Tờ Bola đưa tin, Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Indonesia (PSSI) Mochamad Iriawan đã phản hồi về sự nghiêm túc của Indonesia trong việc rời Liên đoàn Bóng đá Đông Nam Á (AFF) và gia nhập EAFF (Liên đoàn Bóng đá Đông Á).
"Tôi chưa bao giờ nói sẽ rời AFF, đó chỉ là mong muốn của cư dân mạng", ông Iriawan khẳng định với tờ Bola.
Người đứng đầu PSSI cũng nói thêm rằng kế hoạch chuyển đến EAFF, ngay cả nếu xảy ra thì cũng cần được cân nhắc kỹ lưỡng vì cần phải tổ chức một cuộc họp lớn để xem xét sâu hơn những ưu và nhược điểm của việc chuyển sang một liên đoàn mới.
“Chúng tôi phải nghiên cứu, phân tích, không thể đưa ra quyết định nhanh chóng như vậy được. Đây là hiệp hội của các nước ASEAN, về mặt chính trị thì chúng ta cùng nhau đứng trong hiệp hội này”, ông Iriawan nói.
Phát biểu này khiến không chỉ dư luận khu vực mà ngay cả truyền thông Indonesia cũng phải ngã ngửa, bởi nó trái ngược với thái độ và phát biểu của ông Iriawan trước đó.
Sự việc bắt nguồn từ trận hòa 1-1 giữa U19 Việt Nam và U19 Thái Lan tại lượt trận cuối cùng bảng A U19 Đông Nam Á. Kết quả này giúp cả Việt Nam và Thái Lan đi tiếp còn U19 Indonesia với tư cách chủ nhà lại bị loại vì bằng điểm với 2 đội nhưng thua thành tích đối đầu.
Điều này khiến người hâm mộ, HLV Shin Tae-yong và PSSI vô cùng bức xúc, cho rằng U19 Việt Nam và U19 Thái Lan "thiếu fair play" hay "bắt tay nhau" để loại U19 Indonesia.
Chủ tịch PSSI khi đó liên tục chỉ trích U19 Việt Nam và U19 Thái Lan, thậm chí đâm đơn đề nghị AFF vào cuộc, yêu cầu phải có văn bản phản hồi PSSI. Tuy nhiên, đến thời điểm này, AFF vẫn giữ im lặng.
Hôm 20/7, ông Iriawan thậm chí tuyên bố PSSI đã liên hệ với EAFF và nói rằng Tổng thư ký của EAFF rất vui nếu PSSI gia nhập liên đoàn bóng đá khu vực Đông Á.
Quyết định rời AFF được người hâm mộ Indonesia ủng hộ nhưng truyền thông nước này lại bày tỏ sự lo ngại.
Tờ CNN Indonesia cho rằng nền bóng đá xứ vạn đảo sẽ khó phát triển và thụt lùi nếu rời khỏi AFF. Tờ báo chỉ ra rằng, EAFF không có nhiều thành viên bằng AFF. Nếu như AFF có nhiều giải đấu dành cho mọi cấp độ thì số lượng giải đấu của EAFF không lớn như vậy.
Hiện tại, AFF có ba giải đấu cấp độ trẻ là U16, U19 và U22. Trong khi đó, EAFF chỉ có một giải đấu dành cho cấp độ đội tuyển quốc gia. Liên đoàn này không hề có giải đấu dành cho lứa cầu thủ trẻ. Các đội bóng ở Liên đoàn này chỉ tham dự giải đấu trẻ châu Á, chứ không có cấp độ khu vực.
Chuyên gia bóng đá Indonesia, Akmal Marhali cũng phản đối việc đội nhà rời khỏi AFF để gia nhập EAFF. "Việc chuyển liên đoàn không dễ như vậy. Nó đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng và không đơn giản như tưởng tượng của nhiều người. Tôi cho rằng lúc này PSSI chỉ hùa theo làn sóng chỉ trích. Tôi không chắc rằng họ đã liên lạc với EAFF. Việc này rồi sẽ chẳng đi tới đâu", ông chia sẻ.
Nếu gia nhập EAFF, Indonesia sẽ khó có thể cạnh tranh thành tích khi khu vực quy tụ nhiều ông lớn của bóng đá châu Á.
Hiện, EAFF 10 liên đoàn thành viên đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ gồm Trung Quốc, Đài Bắc Trung Hoa, Guam, Hong Kong (Trung Quốc), Nhật Bản, CHDCND Triều Tiên, Hàn Quốc, Macau (Trung Quốc), Mông Cổ và Quần đào Bắc Mariana.
So với AFF, chênh lệch đẳng cấp tại EAFF có phần rõ nét hơn khi Nhật Bản và Hàn Quốc luôn tỏ ra quá mạnh so với phần còn lại. Trong khi đó, Trung Quốc, Triều Tiên cũng là những nền bóng đá vượt trội so với Indonesia.
Hoa Vũ (T/h)