Sputnik dẫn thông tin từ các cơ quan truyền thông địa phương ngày 6/10 cho hay, giới chức Trung Quốc nghi chủ tịch Interpol Mạnh Hoành Vĩ tham nhũng.
Chủ tịch Interpol Mạnh Hoành Vĩ. Ảnh: AP. |
Theo các nguồn tin của tờ Le Parisien (Pháp), ông Mạnh Hoành Vĩ bị tình nghi hỗ trợ một công ty trong việc có được hợp đồng an ninh mạng. Vụ việc hiện đang trong quá trình điều tra.
Trước đó, thông tin ông Mạnh mất tích xuất hiện ngày 5/10. Reuters dẫn thông tin từ Bộ Nội vụ Pháp cùng ngày cho biết cảnh sát Pháp đang điều tra vụ ông Mạnh mất tích khi từ Pháp trở về Trung Quốc.
Cảnh sát Pháp vào cuộc sau khi nhận tin báo từ vợ ông Mạnh. Người vợ liên lạc với cảnh sát ở TP Lyon (Pháp), nơi có trụ sở Interpol, sau khi mất liên lạc và không có thông tin về chồng mình từ ngày 25/9 sau khi nhận nhiều lời đe dọa từ điện thoại và mạng xã hội.
Tờ South China Morning Post dẫn các nguồn tin cho biết ông Mạnh, 64 tuổi, đã bị đưa đi thẩm vấn ngay sau khi đáp xuống sân bay ở Trung Quốc tuần rồi. Vẫn chưa rõ lý do ông này, hiện còn là Thứ trưởng Bộ Công an Trung Quốc, bị điều tra hoặc tạm giữ ở đâu.
Chính phủ Trung Quốc cho đến nay vẫn chưa có thông báo về trường hợp mất tích của ông Mạnh Hoành Vĩ khi mà cả Pháp và Interpol cho rằng ông này bị mất tích khi đang trong chuyến công tác ở quê nhà.
Mạnh Hoành Vĩ sinh tháng 11/1953 ở Cáp Nhĩ Tân, Hắc Long Giang. Sau khi tốt nghiệp khoa Luật trường Đại học Bắc Kinh, ông Vĩ bắt đầu tham gia công tác năm 1972 và gia nhập Đảng Cộng sản Trung Quốc năm 1975.
Từng giữ các chức vụ như Cục trưởng Cục Giao thông, trợ lý Bộ trưởng Bộ Công an, năm 2004 ông Vĩ trở thành Thứ trưởng Bộ Công an Trung Quốc. Tháng 8 cùng năm, ông kiêm thêm chức vụ Cục trưởng Interpol Trung Quốc.
Năm 2013, ông nhận thêm các chức vụ như Phó Cục trưởng Cục Hải dương, Cục trưởng Cục Hải cảnh trong khi vẫn kiêm nhiệm Cục trưởng Interpol Trung Quốc.
Tháng 11/2016, ông Mạnh Hoành Vĩ chính thức trở thành Chủ tịch Interpol quốc tế, trong khi vẫn kiêm nhiệm chức Thứ trưởng Bộ Công an và Cục trưởng Interpol Trung Quốc. Đến tháng 4/2018, theo trang web chính thức của Bộ Công an Trung Quốc, ông Vĩ không còn là Ủy viên Đảng ủy Bộ Công an nước này.
Thời điểm ông Mạnh Hoành Vĩ được bầu làm Chủ tịch Interpol tại đại hội lần thứ 85 của tổ chức này, đã nổ ra khá nhiều tranh cãi, không phải vì đây là lần đầu tiên một người Trung Quốc trở thành Chủ tịch Interpol quốc tế.
Sự thay đổi nhân sự ở Interpol được đánh giá là có lợi cho Trung Quốc, bởi vào thời điểm đó, Trung Quốc đang đẩy mạnh chiến dịch “đả hổ, diệt ruồi” do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khởi xướng.
Riêng trong năm 2014, Trung Quốc đã gửi tới Interpol một danh sách truy nã đỏ gồm 100 tham quan bỏ trốn ra nước ngoài. Điều mà một số nước lo ngại là Trung Quốc sẽ sử dụng Interpol để bắt giữ các tham quan mà bất chấp pháp luật sở tại.
Tuy nhiên, việc ông Mạnh Hoành Vĩ trở thành Chủ tịch Interpol đã nâng tầm hệ thống tư pháp của Trung Quốc lên rất nhiều vào thời điểm đó và khiến Bắc Kinh cảm thấy tự hào
Chính vì vậy, nhiều nhà quan sát thấy ngạc nhiên khi một quan chức hàng đầu của Interpol lại có thể mất tích một cách khó hiểu khi về nước.
Roderic Broadhurst, giáo sư tội phạm học tại Đại học Quốc gia Australia, cho biết sự biến mất của ông Meng sẽ khiến những người trong các tổ chức quốc tế làm việc với Trung Quốc “khá hoang mang”, và có thể làm ảnh hưởng đến nỗ lực của Trung Quốc trong việc phát triển hợp tác trợ giúp pháp lý với những nước khác.
NGUYỄN QUỲNH (T/h)