Về các diễn biến trên Biển Đông, Chủ tịch nước cho biết, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần lên tiếng và phản đối những việc làm sai trái, thách thức dư luận của Trung Quốc.
Tiếp tục chương trình tiếp xúc cử tri trước kỳ họp lần thứ 9, Quốc hội khóa XIII, ngày 17/5, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và tổ đại biểu số 1, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh có buổi gặp gỡ, lắng nghe ý kiến của cử tri Quận 4 (Thành phố Hồ Chí Minh).
Tại buổi tiếp xúc, cử tri Quận 4 đã tập trung góp ý về các văn bản dự thảo Luật được đưa ra Quốc hội thông qua và cho ý kiến lần này như Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi), Bộ luật Dân sự (sửa đổi), Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Ban hành văn bản pháp luật...
Bên cạnh đó, cử tri cũng phản ánh về các vấn đề như an toàn giao thông, chính sách đối với người có công với cách mạng, công tác phổ biến pháp luật, vệ sinh môi trường, bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước...
Cử tri Hồ Thái Hùng (phường 15, Quận 4) cho rằng, hiện nay Việt Nam có hệ thống văn bản pháp luật khá đầy đủ và chi tiết, tuy nhiên khi áp dụng vào thực tế, hiệu quả chưa cao, chưa đánh giá đúng mức tác dụng của các luật trong cuộc sống. Thực trạng trên do luật chưa đến được với đại đa số quần chúng, việc thực hiện chế tài của luật chưa nghiêm, dẫn đến người dân không nắm được luật và không thực hiện nghiêm túc qui định của pháp luật.
Cũng liên quan đến vấn đề này, cử tri Phạm Đình Toàn (phường 6, Quận 4) cho rằng chính việc thực hiện pháp luật chưa nghiêm nên mới có tình trạng người dân lách luật. Cử tri đề nghị Quốc hội, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, có giải pháp tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho nhân dân thật tốt, khắc phục được những hạn chế hiện nay.
Quan tâm đến tình trạng an toàn giao thông, xe quá tải xảy ra khá phổ biến, các cử tri Vũ Đình Cường (phường 12), Lâm Thị Hoa (phường 10) đề nghị toàn hệ thống chính trị phải vào cuộc, chỉ đạo xử lý nghiêm, dứt điểm vấn nạn xe quá tải, nhồi nhét hành khách, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, đảm bảo an toàn tính mạng cho người tham gia giao thông.
Một số cử tri cũng thể hiện sự lo lắng, bức xúc trước các diễn biến phức tạp trên Biển Đông hiện nay, đặc biệt là việc Trung Quốc ngang nhiên thực hiện việc bồi lấp các đảo chìm ở khu vực biển Trường Sa vừa qua. Cử tri Huỳnh Minh Tuấn (phường 4, Quận 4), mong muốn Quốc hội và Nhà nước có biện pháp quyết liệt hơn về mặt ngoại giao, đồng thời có những biện pháp để bảo vệ ngư trường của Việt Nam.
Thay mặt đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đánh giá cao các ý kiến của cử tri Quận 4 góp ý cho các dự án luật trình Quốc hội thảo luận trong kỳ họp này.
Chủ tịch nước cho rằng, các ý kiến của cử tri giúp cho Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố có những ý kiến góp ý xác đáng hơn cho các dự án luật, kể cả những dự án luật đưa ra lấy ý kiến lần đầu.
Dành thời gian trao đổi với cử tri về vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo, Chủ tịch nước nhấn mạnh: "Trong Luật Biển Việt Nam và Luật Biên giới quốc gia, chúng ta đều khẳng định rằng, Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam, chúng ta có những chứng cứ pháp lý đầy đủ về chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa."
Về các diễn biến trên Biển Đông, Chủ tịch nước cho biết, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần lên tiếng và phản đối những việc làm sai trái, thách thức dư luận của Trung Quốc. Việt Nam thực hiện chính sách nhất quán, trước sau như một về vấn đề Biển Đông và yêu cầu các bên phải tôn trọng lẫn nhau. Đó là tôn trọng chủ quyền, lợi ích, tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ, tôn trọng những gì đã cam kết.
Chủ tịch nước nhấn mạnh: "Việt Nam luôn muốn làm bạn với tất cả các nước trong khu vực và trên thế giới vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng có lợi và phát triển, nhưng chủ quyền phải được giữ vững, dứt khoát không nhân nhượng."
Chia sẻ với những bức xúc của nhân dân, Chủ tịch nước cho rằng, đây là thái độ của người dân đối với vấn đề chủ quyền đất nước, nhưng cần hết sức tỉnh táo, bình tĩnh trong việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền, tuân thủ quy định của pháp luật. Việc giải quyết vấn đề Biển Đông phải dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế nhằm duy trì hòa bình ổn định, an ninh và an toàn ở khu vực, với mục tiêu là hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển, bảo vệ chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ.
Theo TTXVN
Hơn 1000 tác phẩm dự thi "Tìm hiểu pháp luật về biển, đảo VN"