Với sự phát triển của thời đại và sự tiến bộ của xã hội, nhiều thành phố cần phá bỏ một số tòa nhà cũ để thu hút đầu tư và xây dựng thêm các tòa nhà chọc trời.
Tuy nhiên, mỗi khi một địa điểm bị phá bỏ, chính phủ và các nhà phát triển cần phải đối mặt với một vấn đề nhức nhối, đó là làm thế nào để đền bù cho những người ban đầu sống ở đây.
Việc đền bù không phải luôn thuận lợi khiến kế hoạch giải toả bị trì hoãn hết lần này đến lần khác do các điều khoản hai bên thương lượng không phù hợp, cư dân không chịu chuyển đi. Những ngôi nhà như vậy được người Trung Quốc gọi là "hộ đinh".
Tại hành phố Trịnh Châu thuộc tỉnh Hà Nam, có một căn nhà cổ đã có tuổi đời hơn 200 năm tồn tại bất chấp giữ rừng cao ốc tại làng Đông Sử Mã, được mệnh danh là "hộ đinh bá đạo nhất Trung Quốc", dù được đền bù 100 triệu NDT (khoảng 340 tỷ đồng) nhưng chủ nhà vẫn không chịu chuyển đi.
Ngôi nhà được gọi là nhà cổ Nhậm gia, có diện tích khoảng 1.200 m2. Do được xây dựng từ thời nhà Thanh nên cách bài trí và phong cách của ngôi nhà rất cổ kính, là một trong những công trình kiến trúc cổ tiêu biểu của địa phương.
Theo hậu duệ của Nhậm gia, ngôi nhà này được xây dựng bởi tổ tiên Nhậm Quân Tuyển, đương thời là quan nhị phẩm của triều đình nhà Thanh. Vì năng lực xuất chúng của mình, ông còn được triều đình ban cho một tấm bảng có khắc bốn chữ "Phụ Dực Quốc Chính", tước hiệu được hoàng đế ban cho người có công với đất nước.
Ông Nhậm Kim Lãnh, hậu duệ đời thứ 7 của Nhậm gia, cho biết, ngôi nhà cổ ban đầu là một phủ đệ bề thế với diện tích hơn 30 mẫu, gồm 38 căn phòng có kết cấu tương tự.
Tuy nhiên, trải qua nhiều biến cố lịch sử, Nhậm gia chỉ có thể giữ lại ngôi nhà với diện tích hơn 3 mẫu như ngày nay. Ngôi nhà được các thế hệ sau cùng sinh sống và giữ gìn vì lời hứa với gia tiên sẽ bảo vệ mảnh đất của gia tộc.
"Đừng nói 100 triệu, cho dù là 1 tỷ hay 10 tỷ cũng không bán, dù đưa ra bao nhiêu tiền cũng không bán", ông Nhậm từng tuyên bố đanh thép.
Chia sẻ thêm về lý do kiên quyết không bán ngôi nhà với bất cứ giá nào, ông Nhậm cho biết: "Ngôi nhà cổ là của tổ tiên, không phải của tôi. Nó chỉ được truyền lại cho thế hệ của tôi, và tôi có trách nhiệm giữ nó. Nếu ở thế hệ của tôi mà bán ngôi nhà cũ thì sẽ phá vỡ gốc rễ của gia đình tôi. Tôi chẳng còn mặt mũi nào để gặp tổ tiên".
Trong văn hóa Trung Quốc, "kế thừa" là một điều rất quan trọng. Việc ngôi nhà bị phá bỏ đồng nghĩa với việc lịch sử của một gia tộc sẽ mất dần trong tương lai.
Các chuyên gia sau đó cũng tiến hành thẩm định ngôi nhà, xác định được nhiều đồ vật có niên đại hàng trăm năm trong ngôi nhà này. Họ đưa ra kết luận rằng nhà cổ Nhậm gia là thực sự là một di tích văn hóa, một quá trình phát triển không ngừng của Trung Quốc từ xã hội phong kiến cổ đại đến thời đại mới và "không thể phá bỏ".
Năm 2017, được sự chấp thuận của Cục Di tích Văn hóa tỉnh Hà Nam, ngôi nhà được chuyển thành "Bảo tàng tư nhân Thiên Tường" và mở cửa miễn phí cho khách du lịch tham quan. Ông Nhậm Kim Lãnh và vợ cũng chính là "hướng dẫn viên" cho bảo tàng nhỏ này.
Hoa Vũ (Theo Sohu)