(ĐSPL) - Nghĩ rằng vợ “có vấn đề” nên chồng càng... cố gắng. Kết quả vợ bị rách, viêm niệu đạo khiến bác sỹ bó tay không thể can thiệp và người vợ muôn đời “ôm đời thạch nữ”...
Bác sỹ bó tay vì “chỗ kín” hỏng quá nhiều
Đó là câu chuyện “dở khóc, dở cười” của vợ chồng anh Nguyễn Văn N. (32 tuổi, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa) mà bác sỹ Phạm Thị Việt Dung (khoa Phẫu thuật tạo hình, bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn) kể lại cho phóng viên nghe. Theo bác sỹ Dung, đó là một trong những ca “khoai” nhất về tạo hình âm đạo khiến cho các bác sỹ tại bệnh viện này phải “bó tay”.
Bác sỹ Dung cho biết, việc tái tạo cho những phụ nữ không có âm đạo là chuyện không khó. Tuy nhiên, chỉ vì kém hiểu biết và chưa có kinh nghiệm trong “chuyện chăn gối” khiến vợ anh N. mất đi cơ hội thoát khỏi cảnh “thạch nữ”.
Phẫu thuật tạo hình âm đạo khá phức tạp nhưng đã giúp nhiều cô gái kết thúc đời “thạch nữ”. |
Cách đây mấy năm, khoa Phẫu thuật tạo hình tiếp nhận một ca cấp cứu hi hữu. Vợ chồng anh N. đến bệnh viện trong trạng thái vừa xấu hổ, vừa hoảng loạn. Sau khi nghe bệnh nhân kể lại sự việc của gia đình mình và tình trạng bệnh, các bác sỹ trong khoa đã chẩn đoán lâm sàng vợ anh N. không có âm đạo. Tuy nhiên, lúc khám xét trực tiếp, điều khiến các bác sỹ “hoảng loạn” không kém bệnh nhân, đó là “chỗ kín” của người vợ anh N. bị “hỏng” quá nhiều. Người vợ bị rách niệu đạo, rách thành hậu môn, trầy xước xung quanh chỉ vì chồng “cố gắng” một cách thô bạo và kém hiểu biết...
Bác sỹ Dung nói: “Vì niệu đạo và âm đạo rất gần nhau, giống nhau, theo đó cũng rất khó phân biệt với những người không có kinh nghiệm. Theo lời kể của bệnh nhân, sau khi lấy nhau về, hai vợ chồng đêm nào cũng hì hục đến toát mồ hôi mà cũng không thể… thành công . Sau mọi cố gắng, nghĩ “chỗ đó” của vợ quá nhỏ cần phải nong cho rộng hơn, mỗi đêm anh chồng lấy tay can thiệp khiến cho vợ bị nát niệu đạo, rách thành hậu môn, ảnh hưởng lớn đến sức khoẻ sinh sản”.
“Trong trường hợp thành hậu môn bị rách, bệnh nhân đi vệ sinh rất bẩn và bị nhiễm trùng. Dù khâu lại các kiểu nhưng rất khó liền lại. Sau khi chữa trị ổn định những vị trí mà anh chồng làm hỏng, chúng tôi cũng hội chẩn nhiều lần, dù rất cố gắng nhưng chúng tôi cũng không thể tái tạo âm đạo của người phụ nữ ấy”, bác sỹ Dung nói.
Bác sỹ Dung tâm sự, hôm vợ chồng anh N. xuất viện, ai nhìn vào cũng ái ngại, thương cảm mà không biết an ủi, động viên kiểu gì. Đó là một trong những ca hi hữu để lại nhiều ám ảnh, tiếc nuối cho các bác sỹ nơi đây. Bởi ai cũng hiểu rằng, vợ chồng khi đã lấy nhau, dù có thể không có con nhưng nếu “khoản kia” cũng không “làm ăn được gì” thì hạnh phúc của họ rất dễ đến bờ vực thẳm. Bởi, trong quá trình làm nghề, vị bác sỹ này đã chứng kiến không ít cặp vợ chồng chia tay chỉ vì vợ không có “vùng sung sướng”.
Phẫu thuật tái tạo chỉ để được... làm vợ
Theo bác sỹ Phạm Thị Việt Dung, với những phụ nữ không có âm đạo thường kèm theo các dị tật về tử cung, buồng trứng nên khả năng có con rất khó. Dân gian gọi những người kém may mắn này là “thạch nữ”. Mặc dù đến tuổi trưởng thành, ngực và “chỗ kín” của họ vẫn phát triển bình thường. Với những phụ nữ này chỉ phát hiện ra khiếm khuyết của mình khi đã qua tuổi dậy thì mà không thấy có kinh nguyệt, khi lấy chồng thì không thể làm “chuyện ấy”.
Trước năm 2013, khoa Phẫu thuật tạo hình vẫn áp dụng phương pháp cũ trong tạo hình âm đạo. Đó là ghép, tạo âm đạo bằng da, đoạn ruột và vạt da. Bác sỹ Dung cho biết: “Với những phụ nữ có hình dáng âm hộ bình thường thì chỉ cần tạo một khoang rỗng bên trong. Sau khi mở khoang, các bác sỹ sẽ phải lót, phủ vào đó bằng một chất liệu trơn nhẵn, chống cho thành hai bên dính lại. Tùy từng kinh nghiệm của bác sỹ và đặc tính riêng biệt của từng bệnh nhân mà nên dùng da, đoạn ruột hoặc vạt da - gọi chung là các tổ chức liên kết để phủ khoang”.
Bác sỹ Phạm Thị Việt Dung. |
Việc sử dụng các tổ chức liên kết nói trên có nhiều nhược điểm và gây không ít khó chịu cho bệnh nhân. Nếu tạo bằng da, âm đạo sẽ nhanh chóng bị co lại, gây chật chội, đặc biệt âm đạo sẽ bị khô rất khó quan hệ tình dục. “Có không ít bệnh nhân phàn nàn, cứ nhìn thấy chồng là sợ. Bởi khiếm khuyết nên họ bị đau, dù rất muốn chiều chồng nhưng chỉ cần đôi lần đau không thể chịu, họ sẽ tìm mọi cách để trốn tránh “nhiệm vụ””, bà Dung nói.
Còn khi tạo hình bằng đoạn ruột, các bác sỹ sẽ mở khoang bụng lấy ruột làm chất liệu tái tạo. Phương pháp này có thể xảy ra biến chứng bởi phải động dao kéo vào phần ổ bụng. Hơn nữa, chức năng của ruột là luôn tiết dịch nên hàng ngày, bệnh nhân phải dùng đến băng vệ sinh, ngứa ngáy, rất khó chịu…
Đối với chất liệu che phủ là vạt da (mỡ bụng, bẹn, đùi...) diện tích bao phủ dày, chiếm gần hết lòng khoang âm đạo sẽ gây cảm giác như chưa “mở khoang”, khi quan hệ tình dục sẽ bị khô và đau. Tại nơi lấy chất liệu cũng sẽ để lại sẹo xấu. Đặc biệt, với tổ chức liên kết này, rất có thể trong lòng âm đạo vừa tạo sẽ mọc lông gây ngứa ngáy, khó chịu. Bác sỹ Dung tâm sự: “Đã có trường hợp bệnh nhân mọc cả một búi lông nhỏ trong âm đạo và phải đi xử lý. Nhiều bệnh nhân cũng phản ánh, với âm đạo được làm bằng vạt da, “chuyện ấy” của họ cũng không đạt như mong muốn. Bởi diện tích bao phủ dày, vạt da chiếm gần hết lòng khoang âm đạo sẽ gây cảm giác như chưa “mở khoang”, khi quan hệ tình dục cũng khó khăn, kèm theo đó là âm đạo bị khô và sẽ đau”.
Để khắc phục những nhược điểm trên, sau khi tìm hiểu và nghiên cứu, GS.TS Trần Thiết Sơn, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình (bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn) đã quyết định sử dụng niêm mạc miệng để phẫu thuật cho các trường hợp không âm đạo. Sau khi công bố phát minh này vào năm 2012, các bác sỹ, chuyên gia trên thế giới đã thừa nhận đây là kỹ thuật mang lại hiệu quả cao nhất và đã học hỏi từ các bác sỹ Việt Nam.
Không phải bệnh hiếm gặp Theo bác sỹ Việt Dung, tại Việt Nam , hiện chưa có nghiên cứu thống kê cụ thể ở cộng đồng về số người mắc dị tật không âm đạo. Nhưng trên thế giới, cứ khoảng 4.000-10.000 trẻ nữ thì có một trường hợp mắc dị tật này. Hầu hết trường hợp mắc bệnh không phát hiện họ có vấn đề cho đến khi bước vào tuổi dậy thì và không có kinh nguyệt hay không thể giao hợp. Các thăm khám thường cho thấy những cô gái này có âm đạo kém phát triển hoặc hoàn toàn không có. |
Nhị Hà – Nhật Minh
Xem thêm video: Hãi hùng hơn 85\% phẫu thuật sống mũi đều bị biến chứng