Nghe những lời mách trên mạng, nhiều bà bầu nhất quyết chọn "giờ vàng” để sinh con và trên thực tế đã có những câu chuyện đau lòng. Có phải là ai sinh vào giờ vàng, ngày đẹp cũng có tương lai tốt đẹp? Và việc chọn ngày, giờ sinh con thực tế ảnh hưởng như thế nào đến cả mẹ và bé?
Mất con vì “giờ vàng”
Từng có câu chuyện, một bà mẹ đi siêu âm thai ở tuần 37, bác sĩ nói cần được mổ gấp nhưng gia đình nhất định không chịu và đòi đến hôm sau mới mổ. Nhiều người bên cạnh đứng ngơ ngác hỏi: Đang nguy hiểm sao không mổ ngay? Gia đình đó trả lời: Phải chờ giờ đẹp mới mổ. Không còn cách nào khác, bác sĩ phải chiều theo gia đình và hôm sau mổ ra, đứa bé đã tử vong.
Đây chỉ là một trong số những câu chuyện đau xót về việc chọn "giờ vàng" để sinh con. Nói chuyện với chúng tôi trong nước mắt, chị Trần Thị L. (Hà Nội) kể, khi chị mang bầu tháng thứ 6 thì phải ở nhà dưỡng thai vì sức khỏe yếu. Rảnh rỗi, chị lên mạng thấy các bà mẹ chia sẻ cách chọn "giờ vàng" để sinh con thông minh, ngoan ngoãn. “Nghe theo lời mách, tôi đến nhà một bà bói có tiếng. Bà phán đúng giờ ấy, ngày ấy thì con phải chào đời. Tôi về bàn với chồng nhưng chồng nhất định không đồng ý, mẹ chồng tôi lại tán thành”, chị L. nghẹn ngào.
Đến khi bầu được 38 tuần, chị đi siêu âm bác sĩ bảo mổ ngay, nhưng còn 10 ngày nữa mới đến ngày có "giờ vàng” để con chào đời. Vậy là chị cùng mẹ chồng nhất quyết không chịu mổ. “3 ngày sau, tôi đau bụng quá không chịu nổi, chồng đưa vội vào viện. Đến nơi, bác sĩ kết luận thai lưu và phải can thiệp để đưa con ra ngoài. Tôi bàng hoàng khi nghe tin, chồng tôi thì giận tím người. Tôi ân hận vì đã không nghe lời chồng, lời bác sĩ”, chị L. tâm sự.
Nói đến việc chọn sinh con theo giờ, ngày “vàng", chuyên gia phong thủy Nguyễn Thị Ngọc Anh kể cho PV nghe câu chuyện mà chị chứng kiến: “Hôm tôi đi sinh, có một chị bầu mới 36 tuần vào viện. Chị ấy theo thầy và nói con chị có lá số tốt vào ngày hôm đó. Chính vì thế, chị nhất quyết đòi mổ. Dù các bác sĩ đã giải thích nhưng chị ấy nhất định không chịu nghe. Em bé sinh ra chưa đến 2,3kg, bé rất yếu”.
Nhiều người muốn chọn giờ tốt sinh ra để mong đứa trẻ sẽ có vận mệnh tốt (Ảnh minh họa). |
Cũng theo chuyên gia phong thủy Nguyễn Thị Ngọc Anh, chuyện sinh mổ hay sinh thường là sự lựa chọn của mỗi người. Nếu chọn sinh mổ, họ thường chọn luôn ngày giờ tốt để con mình có một lá số đẹp làm nền tảng cũng là một chuyện nên làm. Nhưng nếu bắt con quá sớm, hoặc quá muộn thì vô tình đã đánh đổi sức khỏe của bé để lấy 1 lá số đẹp. Mà lá số đẹp chỉ mới là phần Thiên trong 3 yếu tố Thiên - Địa - Nhân, chỉ chiếm 30% sự thành bại của một đời người. Có đáng để đánh đổi sức khỏe và sự an toàn cho bé hay không?
Cùng chia sẻ với PV, bác sĩ Trần Vũ Quang (bệnh viện Phụ sản Trung ương) cho biết: “Chọn "giờ vàng", "ngày vàng" sinh con là theo tâm lý. Các ông bố, bà mẹ mải chạy theo thầy bói nên mới bỏ qua tư vấn của bác sĩ, dẫn đến hậu quả sai lầm. Hãy để con sinh ra đúng với tuần tuổi của bé, đấy mới là lá số tốt nhất cho sự phát triển của con”.
Tốt đâu chưa thấy, nguy hiểm cận kề
Không ít bà mẹ trẻ coi việc chọn năm sinh, ngày sinh, giờ sinh con với đủ thứ lý do như một thứ mốt thời thượng. Nhiều người có tâm lý sinh “giờ đẹp” vì tin rằng con sinh ra đúng thời điểm sẽ thành thần đồng. Cơn sốt “sinh ép” rộ lên ở nhiều nơi, trở thành đề tài mà nhiều người tìm hiểu. Tuy nhiên, việc sinh con chọn giờ liệu có thực sự tốt như nhiều người vẫn mong muốn? Kết quả tốt thì chưa ai kiểm chứng được nhưng việc can thiệp thời điểm sinh chắc chắn ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của thai nhi và người mẹ. Không ít bà mẹ gặp tai biến vì chạy đua giờ tốt sinh con.
Theo bác sĩ Thu Nga, sản phụ sinh mổ để chọn giờ vàng có thể đối diện với việc tăng nguy cơ như nhiễm trùng hậu sản do có sự tiếp xúc giữa môi trường bên ngoài với vùng ổ bụng, tử cung hoặc nhiễm trùng do bị bế sản dịch, nguy cơ chảy máu trong cao hơn. Ảnh hưởng đến thẩm mỹ do mổ đẻ để lại sẹo. Bên cạnh đó, việc can thiệp sinh sớm có thể khiến người mẹ gặp những biến chứng ở lần mang thai sau, đặc biệt là nguy cơ chửa ngoài dạ con, nhau thai bám vào vết mổ cũ, vỡ tử cung ở mẹ,... khiến việc mang thai sau phải được theo dõi nghiêm ngặt hơn và lần sinh sau cũng hầu như phải mổ đẻ.
Bên cạnh đó, “sinh ép” cũng tăng nguy cơ mắc bệnh, thậm chí gây tử vong ở trẻ. Việc trẻ chào đời không bằng đường tự nhiên có thể khiến phổi và dạ dày của trẻ còn đọng nước ối. Phổi bị tồn ứ dịch sẽ làm tăng nguy cơ trẻ bị suy hô hấp, nhiễm trùng máu, bệnh màng trong. Đây là các bệnh lý rất nặng ở trẻ sơ sinh, đòi hỏi thời gian điều trị kéo dài, tốn kém. Ngoài ra, quá trình chuyển dạ, sản phụ sẽ sản sinh ra nhiều hoóc-môn giúp tăng sức đề kháng ở trẻ. Những trẻ sinh mổ không trải qua quá trình này sẽ yếu hơn do thiếu những hoóc-môn cần thiết giúp đối phó với những thay đổi đầu đời. Không những vậy, thực tế có nhiều thai nhi do bị ép ra đời sớm hơn hoặc ngược lại, vì mẹ “nhịn đẻ” để chờ sinh con ra vào “giờ vàng” mà gặp tai biến dẫn đến tử vong hay thai chết lưu.