(ĐSPL) - Ngày 26/9, bộ Công an đã tiến hành bắt khẩn cấp, khám xét đối với Vũ Đức Hiếu (trú ở ngõ 35 đường Láng, Hà Nội), Tổng giám đốc công ty Cổ phần đầu tư VGX và Nguyễn Thị Mỹ Hạnh (kế toán trưởng, phụ trách toàn bộ hoạt động thu, chi của công ty VGX) vì có hành vi kinh doanh trái phép. Theo điều tra bước đầu, VGX đã thu hút khoảng 700 nhà đầu tư tham gia mở tài khoản giao dịch với tổng giá trị giao dịch trái phép hơn 110 tỉ đồng. Hình thức kinh doanh này đã bị cấm từ năm 2009.
Tổng giám đốc công ty Cổ phần đầu tư VGX bị bắt vì kinh doanh vàng qua tài khoản. |
Đóng tiền thật, giao dịch ảo
Theo quan sát của PV báo Đời Sống và Pháp Luật, tại hai thị trường lớn là Hà Nội và TP.HCM, nhiều sàn vàng lớn đã tạm ngưng giao dịch, vài sàn nhỏ thì liên tục chuyển địa điểm giao dịch hòng qua mắt cơ quan quản lý. Sáng 28/9, trao đổi PV báo Đời Sống và Pháp Luật, anh Dương Tuấn Anh - nhân viên tín dụng ngân hàng Standard Chartered chi nhánh Hà Nội cho biết, bản thân anh đã nhận được nhiều lời đề nghị "làm ngơ" để các khách hàng vay tiền "đánh" vàng tài khoản nhưng anh đã kiên quyết nói không.
Theo anh Tuấn Anh, các sàn vàng chui ở Việt Nam hoạt động theo kiểu trung gian, làm trọng tài dựa trên kết quả giao dịch vàng ở thị trường Forex thế giới (Forex - Foreign Exchange: Thường được viết là Forex hay FX, là thị trường tài chính lớn nhất thế giới, với số lượng tiền giao dịch mỗi ngày lên đến gần 4,5 nghìn tỉ USD). Chấp nhận chơi vàng tài khoản, đồng nghĩa với việc các nhà đầu tư sẽ không chơi trực tiếp trên sàn nước ngoài mà chơi thông qua sự đảm bảo của "vị trọng tài" này. Sau đó, bất chấp chuyện nhà đầu tư thắng hay thua, sàn vàng vẫn thu phần trăm dựa trên số lần và số lượng giao dịch.
Theo tìm hiểu của PV báo Đời Sống và Pháp Luật, ở hầu hết các sàn giao dịch vàng đang tồn tại, nếu muốn tham gia, nhà đầu tư phải nộp vào trước một khoản tiền, gọi là ký quỹ. Tiền ký quỹ tối thiểu là 100 USD, không quy định mức tối đa. Khoản tiền này đảm bảo cho nhà đầu tư có thể đặt lệnh mua hoặc bán số vàng gấp 100 lần số tiền ký quỹ, đồng thời bao gồm luôn phí môi giới phải trả cho chủ sàn ngay khi phát sinh giao dịch. Tổng số phí thấp nhất là 10.000 đồng/1 lượng vàng được giao dịch.
Nhằm lôi kéo khách tham gia, nhiều công ty có quy định ứng trước cho khách số tiền "ảo" gấp 100 lần tiền ký quỹ. Nếu khách thắng thì không sao nhưng nếu thấy khách thua gần chạm đến số tiền này, lập tức công ty sẽ thao tác hủy giao dịch. Vì vậy, khách hàng chỉ được phép thua trong số tiền thật có của mình.
Về số phận khoản tiền 110 tỉ đồng giao dịch tại VGX, anh Tuấn Anh dự đoán, các nhà đầu tư sẽ khó lòng thu về được. "Số tiền đó còn hay không còn phải tùy thuộc vào độ ăn tiêu của mấy sếp VGX. Có khi số trên tài khoản vẫn còn mà tiền mặt thì lại hết mất rồi. Trong trường hợp vẫn còn tiền mặt thì chưa chắc nhà đầu tư đã thu về được vì đây rõ ràng là hành vi vi phạm pháp luật, cần phải sung công quỹ", nhân viên ngân hàng Standard Chartered dự đoán.
Một nghìn lẻ một chiêu lách luật
Theo anh Tuấn Anh, thông thường, để thu hút nhà đầu tư về phía mình, các chủ sàn sẽ thành lập một công ty lấy danh nghĩa "tư vấn vàng" và tự giới thiệu mình sẽ kết nối, trung gian với sàn FX nước ngoài gây ngộ nhận cho người chơi.
Không chỉ các doanh nghiệp trong nước, thị trường FX hiện còn có cả các doanh nghiệp nước ngoài, "núp" danh nghĩa tư vấn du học, kinh doanh, đầu tư... Tuy nhiên, các chủ sàn trên chỉ lấy danh nghĩa của những sàn giao dịch có tiếng để tới Việt Nam làm ăn, thực tế họ chỉ mang phần mềm hệ thống sang, không hề có quỹ ký gửi hay tài khoản tại các ngân hàng. Để thu lời, các sàn lấy tiền từ người thua (đa số) đắp qua người thắng (thiểu số) và ung dung "ngồi mát ăn bát vàng". Theo nhà đầu tư này, có khi khách hàng thắng lớn, các chủ sàn trên dễ dàng cao chạy xa bay, đóng cửa doanh nghiệp, mở doanh nghiệp mới.
Theo tìm hiểu của PV báo Đời Sống và Pháp Luật trên các diễn đàn tài chính, VGX cũng từng bị mang tiếng rất xấu khi chủ động can thiệp vào phần mềm MT4, khiến nhiều nhà đầu tư không thể buy stop (chốt lệnh) ở mức giá cần mua. Cụ thể, năm 2013, trên diễn đàn vangsaigon.com, một nhà đầu tư đã kêu trời về cung cách làm ăn của VGX khi nhà đầu tư này thực hiện lệnh mua ở mức giá 1664 USD/ ounce nhưng VGX lại khớp cho anh ở mức 1671 USD/ounce khiến anh bị thiệt hại nặng. Đã thế, khi anh khiếu nại thì lịch sử giao dịch bỗng dưng... mất trắng, không còn bằng chứng để khiếu kiện.
Sở dĩ để xảy ra tình trạng này, theo anh Tuấn Anh, bởi hầu hết các sàn vàng đều có khả năng làm "đơ" phần mềm giao dịch, thay đổi đồ thị trên phần mềm, không cho "chốt giá"... Vậy nên, khách hàng thua thì tiền mất, thắng thì họ đổ lỗi cho "lỗi hệ thống". Nhiều nhà đầu tư thua lỗ lớn cũng đành "ngậm bồ hòn làm ngọt" bởi không biết phải kiện ở đâu, vì rõ ràng chơi vàng tài khoản là chơi chui, vi phạm pháp luật.
Theo TS. Bùi Ngọc Sơn, Trưởng phòng Kinh tế Quốc tế (viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính trị Thế giới) chia sẻ: Từ năm 2009, loại hình kinh doanh vàng trên tài khoản bị cấm ở Việt Nam dưới mọi hình thức. Trước đây, khi kinh doanh vàng qua tài khoản được chấp nhận cũng đã tồn tại những rủi ro chứ chưa nói đến khi loại hình này đã bị cấm.
Thực tế đã có rất nhiều vụ việc xảy ra tranh chấp liên quan đến việc kinh doanh vàng qua tài khoản mà khi ra pháp luật, tòa án cũng phải lúng túng khi xử lý. "Tôi đã từng được chứng kiến những vụ việc khách hàng tố sàn vàng trên internet gian lận, tuy nhiên đứng trước "công đường", chủ sàn vàng này nói rằng lỗi là do máy móc, lỗi mạng. Đứng trước cách giải thích như vậy, tòa án cũng phải "chịu" chứ không biết giải quyết như thế nào. Rõ ràng việc kinh doanh vàng qua tài khoản chẳng khác nào đánh bạc, trò bịp bợm, "5 ăn, 5 thua". Nhiều người biết rằng hình thức này đã bị pháp luật nghiêm cấm nhưng vẫn cố tình tham gia kiếm tiền bất chính", TS. Bùi Ngọc Sơn nhấn mạnh.
Vi phạm khoản 2, Điều 159 BLHS |