Chậu tắm cho bé là vật dụng mà bất cứ gia đình nào có con nhỏ cũng cần có ít nhất một chiếc để sử dụng trong việc tắm hàng ngày cho bé. Trên thị trường có rất nhiều loại chậu tắm với giá thành và chất lượng khác nhau, chính điều đó là các mẹ khó khăn trong khâu lựa chọn.
Việc chọn lựa, sử dụng và làm sạch chậu tắm đúng cách, đôi khi tưởng dễ mà lại thành khó. Chậu tròn hay chậu dài? Nông hay sâu? Sử dụng chậu tắm ra sao để có thể dùng được lâu dài và an toàn cho trẻ? Kids Plaza sẽ chia sẻ với mẹ một vài kinh nghiệm trong việc sử dụng chậu tắm đúng cách cho con.
1. Chọn lựa kiểu dáng
Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều kiểu dáng chậu tắm cho bé để mẹ lựa chọn. Thực ra, chậu tròn hay chậu dài không quá quan trọng. Tuy nhiên hiện nay, các loại chậu dài được ưa chuộng hơn bởi vừa vặn với cơ thể của bé và thuận tiện hơn cho bố mẹ trong việc tắm cho con yêu.
Với bé sơ sinh, mẹ nên chọn loại chậu nông vì bé còn nhỏ. Tuy nhiên, để tiết kiệm chi phí, mẹ có thể mua một chiếc chậu tắm chất lượng cho bé, phù hợp để bé có thể dùng đến khi lớn hơn 1 tuổi. Khi đó, để dễ dàng cho việc tắm gội, mẹ có thể dùng lưới tắm cho bé, vừa an toàn, vừa tiện lợi. Trên thị trường hiện nay có nhiều loại lưới tắm khác nhau, rất phù hợp cho các bé.
2. Chọn lựa chất liệu
Đa số chậu cho bé hiện nay làm bằng nhựa. Ngay cả chậu tắm phao được thiết kế đặc biệt cũng làm từ nhựa Vinyl an toàn cho bé. Khi lựa chọn chậu tắm cho bé, mẹ lưu ý nên chọn loại nhựa dày nhưng không quá giòn để có thể dùng được lâu dài. Chất liệu nhựa để mẹ chọn lựa cũng nên là nhựa PP, PES, không BPA để đảm bảo an toàn cho bé.
Chọn chất liệu đảm bảo an toàn cho bé |
3. Chọn lựa tính năng
Càng ngày, các hãng đồ dùng cho bé càng cải tiến thêm nhiều tính năng ưu việt cho các sản phẩm chậu tắm cho bé. Loại chậu có thể gấp gọn thuận tiện cho bé khi di chuyển, về quê hay đi chơi xa. Phần lớn chậu tắm hiện nay được thiết kế van xả nước ở đáy. Một số khác thiết kế mặt đáy chống trơn trượt, vừa an toàn tuyệt đối cho bé, vừa thuận tiện cho mẹ khi tắm xong cho con yêu. Thành chậu cũng được bo tròn để tránh làm trầy xước làn da mỏng manh của bé.
4. Làm sạch chậu tắm như thế nào?
Khi đã lựa chọn đầy đủ các yếu tố an toàn cho bé, mẹ cũng nên lưu ý đến việc vệ sinh chậu tắm trong quá trình sử dụng. Bởi chậu tắm ẩm thấp là môi trường lý tưởng để các vi trùng, vi khuẩn phát triển. Nhiều mẹ băn khoăn tại sao con mình hay ốm trong khi đã đảm bảo vệ sinh rất tốt cho con mà không hay nghĩ rằng, nguy cơ tiềm ẩn bệnh tật nằm ngay trong những vật dụng cơ bản hàng ngày, trong đó chậu tắm là một ví dụ.
Sau khi tắm xong cho con yêu, mẹ hãy xả hết nước tồn dư trong chậu. Sau đó, mẹ hãy dùng nước rửa chén cọ sạch chậu tắm của con và xả lại nhiều lần bằng nước sạch.
Mẹ cũng có thể dùng hỗn hợp giấm pha với nước sạch hoặc nước cốt chanh để cọ rửa chậu tắm cũng rất hiệu quả và an toàn.
Sau khi rửa sạch chậu tắm cho con bầng các dung dịch trên, mẹ hãy dùng khăn khô lau sạch và dựng chậu lên, phơi tại nơi khô ráo và có ánh sáng.
Vài mẹo nhỏ nhưng không phải bà mẹ nào cũng chú ý để làm sạch chậu tắm cho con. Để đảm bảo an toàn cho con yêu và bảo vệ làn da nhạy cảm của bé, mẹ hãy lưu ý các cách chọn lựa và làm sạch chậu tắm trên nhé!