Sau khi các hộ dân và doanh nghiệp bức xúc làm đơn khiếu nại gửi đến các sở, ngành tỉnh Gia Lai phản ánh về những bất cập và thiếu minh bạch trong việc triển khai thực hiện Dự án đường gom Chư Sê, mới đây, UBND huyện Chư Sê tổ chức buổi họp đối thoại với nhân dân khu vực dự án đường gom. Điều khó hiểu là huyện này chỉ mời 4 hộ lên để đối thoại, khiến dư luận càng bức xúc hơn.
Dự án đường gom chưa được lòng dân
Dự án đường gom Chư Sê được triển khai xây dựng từ khoảng tháng 3/2016, chia thành 2 giai đoạn: giai đoạn 1 có chiều dài khoảng 1km, giai đoạn 2 có chiều dài khoảng 2km. Công trình hai bên đường Hùng Vương được chia làm 3 hạng mục, bao gồm: 3m sát làn đường ô tô sẽ được xây dựng thành bồn hoa, cây cảnh, 3m tiếp theo làm đường xe máy chạy (tức là đường gom) và 3m còn lại được dùng làm vỉa hè.
Theo phản ánh của người dân tại đây, khi triển khai làm 1km đường gom đầu tiên, người dân đã ý kiến không đồng tình với công trình vì quá trình thực hiện Dự án có nhiều bất cập, ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt và kinh doanh của người dân nhưng huyện Chư Sê không mời dân họp để lắng nghe ý kiến của dân. Còn phía UBND huyện Chư Sê thì cho rằng, nguồn vốn xây dựng công trình không phải do dân đóng góp nên không phải thông qua dân.
Người dân thị trấn Chư Sê bức xúc phản ánh những bất cập của đường gom với phóng viên. |
Năm 2017, UBND huyện Chư Sê tiếp tục dự án mở rộng vỉa hè xuống phía Nam (đoạn từ Hoàng Văn Thụ tới Cổng chào). Lúc này, nhân dân tiếp tục có đơn kêu cứu gửi UBND tỉnh đề nghị dừng triển khai thực hiện đường gom.
Ngày 25/5/2017, Sở Xây dựng có Văn bản số 678/SXD – QLQH “Về việc kiểm tra, làm rõ việc mở rộng đường gom quốc lộ 14 đoạn qua trung tâm thị trấn Chư Sê”.
Văn bản nêu rõ, việc đầu tư xây dựng công trình có ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt của người dân, trong đó có liên quan đến một số yếu tố kỹ thuật phức tạp (như tổ chức giao thông, đảm bảo an toàn giao thông, tuyến Quốc lộ 14 đi qua khu vực đô thị có phần lòng đường do Cục đường bộ quản lý) mà không tổ chức vận động, tạo sự đồng thuận trong nhân dân và lấy ý kiến các ngành liên quan là có thiếu sót.
Ngoài ra, văn bản còn chỉ ra nhiều điểm bất hợp lý trong việc xây dựng công trình đường gom như: Một phần tuyến qua khu dân cư có gây bất tiện cho sinh hoạt của người dân.; Trong quá trình triển khai tuyến đường gom đã gặp phản ứng của một bộ phận dân cư…; Biển báo giao thông đặt sai vị trí…
Sở Xây dựng đề xuất: UBND huyện Chư Sê rút kinh nghiệm trong các bước triển khai thực hiện Dự án đường gom; Tiếp tục đối thoại với người dân để xem xét, có giải pháp giải quyết kịp thời các kiến nghị phù hợp, tạo sự đồng thuận chung trong nhân dân.
Nhiều ý kiến chưa được giải đáp
Mới đây PV ĐS&PL tiếp tục nhận được đơn phản ánh và khiếu nại của Công ty Cổ phần thương mại Chư Sê về việc Dự án mở đường gom ảnh hưởng lối ra vào cụm ki ốt 904B Hùng Vương, thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê. Những khiếu nại của Công ty thương mại và người dân vẫn chưa được giải quyết, một số phản ánh cho rằng việc tổ chức họp đối thoại là thiếu minh bạch, né tránh giải quyết bất cập cho những người bị ảnh hưởng trực tiếp.
Ngày 26/12/2017, UBND huyện Chư Sê tổ chức đối thoại với người dân để điều chỉnh một số chi tiết còn bất cập của dự án theo Văn bản số 929/SXD-QLQH ngày 31/8/2016 của Sở Xây dựng. Tham gia buổi đối thoại có Sở Xây dựng và Sở Giao thông Vận tải Gia Lai. Trước buổi đối thoại này, dư luận địa phương cho rằng chính quyền muốn lấy ý kiến đồng thuận của người dân nhưng điều khó hiểu là chỉ mời có 4 hộ là thiếu minh bạch và bất thường.
Trong vai người dân, PV đã tham dự buổi đối thoại nói trên. Tại buổi đối thoại, ngoài ý kiến đồng tình của ông Võ Thạnh (Tổ trưởng TDP 3), thì hộ bà Nguyễn Thị Thu Ba (chủ Siêu thị Vỹ Yên) phản ánh việc xây dựng đường gom ảnh hưởng đến việc kinh doanh buôn bán của các hộ kinh doanh, đề nghị huyện xem xét mở lối đi vào Siêu thị Vỹ Yên và xem xét lại việc trồng cây trên… ống nước…
Sau khi có đường gom, 1 ngã tư lại thành "3 ngã tư", tiềm ẩn tai nạn giao thông. |
Hộ ông Nguyễn Thìn (Giám đốc CTCPTM Chư Sê – 904b Hùng Vương) cũng liên tục khiếu nại và phản ánh về dự án đường gom tại sao huyện không mời đến để giải đáp đối thoại. Trong khi một dự án xây dựng đường gom bắt buộc cần phải trưng cầu ý kiến nhân dân theo điều 51 luật quy hoạch đô thị để điều chỉnh quy hoạch cục bộ mới đủ cơ sở pháp lý trước khi thực hiện dự án đầu tư trong đô thị.
Còn ý kiến của ông Trần Tuấn Lâm (trú tạị số 922 đường Hùng Vương) đề nghị Sở Xây dựng trả lời về tiêu chuẩn thiết kế đường gom như thế nào?, hiện nay đã có điều chỉnh quy hoạch chưa?...
Đối với câu hỏi của ông Lâm, ông Nguyễn Hồng Linh - Chủ tịch UBND huyện chỉ trả lời gói gọn rằng: việc xây dựng đường gom là theo thực tế, chưa mở đường đấu nào mới mà chỉ dựa trên đấu nối cũ theo hiện trạng.
Còn ông Nguyễn Văn Sang - Phó Giám đốc Sở Xây dựng đã đưa ra kết luận chung chung: “Giải pháp cây xanh và đường gom để giải quyết vấn đề giao thông và chống bụi bẩn ô nhiểm môi trường cho đoạn Quốc lộ 14 qua đô thị là phương án cần thiết, tuy nhiên cần khắc phục một số điểm như: Đối với tuyến đường đang xây dựng mới thống nhất điều chỉnh thiết kế mặt đường gom từ 3m thành 4m, thu hẹp dãi cây xanh còn 2m và thực hiện trong năm 2018; đối với tuyến đường đã đưa vào sử dụng thống nhất điều chỉnh thêm 1m để đảm bảo mặt đường gom”.
Theo ông Sang, UBND huyện sẽ bố trí vốn thực hiện trong năm 2018 – 2019, còn những vị trí dải phân cách quá dài cần nghiên cứu cắt bớt và tạo vị trí đậu đỗ, tránh xe cho phù hợp.
Chi Huỳnh - Diễm Phương