Tỉnh dậy sau hai ca phẫu thuật liên tiếp, chị nhận được hung tin, đứa con trong bụng chị nâng niu bao lâu nay đã mất. Đau đớn hơn, từ đây chị mất luôn khả năng làm mẹ.
Tỉnh dậy sau hai ca phẫu thuật liên tiếp, chị nhận được hung tin, đứa con trong bụng chị nâng niu bao tháng ngày đã mất. Đau đớn hơn, từ đây chị mất luôn khả năng làm mẹ. 4 tháng sống trong đau khổ tột cùng sau ngày định mệnh ấy, chưa kịp phục hồi về thể xác lẫn tâm hồn, chị lại nhận tiếp một đòn chí mạng từ chồng. Anh muốn ly hôn, vì một lý do thật bẽ bàng - chị không còn khả năng sinh nở.
Đơn ly hôn của người chồng như một nhát dao giết chị thêm lần nữa. |
Tình muộn
Năm 2011, ở cái tuổi 35, chị Hồ Thị Vi, ngụ Xuân Đông, huyện Cẩm Mỹ (Đồng Nai) mới chịu lập gia đình, chấm dứt những cái nhìn ái ngại của người thân và bạn bè về một “bà cô chưa chồng”. Người đàn ông chị chọn để kết tóc xe duyên sống tại xã Triệu Hải, huyện ĐạTẻh (Lâm Đồng). Đám cưới được tổ chức rình rang, mừng chị lên xe hoa ở cái tuổi quá muộn màng.
Gia đình chồng chị vốn ở quê, sinh sống chủ yếu bằng nghề nông, nhưng lại không có đất sản xuất, nên kinh tế cũng thuộc diện khó khăn. Chồng chị, dù có chút học thức, nhưng không chịu khó làm ăn, thành ra chẳng có nghề nghiệp gì. Sau hôn nhân, người chồng ở lại quê nhà, chị về TP HCM tiếp tục công việc. Đồng lương công nhân ít ỏi của chị cũng chỉ cầm chừng cuộc sống của hai vợ chồng. Thấy con gái chịu cực khổ, nhưng vợ chồng yêu thương, đùm bọc nhau, bố mẹ chị cũng tạm hài lòng.
Sau nửa năm, chán cảnh sống lay lắt, vợ chồng chị quyết định “thu về một mối”, ổn định để sớm sinh con. Chị về quê chồng. Tuy nhiên, không được bao lâu, cuộc sống ở quê quá chật vật, vợ chồng chị dắt díu nhau lên thành phố. Chị trở lại làm công nhân còn chồng làm nghề tự do. Dù khó khăn chồng chất, nhưng chồng chị luôn sống trong ảo vọng với những kế hoạch kinh doanh “táo bạo”. Anh hăng hái đốt những đồng tiền ít ỏi chị chắt chiu từ đồng lương công nhân của mình vào những kế hoạch kinh doanh “một lời mười” của mình.
Có lẽ tình yêu làm con người quên đi lý trí. Biết chồng “chẳng làm nên trò trống gì”, nhưng thấy chồng cứ nài nỉ, đến van xin… chị lại gom góp tiền đưa cho anh, rồi lại ngậm ngùi khóc một mình. Bao nhiêu tiền dành dụm từ thời con gái, tiền mừng cưới của hai người, tiền anh em “dấm dúi” cho, chẳng mấy chốc đã “đội nón ra đi” theo những kế hoạch của chồng. Thời gian trôi qua, niềm ước ao có một đứa con ngày càng lớn dần trong chị. Chị nghĩ, biết đâu niềm hạnh phúc làm mẹ sẽ khiến chị vơi bớt những đau buồn do người chồng gây ra. Trời không phụ lòng người, sau hơn một năm chung sống, chị đã có thai. Chị như nghẹt thở với niềm hạnh phúc sắp được làm mẹ.
Họa vô đơn chí
Mang tâm trạng của người phụ nữ lần đầu làm mẹ, chị lo lắng, hồi hộp, hân hoan chờ đợi thiên thần chào đời. Mọi sự chuẩn bị đều được hoàn tất. Từng chiếc tã, bình sữa, bao tay… được chị nâng niu, xếp gọn gàng trong túi, sẵn sàng chờ ngày chuyển dạ. Thế rồi, một ngày cuối tháng 6/2013, cánh cửa hi vọng đóng sầm lại, tối mịt, không lối thoát. Đang trong giờ làm việc, chị bị băng huyết.
Đứa bé chưa kịp đến trong vòng tay chị đã vội ra đi. Chị phải trải qua hai cuộc phẫu thuật đầy đau đớn mới giữ được mạng sống. Bác sĩ buộc phải cắt tử cung của chị. Bàng hoàng tỉnh dậy sau cuộc vật lộn giữa sự sống và cái chết, chị biết được hung tin đứa bé đã tử vong trước khi chào đời. Đau khổ tột cùng vì mất con, chị lại bàng hoàng khi bác sĩ thông báo mình mất luôn khả năng làm mẹ. Chị chếnh choáng trong đau khổ và mụ mị trong từng suy nghĩ. Lúc này, chị chỉ nghĩ đến cái chết, dù người thân và chồng luôn ở bên, an ủi, vỗ về. Khó khăn lớn nhất của chị có lẽ là nỗi mặc cảm với chồng, rằng mình là người “khiếm khuyết”; không có khả năng sinh con nối dõi cho chồng. Chị sống tự ti trong nỗi đau mất con, mặc cảm cá nhân và tràn ngập cảm giác là người có lỗi.
Sau 4 tháng gắng gượng, chị dần hồi tỉnh, sức khỏe khá hơn. Chị được ba mẹ ruột rước về dưỡng bệnh, trong khi mẹ chồng không một lời hỏi han. Với chị lúc này, người chồng trở thành chỗ dựa cho tâm hồn yếu đuối đầy tổn thương của chị. Thế nhưng, chỉ sau vài tháng tai nạn xảy ra, chồng chị cũng bỏ chị mà ra đi không lời từ biệt. Dòng tin nhắn “anh muốn đi tìm tương lai” cứ ám ảnh chị, làm chị ngụp lặn trong đau khổ, mặc cảm không thể thoát ra. Người đàn ông phụ bạc ấy còn mất nhân tính hơn, khi chìa trước mặt chị tờ đơn ly hôn, càng khiến tim chị nghẹt thở vì đau đớn.
“Giết người không dao” bằng tờ đơn ly hôn
Ngỡ chỉ đánh tiếng đòi chia tay vậy thôi, ngờ đâu người chồng phụ bạc đó lại đơn phương nộp đơn lên tòa trong khi vợ đang nằm trên giường bệnh. Nước mắt khóc con chưa ráo, giờ mắt chị cứ nhòe đi vì người chồng bội bạc. Quá sức chịu đựng, một lúc mất tất cả, chị sống không bằng chết bởi động lực sống duy nhất của chị trên cõi đời cũng bỏ chị mà đi.
Nhận được đơn, Tòa án nhân dân huyện Cẩm mỹ liên lạc với chị, mời chị ra tòa giải quyết. Chị câm lặng trước những buổi hòa giải bất thành. Bởi chồng chị nhất quyết dứt áo ra đi. Nguyên nhân lại quá phũ phàng với chị. Anh muốn được làm cha. Dù cố dối lòng, gắng tin một nguyên nhân nào khác để đỡ tủi phận nhưng chị hoàn toàn bất lực và ngã quỵ. Người thân quá phẫn uất, cố giúp chị tìm hiểu nguyên nhân, sự thật mới được phơi bày.
Tháng 6/2013 vợ gặp nạn, tháng 11/2013 chồng chị đòi ly hôn. Trong khi đó, tháng 10/2013 anh đã tỏ tình với người phụ nữ khác với tư cách một người đàn ông chưa có gia đình. Quá đau đớn, chị buông xuôi tất cả. Người thân phẫn nộ, muốn “dạy” cho kẻ bội bạc kia một bài học, nhưng chị nhất quyết can ngăn. Chị nói: “Thôi cái phận mình nó bạc thì chấp nhận vậy, làm cho hả dạ cũng không được gì, mất công thiên hạ lại nói ra nói vào thêm đau lòng. Ở đời người hiểu mình thì ít mà “người dưng” thì nhiều, có chăng thì họ cũng chỉ trao cho mình ánh mắt thương hại, đau lắm!….”. Nghe chị nói mà những người thân như đứt từng đoạn ruột.
Thấy con gái ngày một sa sút cả tinh thần lẫn thể xác, lại phải chịu cảnh nay tòa gọi, mốt tòa kêu, ba mẹ chị một phần giận thằng rể quá nhẫn tâm, phần oán trách ông trời sao không công bằng với chị. Nghĩ lại, từ hai bàn tay trắng, một đôi dép cũng không lành lặn để đi, lấy chị, anh ta có tất cả. Chị tạo mọi điều kiện cho chồng làm ăn. Rồi với vốn kiến thức từ khóa học tại chức, được người quen đỡ đầu, anh đàng hoàng được vào dạy một trường anh ngữ quốc tế. Lúc này quần là áo lượt, tiền bạc rủng rỉnh, anh lại quên đi người vợ đã một thời cưu mang, chia ngọt sẻ bùi.
Ngày 18/3/2014, tòa tiếp tục gọi chị lên hòa giải. Dù đến tham gia, nhưng chị chẳng mặn mà. Bởi, chị cũng không còn tha thiết sống với một người phụ tình phụ nghĩa như thế. Tuy nhiên, hoàn cảnh bây giờ của chị quả thực quá bi đát và thương tâm. Sức khỏe không có, việc làm cũng mất (chị nghỉ việc sau khi sinh con vì không đủ sức khỏe), sống cùng ba mẹ già, tương lai mờ mịt.