Ban tổ chức ASIAD 18 đã rất bất ngờ khi việt Nam không có bản quyền phát sóng ASIAD lần này.
Người hâm mộ Việt Nam không thể xem đội Olympic thi đấu trên sóng truyền hình. Ảnh: Dân Trí. |
Bà Linda Wahyudi - Giám đốc trung tâm phát sóng các chương trình ở ASIAD 2018 cho biết, tính đến thời điểm hiện tại có 75 quốc gia và vùng lãnh thổ sở hữu bản quyền phát sóng các môn thi đấu tại Á vận hội 2018. Trong đó, 16 đơn vị có giữ bản quyền, bao gồm cả 12 thành viên Hiệp hội truyền hình châu Á - Thái Bình Dương.
Trong khi cả châu lục đang nhộn nhịp, sẵn sàng thưởng thức các trận đấu đỉnh cao ở ASIAD 2018, thì tại Việt Nam, người xem đã phải xác định theo dõi các trận đấu của Olympic Việt Nam cũng như các môn thể thao khác qua kênh “lậu”, hay qua báo điện tử, báo giấy, chứ không được xem trên đài truyền hình quốc gia.
Điều đáng nói, trước đây ở ASIAD nào Việt Nam cũng phát trực tiếp nhưng lần này đài truyền hình Việt Nam (VTV) đã “nói không” với bản quyền ASIAD vì mức giá cao.
Chia sẻ với truyền thông, bà Linda Wahyudi nói: “Tôi rất tiếc khi Việt Nam không có sóng ASIAD 18. Tôi nhớ hồi SEA Games 2011, cũng tại Jakarta và Pamelang, các đài Việt Nam đều tham dự.
Việt Nam và Indonesia là láng giềng cùng khối ASEAN, chúng ta đều gặp nhau về vấn đề bản quyền SEA Games. Mỗi năm, giá bản quyền ngày một tăng và để các đài quyết định đổ tiền là điều không dễ”.
ASIAD 2018 chỉ là một trong số những giải đấu điển hình, nếu không có giải pháp, trong tương lai các sự kiện thể thao lớn của thế giới khó đến Việt Nam. Chính các nhà đài của Việt Nam cần chủ động trong việc vạch ra một chiến lược dài hơi, đặc biệt là gạt bỏ tư tưởng độc quyền.
Nếu tất cả các nhà đài cùng chia sẻ với nhau, có thể vấn đề đã dễ giải quyết hơn. Nó giống như câu chuyện doanh nghiệp góp sức để người hâm mộ được thưởng thức World Cup 2018.
Thu Hằng(T/h)