(ĐSPL) - Hình thức cho vay tiêu dùng (CVTD) đã được các ngân hàng, công ty tài chính quan tâm phát triển mạnh trong thời gian qua, và được xem là thị trường có tiềm năng rất lớn để các ngân hàng khai thác và phát triển...
Tin tức trên báo Tri thức trực tuyến, người tiêu dùng ngày càng dễ tiếp cận các dịch vụ tài chính cá nhân của ngân hàng với những gói tín dụng đa dạng và thủ tục đơn giản.
Các gói tài chính như vay mua bất động sản và ôtô tại Việt Nam thu hút sự quan tâm vào cuối năm. Một phần do nhu cầu mua sắm, một phần nhờ chính sách có lợi cho người tiêu dùng từ giới ngân hàng. Đơn cử như Techombank cho vay mua bất động sản lãi suất 6,99\%/năm đối với một số dự án liên kết với chủ đầu tư uy tín. Thậm chí một số dự án cón có lãi suất 0\% như Mulberry Lane tại Hà Nội.
Về vay tiêu dùng cá nhân để mua ôtô, ngân hàng hỗ trợ vay tới 100\% giá trị xe, lãi suất từ 5,99\% và giải ngân nhanh chóng. Đại diện Techcombank cho biết, vay tiêu dùng mua ôtô và bất động sản đang tăng cao và là hai mảng sản phẩm ngân hàng tập trung phát triển. Riêng trong 9 tháng đầu năm nay, tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng của ngân hàng tăng trưởng tích cực, đạt mức 43\% so với cuối năm 2014.
Đẩy mạnh cho vay tiêu dùng là hướng đi hợp lý của ngân hàng trong bối cảnh hiện nay. Bởi lẽ tín dụng cá nhân được xem như xu hướng tất yếu của nền kinh tế, giúp tăng khả năng tiếp cận dịch vụ tín dụng của người dân, giảm nguy cơ tín dụng đen và kích cầu tiêu dùng. Theo báo cáo Cập nhật triển vọng phát triển châu Á và Việt Nam do Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) công bố vào tháng 9, một trong hai nguyên nhân thúc đẩy kinh tế Việt Nam khởi sắc trong 6 tháng đầu năm là cải thiện tiêu dùng cá nhân lên mức tăng trưởng 8,9\%.
Ở các quốc gia có nền kinh tế phát triển như Mỹ, cho vay tiêu dùng chiếm 35-40\% tổng dư nợ, Australia là 60\%, trong khi con số này tại Việt Nam chỉ 6\%. Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB), chỉ số thẻ tín dụng trên đầu người của Việt Nam khoảng 1,5\% so với mức 7\% của khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Vì thế, thị trường cho vay tiêu dùng ở Việt Nam có tiềm năng rất lớn để các ngân hàng khai thác và phát triển.
Thị trường cho vay tiêu dùng ở Việt Nam có tiềm năng rất lớn để các ngân hàng khai thác và phát triển. (Ảnh minh họa). |
Phát triển thị trường cho vay tiêu dùng theo hướng nào?
Tin tức trên báo Trí thức trẻ, hình thức cho vay tiêu dùng (CVTD) đã được các ngân hàng, công ty tài chính quan tâm phát triển mạnh trong thời gian qua. Thúc đẩy CVTD đang được xem là một biện pháp hiệu quả nhằm ngăn ngừa hoạt động "tín dụng đen", nâng cao cơ hội tiếp cận tài chính cho người dân (đặc biệt là những người dân có thu nhập thấp), kích cầu tiêu dùng và đóng góp vào tăng trưởng kinh tế quốc gia.
Trở ngại lớn nhất đối với dịch vụ CVTD hiện nay chính là vấn đề lãi suất. Nhiều ý kiến lo ngại CVTD với lãi suất cao có nguy cơ trở thành “đầu mối” của tín dụng đen.
Chuyên gia kinh tế, TS.Lê Xuân Nghĩa khẳng định: Tín dụng tiêu dùng hay hoạt động cho vay của công ty tài chính không những không phải là tín dụng đen, mà còn là một “cứu cánh” cho những “khách hàng” của nạn “tín dụng đen”. Còn về vấn đề lãi suất, vì sao cao?Chúng ta nên hiểu rằng, đi liền với rủi ro cao bao giờ cũng là lãi suất cao.Cao ở đây là so với các khoản vay giá trị lớn, thời gian dài và có tài sản đảm bảo, chứ nếu so với những rủi ro tiềm ẩn của loại hình vay tiêu dùng tín chấp thì lãi suất này mới chỉ đủ bù cho các chi phí vận hành”, TS. Lê Xuân Nghĩa nói
Cùng quan điểm, chuyên gia tài chính - ngân hàng, ông Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, cần hết sức tránh sự nhầm lẫn giữa hai khái niệm: Lãi suất thỏa thuận giữa người cho vay và đi vay trên cơ sở thương mại;Và lãi suất áp đặt trong tín dụng đen, vẫn thường được gọi là lãi suất "cắt cổ".
Sẽ rất khó mở rộng loại hình CVTD nếu như ấn định trần lãi suất chung cùng với các hình thức tín dụng khác. Trần lãi suất dự kiến 20\%/năm là hoàn toàn xa rời thực tế, nhất là ở một thị trường đang phát triển và còn phụ thuộc nhiều vào tín dụng ngân hàng như ở Việt Nam, điều này dễ dẫn đến việc lãi suất cho vay không đủ bù đắp chi phí tại các tổ chức tín dụng và do vậy các tổ chức cho vay có thể thu hẹp phạm vi cung cấp dịch vụ, hạn chế kênh cho vay chính thức, mô hình chung sẽ khuyến khích hoạt động cho vay tự phát, trong đó có cả cho vay nặng lãi.
Tổ chức tín dụng là một những định chế cho vay chuyên nghiệp, do đó cho dù được phép thỏa thuận mức lãi suất thì họ vẫn sẽ giữ lãi suất ở mức cạnh tranh và hợp lý nhất, mức này hoàn toàn có thể có tính chất quyết định mức lãi suất của thị trường. Vì vậy, các giới hạn đặt ra đối với cho vay cần tham khảo ngay trên mức lãi suất hiện hành của các ngân hàng và các công ty tài chính, bởi cả hai đều là giao dịch hợp pháp, và các tổ chức tín dụng chịu sự điều chỉnh của Luật Các tổ chức tín dụng và theo xu hướng thị trường.
Để tín dụng tiêu dùng có thể phát triển hết tiềm năng của nó, theo các chuyên gia, cần phải hoàn thiện các vấn đề pháp lý để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các ngân hàng, các công ty tài chính hoạt động.
TS.Nguyễn Thị Kim Thanh cho biết, hiện nay các cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực cho vay tiêu dùng đang rất nỗ lực để có thể quản lý hoạt động này với hai mục tiêu chính là bảo vệ người đi vay và thúc đẩy thị trường phát triển lành mạnh, cung cấp các sản phẩm phù hợp với nhu cầu của khách hàng.
Một khuôn khổ pháp lý hoàn thiện quy định về hoạt động cho vay tiêu dùng sẽ đảm bảo sự hài hòa giữa các chức năng bảo vệ người tiêu dùng và điều tiết các tổ chức tín dụng theo thông lệ quốc tế và phù hợp với thực tế Việt Nam. Gắn liền với đó, cần nâng cao tính năng động, trách nhiệm và minh bạch trong hoạt động cho vay tiêu dùng của các tổ chức tín dụng, tạo ra nhiều sản phẩm phù hợp với nhu cầu, thu nhập của người dân Việt Nam.
Ngọc Anh (Tổng hợp)