Theo tìm hiểu, Condotel B7 Giảng Võ- tòa nhà dát vàng 24k nổi bật vừa được lên báo Trung do Tập đoàn Hòa Bình của đại gia Đường "bia" làm chủ đầu tư.
Đại gia Nguyễn Hữu Đường (Đường "bia"). Ảnh: Reuters |
Mới đây, tờ Thời báo Hoàn Cầu đã có đăng tải bài viết, hình ảnh về Dolce Ha Noi Golden Lake- tòa nhà dát vàng 24k nổi bật giữa "đất vàng" Giảng Võ (Hà Nội).
Tờ này giới thiệu, đây là "Khách sạn hoàng kim" tại Việt Nam. Theo bài đăng mô tả, toàn bộ tường bên ngoài của khách sạn đều được dạt vàng óng ánh, thậm chí có thể làm chói mắt người nhìn dưới ánh nắng mặt trời.
Các trang thiết bị bên trong từ vòi hoa sen, bồn rửa mặt, bồn cầu và bồn tắm trong phòng tắm cũng được mạ vàng, đến bộ đồ dùn và thức ăn trong khách sạn cũng được "dát vàng".
Được biết, Dolce Ha Noi Golden Lake (Condotel B7 Giảng Võ) tọa lạc tại khu "đất vàng" Giảng Võ với 3 mặt giáp đường lớn, trong đó có 2 mặt nhìn ra hồ Giảng Võ. Với quỹ đất gần như không còn ở khu vực này vào thời điểm hiện tại, dự án này gần như không có đối thủ cạnh tranh trong tương lai về mặt vị trí.
Theo tìm hiểu, Condotel B7 Giảng Võ do Công ty TNHH Hòa Bình (Hòa Bình Group)- Tập đoàn Hòa Bình, làm chủ đầu tư. Doanh nghiệp này được thành lập năm 1993, đăng ký trụ sở chính tại số 84 Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội, có ngành nghề kinh doanh chính là xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng khác.
Tổng Giám đốc kiêm Người đại diện pháp luật là ông Nguyễn Hữu Đường (đại gia Đường "bia").
Tập đoàn Hòa Bình là doanh nghiệp bất động sản có tiếng với nhiều dự án làm nên thương hiệu.
Một trong những dự án mang tính biểu tượng của Hòa Bình là tòa Tháp quốc tế Hòa Bình. Dự án được xây dựng từ năm 2004 – 2006 trên khu đất rộng 1.952 m2 tại số 106 Hoàng Quốc Việt, tổng mức đầu tư 26,1 triệu USD.
Dự án mang tính biểu tượng khác của Tập đoàn Hòa Bình là Khu phức hợp Hòa Bình Green Đà Nẵng – được khởi công từ tháng 3/2016 với quy mô hơn 1.000 căn hộ và phòng khách sạn, chống được động đất cấp 8 với tổng diện tích 12.500 m2.
Kết quả kinh doanh của Hòa Bình giai đoạn 2016-2019. Ảnh: VietTimes |
Ngoài ra, doanh nghiệp của đại gia Đường "bia" còn triển khai nhiều công trình quy mô khác như: dự án Nhà máy Đường Man (Bắc Ninh); dự án Khách sạn Hòa Bình Palace (Hà Nội); dự án Hoa Binh Green Apartment (Hà Nội), dự án Hòa Bình Green City Hà Nội.
Về tình hình kinh doanh, theo dữ liệu của VietTimes, trong 4 năm trở lại đây, Tập đoàn Hòa Bình có sự tăng trưởng về cả quy mô tài sản cũng như doanh thu và lợi nhuận hàng năm.
Trong năm 2019, doanh thu thuần của Hòa Bình đạt 1.726 tỷ đồng, lãi thuần cao kỷ lục ở mức 322,7 tỷ đồng, cao gấp gần 7 lần so với năm 2018 (46,3 tỷ đồng).
Tính đến cuối năm 2019, tổng tài sản của Hòa Bình đạt 9.072 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu ở mức 953,1 tỷ đồng.
Bạch Hiền