phạm hành chính khác thì phải được cơ quan có thẩm quyền xử lý đúng trình tự pháp luật về xử lý vi phạm hành chính mới có thể tịch thu sung công.
"Đúng trình tự thì công an phải lập biên bản bắt quả tang vụ đổi 100 USD tại tiệm vàng trước, sau đó mới về xin lệnh khám xét nhà ông Lực do chủ tịch UBND quận Ninh Kiều ký. Khi khám xét, nếu tang vật không rõ nguồn gốc, xuất xứ mới có thể tịch thu rồi xử lý tiếp", luật sư Vũ nhấn mạnh.
Như đã đưa tin trước đó, ông Lê Hồng Lực (chủ tiệm vàng Thảo Lực - số 40 Nguyễn Đức Cảnh, phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) cho biết đang cân nhắc việc khởi kiện Quyết định số 2283 của ông Trương Quang Hoài Nam, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, về việc xử phạt tiệm vàng Thảo Lực 295 triệu đồng về 4 hành vi. Trong đó có hình thức phạt bổ sung là tịch thu 100 USD, 2.260.000 đồng, 20 viên kim cương, 19.910 viên hột đá nhân tạo.
Chủ tiệm vàng Thảo Lực từng bị khám xét nhà riêng trước ngày thu mua 100 USD của nam thợ điện. Ảnh: VietNamnet |
Cụ thể, ngày 24/1/2018, chủ tịch UBND quận Ninh Kiều ký Quyết định số 14 khám xét nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là chỗ ở đối với căn nhà số 40 Nguyễn Đức Cảnh của ông Lực. Đến ngày 30/1, lực lượng Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP Cần Thơ bắt quả tang chủ tiệm vàng Thảo Lực đang mua 100 USD của anh Nguyễn Cà Rê với giá 2.260.000 đồng mà không có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền; đồng thời khám xét toàn bộ căn nhà cũng là nơi kinh doanh của ông Lực theo Quyết định khám xét số 14. Tại đây, công an phát hiện 20 viên kim cương, 19.910 viên hột đá nhân tạo không có hóa đơn, chứng từ.
Trong quá trình xử lý, Phòng Cảnh sát Kinh tế chuyển sang cơ quan điều tra vì tiệm vàng có dấu hiệu trốn thuế. Đến ngày 18/7, Cơ quan Điều tra Công an TP Cần Thơ ra quyết định không khởi tố vụ án và sau đó tham mưu để UBND TP ra quyết định xử phạt nói trên.
"Công an đã 2 lần khám xét nhà tôi, tịch thu lô hàng rồi tạm giữ hàng hóa kéo dài 8-9 tháng, như vậy có đúng không?" - ông Lực thắc mắc và cho biết đã đóng phạt theo quyết định. "Tôi đóng phạt là thể hiện tinh thần thượng tôn pháp luật, chấp hành nghiêm quyết định của chính quyền. Theo tôi biết, thời hạn khởi kiện, khiếu nại hành chính vụ này là 1 năm, tức là nay còn thời hạn. Gia đình tôi đang tham vấn một số luật sư và đang cân nhắc sẽ khởi kiện ra tòa án" - ông Lực khẳng định.
Nguyễn Phượng (T/H)