Trong cuộc đua về phía phồn vinh bằng con đường công nghệ, bằng khoa học, sáng tạo, ông Trương Gia Bình - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT, Trưởng ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) cho rằng, điều mà các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam đang thiếu là một môi trường cạnh tranh quốc tế khốc liệt để nuôi dưỡng những khát vọng dám vươn lên.
“Cá nhân tôi, đôi khi cũng từng phát hiện ra rằng, trong lòng mình có một "nô lệ nhỏ" đang ngồi, khiến mình luôn sợ hãi, nhiều thứ muốn nhưng không dám làm, sợ không làm được. Cảm giác đó giờ đã không còn... Nếu cứ làm những điều dễ mãi, sẽ không có động lực để phấn đấu, để khát vọng,” ông Trương Gia Bình chia sẻ trong cuộc đối thoại đầu năm với Đời sống và Pháp luật.
PV:Nhìn lại một năm 2021 đầy gian truân, ấn tượng mà ông sẽ nhớ nhất là gì?
Ông Trương Gia Bình: Với tôi có lẽ cũng giống như mọi người, nếu sau này có nhớ lại về 2021, câu chuyện ám ảnh nhất chắc chắn vẫn là Covid, đặc biệt là khi làn sóng lần thứ 4 ập đến Việt Nam. Đấy thực sự là một thảm hoạ.
Nếu năm 2020 chúng ta vượt qua dễ dàng thì năm 2021 cả nền kinh tế thật sự thấm được những khó khăn. Ở Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), chúng tôi có thực hiện một cuộc khảo sát cho thấy có đến 70% doanh nghiệp đã phải tạm thời đóng cửa, 16% doanh nghiệp đóng cửa, 14% doanh nghiệp tồn tại leo lắt, 62% người lao động mất việc, học sinh cả nước gần như không được đến trường. Tác động của dịch bệnh quá ghê gớm, các hoạt động kinh tế xã hội đã bị đảo lộn.
Nhưng đồng thời trong vận hạn năm 2021, có thể nói là cả xã hội, doanh nghiệp, người dân đều nhận ra, công nghệ, chuyển đổi số là con đường cần thiết để tồn tại và phát triển trong kỷ nguyên mới.
Chúng ta có thể hỗ trợ chế ngự được Covid bằng vắc-xin, tương tự như vậy, công nghệ số đã hỗ trợ địa phương, doanh nghiệp chế ngự được sự đứt gãy kết nối các hoạt động kinh tế, kinh Ông Trương Gia Bình - Chủ tịch Tập đoàn FPT. doanh. Nắm bắt được xu hướng phát triển của kỷ nguyên công nghệ và chuyển đổi số sẽ giúp chúng ta xây dựng được lộ trình đủ tham vọng với những hành động rõ ràng hướng về kinh tế số. Tôi cho rằng, trong năm qua Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp nói riêng đã có bước đột phá trên hành trình này.
Chúng ta có 3 động lực
PV:Ông có nói về sự đột phá, xin cho biết nhận định cụ thể của ông về những việc đã làm được gì trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia gắn với ba trụ cột kinh tế số, chính phủ số, xã hội số, đặc biệt xét trong bối cảnh Covid-19 đã phần nào đẩy nhanh tiến trình này.
Ông Trương Gia Bình: Tôi cho rằng 2021 thực chất là một cuộc tập dượt. Xét về mặt vai trò của công nghệ trong hỗ trợ kiểm soát tình hình dịch bệnh, chúng ta đã biết sử dụng công nghệ số để theo dõi tiêm chủng, theo dõi và ghi nhận các kết quả xét nghiệm và xác định F0.
Một số địa phương, chính quyền đã sử dụng công nghệ số để hỗ trợ chống dịch. Ví dụ như ở quận 7 - Tp.Hồ Chí Minh, nơi FPT đã đồng hành trong suốt những quãng thời gian cao điểm, địa phương đã sử dụng công nghệ số trong việc chỉ huy thông suốt từ trên xuống dưới trong công tác hỗ trợ phòng chống dịch. Tuy nhiên, cần xác định Covid vẫn còn đang tiếp tục tồn tại, vì vậy tôi cho rằng cần nhanh chóng lan tỏa kinh nghiệm chế ngự bằng công nghệ số.
Nói về việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, thì về mặt chính sách, ngoài Nghị quyết 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 50-NQ/CP ngày 17/4/2020 ban hành chương trình hành động của Chính phủ, điều tôi thấy đáng mừng là tất cả các địa phương đã ra nghị quyết về chuyển đổi số. Chúng ta đã có thể nhìn thấy sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống. Tôi tin rằng trong năm 2022 các điểm tích cực ấy sẽ được tiếp tục đẩy mạnh, cả từ phía kiến tạo chính sách của Nhà nước cũng như sự vận động mạnh mẽ hơn, sáng tạo hơn của hệ thống doanh nghiệp.
Bởi chúng ta có ba động lực. Thứ nhất, là người dân, bối cảnh dịch bệnh đã khiến mọi người nhanh chóng chuyển sang các giao tiếp kết nối điện tử, các hoạt động mua bán bằng thương mại điện tử và thanh toán điện tử, đây là một bước tiến vô cùng lớn và có tốc độ tăng trưởng rõ ràng. Các em học sinh đã bắt đầu tiếp cận với công nghệ ngay từ khi học tiểu học qua hình thức học online, đây cũng là sự biến chuyển mà trước đây không thể lường trước được.
Thứ hai, với khối doanh nghiệp, hầu hết đều đã xác định con đường cho tương lai gắn với chuyển đổi số.
Thứ ba, và đặc biệt quan trọng, hàng loạt các chính sách đã được Đảng, Chính phủ ban hành để thúc đẩy, tạo điều kiện phát triển một nền kinh tế số, một nền công vụ số để phục vụ cho một xã hội số. Tất cả đều nhằm đến một mục đích xây dựng một hành trình về phía thịnh vượng hơn bằng con đường công nghệ, khoa học và sáng tạo.
Tuy nhiên, tôi cũng nhận thấy một vài điểm yếu mà chúng ta bộc lộ khá rõ khi tiếp cận công nghệ thông tin, mà điển hình là về tính kết nối dữ liệu còn hạn chế. Dữ liệu chỉ có giá trị khi được kết nối liên thông. Có vậy, mới có thể giúp chúng ta hành động chuẩn xác và nhanh chóng, kịp thời.
Giống như tôi vẫn thường nói, muốn thắng được Covid thì phải nhanh hơn Covid, nhưng nếu không có công nghệ thông tin hỗ trợ thì chúng ta sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
PV:3 yếu tố là tư duy, con người và công nghệ, đâu là yếu tố mà ông cho là quan trọng nhất, tiên quyết nhất để đảm bảo chuyển đổi số thành công? Chúng ta đã làm tốt được yếu tố nào chưa?
Ông Trương Gia Bình: Năm 2021, khi giúp chuyển đổi số cho một số địa phương và doanh nghiệp, tôi nhận thấy rằng điều khó nhất lại chính là nhận thức, tư duy của con người. Nhận thức ấy không đến từ lý thuyết chung chung, phải đến từ thực hành, trải nghiệm, đến từ thái độ phải nghiêm túc trả lời những câu hỏi cần làm gì, lộ trình như thế nào và nguồn lực ở đâu...
Suy cho cùng, tôi cho rằng chuyển đổi số bản chất là chuyển đổi con người. Ví dụ như về thủ tục hành chính, chuyển đổi số nghĩa là không giấy tờ, không chạm và tác nghiệp chi phí bằng không, hồ sơ không phải lưu trữ, sản phẩm có thể đi thẳng ra thị trường...
Nếu chúng ta làm người dân hiểu chuyển đổi số là đem lại lợi ích, giúp người dân có cuộc sống thuận tiện và hiệu quả nhất, thì người dân sẽ nhận ra hiệu quả của việc chuyển đổi số và sẽ có nhiều người hơn sử dụng công nghệ như một công cụ hằng ngày.
Sau đó mới là vấn đề về công nghệ. Trên phương diện này, tôi muốn nói về những ví dụ rất cụ thể như, đầu tiên, liệu ứng dụng công nghệ tin học của chúng ta đã được chạy trên điện toán đám mây chưa? Bởi vì, chỉ có đám mây mới giúp chúng ta mới tiết kiệm được chi phí.
Thứ hai là, chúng ta đã có dữ liệu thích hợp chưa và dữ liệu đó có được kết nối liên thông chưa, chúng ta đã có internet vạn vật hay chưa? Thứ ba, cần hỏi trí tuệ nhân tạo được áp dụng đến đâu rồi, đảm bảo an toàn bảo mật hay chưa? Cho tất cả, câu trả lời vẫn còn để ngỏ, vậy nên trước mắt có rất nhiều việc cần phải làm nếu thực sự muốn quyết liệt trên con đường này.
PV:Công nghệ đang hiện diện ở mọi ngóc ngách của cuộc sống và nó đã trở thành một phần của cuộc sống hàng ngày nhưng khi nó được gắn với cụm từ như “chuyển đổi số” hay “kinh tế số”, tất cả đều trở nên có vẻ phức tạp và xa lạ với công chúng?
Ông Trương Gia Bình: Điều đáng ngạc nhiên là công nghệ càng phát triển thì lại càng trở nên thân thiện với người dùng. Hãy nhìn cách ngày xưa chúng ta chụp ảnh bằng máy ảnh khó khăn ra sao và ngày nay chỉ với điện thoại thông minh, ai cũng có thể chụp ảnh đẹp.
Chuyển đổi số tương tự như vậy. Sự thông minh của công nghệ đã làm cho cuộc sống của người dân dễ dàng hơn. Lại nói về điện thoại thông minh ngày nay nhìn đơn giản hơn nhiều so với trước đây, nhưng lại làm được rất nhiều việc phức tạp. Từ đó, có thể thấy tính trải nghiệm chính là quan trọng nhất trong việc thay đổi tư duy người dùng về công nghệ. Công nghệ thực chất đã trở thành thói quen và hiện diện trong mọi khía cạnh của cuộc sống thường ngày.
Thực tế, thời Covid lại là lúc có rất nhiều sản phẩm hay đã được sáng tạo ra, bởi sáng tạo thực chất phát sinh từ khó khăn, để giải quyết những nhu cầu mới của cuộc sống. Ví dụ như trí tuệ nhân tạo được áp dụng vào việc hỗ trợ cứu mạng người trong dịch bệnh Covid, hỗ trợ chẩn đoán, chăm sóc F0 tại nhà.
Tất cả đều phải xuất phát từ thực tiễn, giải quyết những nhu cầu thật, có vậy mới đưa công nghệ gần gũi với con người. Chuyển đổi số đang hiện diện ngay đây trong cuộc sống chứ không phải chỉ trên các diễn đàn hội thảo hay các cuộc thảo luận của dân kỹ thuật.
Kinh tế tư nhân và vai trò trong hành trình chuyển đổi số quốc gia
PV:Nhìn nhận từ hai góc độ, một người thiết kế chiến lược trên vai trò Chủ tịch HĐQT FPT và chuyên gia tư vấn chính sách trên cương vị là Trưởng ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, xin cho biết bình luận và khuyến nghị của ông về vấn đề xây dựng chính sách để khu vực kinh tế tư nhân tham gia mạnh mẽ hơn vào hành trình chuyển đổi số?
Ông Trương Gia Bình: Càng chuyển đổi số rộng khắp, nhu cầu về nguồn nhân lực sẽ càng lớn và công việc sẽ càng nhiều, tiến trình sẽ ngày càng được mở rộng. Do đó, tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ của khối kinh tế tư nhân có thể đáp ứng được quá trình thay đổi nhanh chóng này.
Tôi tin rằng trong tương lai, nền kinh tế quốc gia sẽ được tính bằng nền kinh tế của các thành phố lớn, vậy nên thành phố thông minh sẽ ngày càng có vai trò quan trọng, như là một động lực phát triển kinh tế nói chung. Khi đó sẽ có rất nhiều dịch vụ số phát sinh, thu nhập sẽ ngày càng tăng nhờ đổi mới sáng tạo.
Ví dụ, việc xây dựng các thành phố thông minh sẽ tạo ra các công ty khởi nghiệp và dịch vụ mới sẽ tạo ra sự tăng trưởng đột phá trong thời gian tới. Đó là các yếu tố giúp thoát bẫy thu nhập trung bình. Chúng ta không thể vượt bẫy chỉ bằng cách lao động cần cù hơn được, phải bằng khoa học công nghệ.
Từ tất cả điều trên, tôi cho rằng, với những chính sách cởi mở, kinh tế tư nhân sẽ đáp ứng được và đóng góp nhiều cho công cuộc chuyển đổi số quốc gia với tốc độ biến chuyển nhanh chóng.
Cá nhân tôi rất đồng tình với tinh thần Chính phủ kiến tạo, với nguyên tắc việc gì tư nhân làm được thì Nhà nước không làm. Điều gì nếu như doanh nghiệp tư nhân làm được thì sẽ tự làm bởi vì đơn giản, cơ chế cạnh tranh ngay từ đầu, hơn nữa vì quyền lợi của họ, họ sẽ làm với chất lượng tốt nhất...
Chúng ta cũng có thể thấy, kinh tế tư nhân đang giải quyết 85% công ăn việc làm cho đất nước. Bên cạnh đó, hiệu quả kinh tế cao nhất cũng là khu vực kinh tế tư nhân, tốc độ tăng trưởng cũng là tốt nhất, và đóng góp thuế đáng kể.
Tôi tin là các doanh nghiệp tư nhân hoàn toàn có đủ năng lực đảm trách những nhiệm vụ lớn, thậm chí có những điểm cạnh tranh vượt trội như thấu hiểu bài toán quốc gia hơn cả đơn vị quốc tế.
PV:FPT đặt cho mình một sứ mệnh khá cuốn hút là dẫn lối tiên phong đi đầu vào kỷ nguyên số hoá và về hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình chuyển đổi số. Trong hành trình này, theo ông, Việt Nam cách thế giới một khoảng cách thế nào? Để không thua thiệt hoặc bị bỏ lại phía sau trong cuộc đua đến phồn vinh bằng con đường công nghệ, Việt Nam đang thiếu những gì và theo ông, cần làm gì để bù đắp khoảng trống thiếu hụt đó?
Ông Trương Gia Bình: Tôi tin chắc rằng, Việt Nam có đủ tiềm lực để thực hiện được cạnh tranh toàn cầu. Mặc dù, chúng ta còn cách xa các nước phát triển như Mỹ, Trung Quốc... trên tất cả phương diện về chuyển đổi số.
Về công nghệ chúng ta có thể đẩy cao, nhưng cái chúng ta thiếu nhất là thiếu tính cạnh tranh mạnh mẽ ở các thị trường thế giới. Chúng ta còn thiếu một môi trường mà tôi có thể dùng từ “khốc liệt” để nuôi dưỡng những khát vọng dám vươn lên cạnh tranh.
Dường như nhiều người trong chúng ta nói chung có một nỗi sợ hãi rất lớn là sợ mình không làm được. Cái chúng ta cần là sự cởi mở trong giao tiếp, cởi mở trong tiếp cận vấn đề, dám nói về khó khăn và dám thừa nhận những điều mình chưa biết, để từ đó học hỏi và dám làm những điều khó. Nếu cứ làm những điều dễ mãi, sẽ không có động lực để phấn đấu, để khát vọng.
Cho nên quan điểm của tôi là tất cả doanh nghiệp Việt Nam muốn có sự “lột xác" thì đều phải ra ngoài khỏi vùng an toàn.
Nhớ lại khoảng thời gian năm 1998, khi bắt đầu, FPT phát động xuất khẩu phần mềm và cũng đã mời các công ty hàng đầu của Việt Nam đi cùng, muốn đi là đã có đội có đoàn, cùng nhau khai mở các thị trường nước ngoài. Tuy nhiên, cuối cùng lại chỉ có mình FPT lẻ loi tiến lên trước, bởi nhiều doanh nghiệp lúc ấy họ chưa tin vào con đường FPT đang mở. Sau này khi FPT công bố lợi nhuận bằng cả doanh thu của công ty công nghệ tư nhân lớn thứ hai lúc đó của Việt Nam, các doanh nghiệp mới nhận thấy xuất khẩu phần mềm chính là cơ hội.
Từ đó, năm 2002, FPT cùng các công ty khác lập ra VINASA (Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin - PV), từng bước vận động cộng đồng các doanh nghiệp tư nhân trẻ ở mảng công nghệ thông tin Việt Nam tham gia thị trường quốc tế. Thực tế, có những doanh nghiệp trẻ tuổi đã trở thành triệu phú. Tôi cho rằng, đó coi như là thành công. Và lần này, FPT dứt khoát không đi một mình, phải cùng làm mới thành công.
So sánh trải nghiệm xuất khẩu phần mềm thời gian xưa với tiềm năng của chuyển đổi số ngày hôm nay thì khác nhau một trời một vực, nên tôi cho rằng, niềm tin thành công với chuyển đổi số sẽ đem lại những giá trị lớn vô cùng tận. Cái chính là chúng ta có dám mơ ước và dám làm không.
PV:Xin trân trọng cảm ơn ông!
Dương Phong - Nguyễn Hà
Bài viết đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số Tết Nhâm dần 2022