"Hoạt động tư pháp thời gian qua, tuy có cái sai, có việc này việc kia làm chưa tốt nhưng đại thể trong mấy chục năm nay cải cách tư pháp, đến bây giờ tôi vẫn khẳng định nền tư pháp có thành tựu, góp phần cho ổn định trật tự xã hội. Nếu chúng ta chỉ có một vài vụ việc mà đánh giá cơ quan tư pháp với thái độ như thế là không nên", Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam nói.
Sáng nay (15/6), Quốc hội tiếp tục thảo luận tại Hội trường về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) trong phát biểu ngắn đã nêu nhiều vấn đề.
Ông đề cập đến công tác tư pháp nhân vụ Hồ Duy Hải vừa qua. Ông nói rằng mình nhận được điện thoại, tin nhắn từ cả các cán bộ cấp cao đã về hưu, đại ý rằng: Chưa bao giờ niềm tin vào tư pháp lại thấp như hiện nay.
Đại biểu Nhưỡng cũng đề nghị cần phải giám sát chặt chẽ hơn với công tác tư pháp và đề nghị có chuyên đề riêng về việc giải quyết các vụ án nghiêm trọng tư pháp.
Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Nguyễn Văn Quyền - Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội |
Giơ biển tranh luận, đại biểu Nguyễn Văn Quyền (Cần Thơ), Chủ tịch Hội Luật gia, Ủy viên Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, bày tỏ đồng tình với ý kiến của một số đại biểu đề cập về cái sai của cơ quan này, cơ quan kia.
"Nếu cơ quan này, cơ quan kia, kể cả cơ quan tư pháp, có sai thì nên tính toán để sửa. Đây là điều chúng tôi và toàn dân mong muốn", ông Quyền nói.
Tuy nhiên, theo ông Quyền, không nên đánh giá hoạt động của cơ quan tư pháp thời gian gần đây tệ hại như một ý kiến đại biểu đã đánh giá.
"Hoạt động tư pháp thời gian qua, tuy có cái sai, có việc này việc kia làm chưa tốt nhưng đại thể trong mấy chục năm nay cải cách tư pháp, đến bây giờ tôi vẫn khẳng định nền tư pháp có thành tựu, góp phần cho ổn định trật tự xã hội. Có như vậy chúng ta mới yên tâm trong vấn đề cho các cơ quan phát triển sản xuất kinh doanh và đời sống của nhân dân. Nếu chúng ta chỉ có một vài vụ việc mà đánh giá cơ quan tư pháp với thái độ như thế là không nên", ông Quyền nói.
Theo Chủ tịch Hội Luật gia, quan trọng nhất bây giờ là làm sao để các cơ quan tư pháp cùng nhau sửa sai, những tồn tại, khuyết điểm để tới đây chúng ta cùng đưa hoạt động tư pháp tốt hơn, chất lượng, hiệu quả hơn, làm sao tránh được cái oan, cái sai cho người dân và đưa nền tư pháp tốt hơn.
"Tôi tin rằng, vấn đề này các đồng chí trong Ban chỉ đạo cải cách tư pháp, các đồng chí trong lĩnh vực tư pháp đều có suy nghĩ làm sao chúng ta cùng nhau đưa tư pháp tốt lên", đại biểu Cần Thơ nói thêm.
Về chủ đề này, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) tranh luận lại nhận định “chưa bao giờ uy tín của ngành tư pháp xuống thấp như bây giờ” của đại biểu Lưu Bình Nhưỡng. Ông Cương nói nhận định đó là do ý kiến của một số cá nhân qua điện thoại, nên nhìn nhận như thế nào cho đúng.
“Nếu phát biểu của ĐBQH nhận định qua tiếp nhận thông tin điện thoại thì có được coi là có cơ sở hay không. Nhận định này tôi cho rằng là nhận định phủ định sạch trơn nền tư pháp”- đại biểu Cương nói.
“Ở đây đặt ra vấn đề mà tôi đã phát biểu là cơ chế thông tin đến đại biểu khi thảo luận về Luật Tổ chức Quốc hội, làm thế nào để có cơ chế thông tin chính thức cho các đại biểu quốc hội một cách chính thống để khi thảo luận đưa ra nhận định” - đại biểu Cương nói và bày tỏ rằng những ý kiến thanh minh, bảo vệ ngành nhưng vô tình xúc phạm đến đại biểu quốc hội khác là không nên.
Phát biểu sau đó, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hoà Bình cho biết các cơ quan chức năng đang tổng kết việc thực hiện hai nghị quyết của Bộ Chính trị về xây dựng và cải cách tư pháp.
"Cho đến giờ này, quá trình tổng kết khẳng định chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong cải cách tư pháp. Đặc biệt là về xây dựng thể chế, tổ chức bộ máy, đội ngũ cũng như các thể chế bổ trợ tư pháp và nâng cao chất lượng hoạt động tư pháp", ông Bình nói.
Cự Giải(T/h)