+Aa-
    Zalo

    Choáng váng trước sức tàn phá của hàng trăm triệu con châu chấu đang tràn vào châu Á

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Một “đám mây” châu chấu khoảng 200 tỷ con có khả năng tiêu thụ khối lượng lượng lương thực dành cho 84 triệu người chỉ trong 1 ngày.

    Nạn châu chấu đang đẩy hàng triệu người châu Phi vào cuộc khủng hoảng an ninh lương thực và nguy cơ tràn tới các khu vực phía Nam của Trung Quốc.

    Nạn châu chấu bùng phát ở châu Phi. Ảnh: AP

    Châu Phi khốn đốn trước hàng trăm triệu con châu chấu

    Theo Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO), dịch châu chấu tại Đông Phi hiện ở tình trạng tồi tệ nhất trong 25 năm qua.

    Đàn châu chấu với số lượng ước tính hàng trăm triệu con di chuyển giữa các quốc gia Đông Phi với tốc độ lên đến 130 km/ngày, tàn phá hoa màu tại mỗi nơi chúng dừng chân cũng như đe dọa nghiêm trọng tới an ninh hàng không.

    Chính phủ Somalia đã ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia do châu chấu tàn phá cây lương thực tại một trong những nước kém phát triển và dễ bị tổn thương nhất thế giới này.

    Kenya cũng đang phải đối phó với một trong những thảm họa sinh vật có hại lớn nhất trong 70 năm gần đây, khi một “đám mây” châu chấu khoảng 200 tỷ con với khả năng tiêu thụ lượng lương thực dành cho 84 triệu người chỉ trong 1 ngày.

    Ethiopia, Somalia và Kenya - 3 nước vốn luôn trong tình trạng mất mùa bởi thiên tai, và đàn châu chấu hiện đã di chuyển qua sườn núi Kilimanjaro, tiến vào biên giới Tanzania.

    Những con châu chấu ăn mọi thứ cây trồng. Ảnh: Getty

    Châu chấu bao phủ mặt đất và ăn mọi thứ chúng có thể tìm thấy, trước hết là thảm thực vật, cây cỏ, hoa lá... Những con châu chấu còn được cho là ăn cả những chiếc mền vải trải ra để che phủ vườn rau, vỏ xe ngựa và thậm chí cả quần áo trên lưng người dân. Chúng cũng ăn dây nịt da trên ngựa, tay cầm bằng gỗ, cột hàng rào và bất cứ thứ gì làm bằng giấy.

    Dữ liệu gần đây của Nhóm công tác dinh dưỡng và an ninh lương thực cho thấy hơn 19 triệu người đã bị đói (cấp tính) ở Đông Phi.

    Châu chấu sa mạc có thể sống tới năm tháng, tùy thuộc vào thời tiết và điều kiện địa phương. Theo FAO, trứng có thể nở trong khoảng hai tuần, châu chấu trưởng thành trung bình 2-4 tháng. Nếu không kịp thời kiểm soát, FAO ước tính, số lượng châu chấu có thể tăng gấp 500 lần vào tháng 6, và lan sang Uganda, Nam Sudan, gieo rắc thảm họa lương thực cho một trong những khu vực nghèo nhất thế giới này.

    Với sự sinh sôi nhanh chóng của châu chấu sẽ xảy ra tình trạng "xung đột" nguồn thức ăn với các loài gia súc trên đồng cỏ, kéo theo việc gián đoạn các hoạt động trồng trọt trong nhiều tuần tới. Theo FAO, tình hình ở vùng Sừng châu Phi đang cực kỳ đáng báo động.

    Dịch châu chấu lan sang châu Á

    Châu chấu tàn phá và di chuyển rất nhanh. Ảnh: AP

    Hiện một số quốc gia ở Tây Á và Nam Á cũng đang chứng kiến dịch hại châu chấu “xưa nay hiếm”.

    Một số chuyên gia dự đoán, sản lượng ngũ cốc của Ấn Độ trong năm nay sẽ giảm 30 - 50% vì thảm họa châu chấu. Bà Maria Helena Semedo, Phó Giám đốc Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc, đã lên tiếng cảnh báo: "Các quốc gia phải cùng nhau hành động ngay lập tức, châu chấu sẽ không chờ đợi, chúng sẽ áp đảo và gây ra những thảm họa tàn khốc".

    Tại Trung Quốc, các tỉnh Vân Nam và Tứ Xuyên, cũng như khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây có thể là điểm đến của châu chấu, theo ông Zhang Zehua, nhà nghiên cứu của Viện Bảo vệ Thực vật thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Trung Quốc.

    Ông Zhang cảnh báo châu chấu sa mạc có thể gây ra mối đe dọa đối với an ninh lương thực của Trung Quốc nếu chúng không được kiểm soát tốt và di chuyển vào nội địa Trung Quốc để sinh sản.

    Ông Zhang cho biết vùng biên giới giữa khu tự trị Tây Tạng với các nước Pakistan, Ấn Độ và Nepal là khu vực đang bị châu chấu tấn công.

    Tuy nhiên, do cao nguyên Tây Tạng có thể thành lá chắn cản trở đàn châu chấu nên cơ hội chúng đổ xô vào khu vực nội địa Trung Quốc ít có khả năng xảy ra, ông Zhang nói thêm.

    Dốc sức chống lại nạn châu chấu hoành hành

    Trẻ em ở vùng Okara, tỉnh Punjab miền đông Pakistan đuổi châu chấu sa mạc trên đồng hôm 16/2. Ảnh: Tân Hoa Xã

    Theo các chuyên gia, vào mùa khô, châu chấu sa mạc chủ yếu sinh sống tại các khu vực khô hạn của châu Phi, Trung Đông và Tây Nam Á, những nơi có lượng mưa trung bình thấp hơn 200mm mỗi năm.

    Tuy nhiên, điều kiện thời tiết bất thường với những cơn bão và trận mưa lớn trong 2 năm vừa qua đã tạo ra môi trường lý tưởng cho loài sinh vật này sinh sôi với mức độ chưa từng thấy trong tiền lệ.

    Các chuyên gia khí hậu cho rằng, thực trạng đại dương ấm dần lên, cộng với lượng mưa lớn bất thường và cơn bão lớn ngoài khơi Somalia hồi cuối năm 2019 là những yếu tố góp phần gây ra một trong những thảm họa châu chấu nghiêm trọng nhất trong vài thập kỷ gần đây.

    Hiện chính phủ nhiều nước vẫn đang dốc sức chống lại nạn côn trùng phá hoại mùa màng, được coi là tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ.

    Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hợp quốc (WFP) đã kêu gọi cộng đồng quốc tế quyên góp được 76 triệu USD để giúp các chính phủ “đánh chặn giặc châu chấu”, bằng biện pháp mở rộng quy mô phun thuốc trừ sâu từ trên cao ở các vùng bị ảnh hưởng.

    Châu chấu bay rợp trời. Ảnh: AP

    David Beasley, Giám đốc điều hành WFP cho biết, cơ quan này sẽ hỗ trợ kinh phí để tổ chức Lương Nông thế giới (FAO) thanh toán vấn nạn châu chấu ở Đông Phi.

    "Nếu chúng ta không làm ngay thì WFP sẽ phải cần tới 15 lần số tiền nói trên, tức hơn 1 tỷ USD để hỗ trợ người dân bị thiếu đói do mất mùa và sinh kế," ông Beasley nói.

    Theo ông Beasley, nếu không được kiểm soát, dịch hại châu chấu có thể đe dọa an ninh lương thực của trên 13 triệu người.

    Mộc Miên (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/choang-vang-truoc-suc-tan-pha-cua-hang-tram-trieu-con-chau-chau-dang-tran-vao-chau-a-a312611.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan