Đề xuất phương án "tự kiểm"
Tại báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi), ông Nguyễn Văn Hùng - Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cho biết, trong quá trình xây dựng dự án luật còn một số vấn đề có ý kiến khác nhau, cần xin ý kiến Quốc hội. Trong đó có quy định về phổ biến phim trên không gian mạng.
Nội dung Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) được Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đưa ra 2 phương án về phổ biến phim trên không gian mạng.
Phương án 1, cho phép các nhà phát hành "tự kiểm" và chịu trách nhiệm, Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch sẽ kiểm tra theo kiểu hậu kiểm.
Theo đó, các doanh nghiệp, tổ chức phổ biến phim trên không gian mạng phải tự kiểm duyệt nội dung, tự phân loại, hiển thị kết quả phân loại phim theo tiêu chí quy định, cung cấp công cụ xử lý vi phạm cho cơ quan quản lý Nhà nước về phát hành, phổ biến phim; bảo đảm không vi phạm pháp luật, chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung phim phổ biến.
Phương án 2, dự thảo luật quy định chỉ được phổ biến phim khi có giấy phép phân loại phim do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND cấp tỉnh cấp hoặc quyết định phân loại của cơ quan báo chí có giấy phép hoạt động phát thanh, truyền hình được phép phổ biến trên không gian mạng.
Tuy nhiên, ông Hùng cũng nhấn mạnh, với khối lượng đăng tải và truy cập phim hiện nay chưa có giải pháp hiệu quả nhằm kiểm soát khối lượng thông tin này. Theo đó, đa số thành viên Chính phủ và cơ quan chủ trì soạn thảo thống nhất chọn phương án 1.
Chia sẻ với PV ĐS&PL, ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Điện ảnh (Bộ VH,TT&DL) cho hay: "Cục Điện ảnh chính là đơn vị chủ trì soạn thảo ra Dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi, các ý kiến xung quanh dự thảo đều có những góc nhìn khác nhau, và những ý kiến đó đã làm rõ hơn dự thảo. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phải cân nhắc xem sẽ chọn theo phương án nào, và cụ thể hoá ra được luật thế nào để thực hiện dễ hơn. Tất cả những ý kiến góp ý, dự thảo đã từng đề cập đến, đều là những nghiên cứu về ngành là xác đáng và bám sát thực tế của điện ảnh hiện nay.
Vào tháng 10/2021, Dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi mới trình Quốc hội lần thứ nhất, đến năm 2022, mới trình lần thứ hai và Quốc hội mới quyết định có thông qua hay không. Nếu dự thảo này được thông qua và đi vào cuộc sống phải cần có thời gian dài. Vậy nên hiện tại, khi sản xuất và kiểm duyệt phim điện ảnh, chúng tôi vẫn tuân thủ theo những quy định đã hiện hành và chúng tôi mong chờ những đổi mới từ Dự thảo Luật Điện ảnh đi vào thực tế".
Nhìn nhận về vấn đề này, đạo diễn Lê Xuân Thành bày tỏ quan điểm: "Ngành Điện ảnh ở Việt Nam mấy năm gần đây phát triển, tuy nhiên, Luật Điện ảnh từ năm 2006 thì vẫn còn nhiều bất cập, chưa tiếp cận được với những bộ phim ở không gian mạng, kỹ thuật số. Việc sửa đổi này là hợp lý, sẽ hỗ trợ tối đa cho các đạo diễn làm phim hiện đại. Hiện nay, người ta nói nhiều đến việc kiểm duyệt nội dung phim, vẫn còn có những bộ phim bạo lực, gây ảnh hưởng đến xã hội trình chiếu. Đó là lỗi tại ai? Phải có một Hội đồng kiểm duyệt có trách nhiệm và chuyên môn thì mới hạn chế được điều này. Tôi tin rằng, với những quy định mới ở dự thảo thì ngành Điện ảnh Việt Nam sẽ phát triển trong một khuôn khổ tự do và đúng luật".
"Mới đây, có ý kiến với phim Người phán xử, người phát ngôn cho rằng, cũng có những phim bạo lực được trình chiếu, do đó xã hội có nhiều tội phạm hơn. Đó cũng là một ý kiến cần lưu tâm. Phim điện ảnh và truyền hình cần kiểm duyệt kỹ hơn, sát sao hơn. Vì phim là một sản phẩm văn hoá, có sức lan toả. Kiểm duyệt kỹ hơn không phải là việc "bóp chết" sự sáng tạo mà điều đó thể hiện, phim ảnh đang được quan tâm và được đưa về đúng quỹ đạo", đạo diễn Xuân Thành thẳng thắn.
Nên kiểm duyệt từ kịch bản
Đạo diễn Ngọc Tuấn cho hay: "Việc kiểm duyệt phim hiện nay chia ra thành 2 mảng: Nếu là phim điện ảnh chiếu rạp thì Cục Điện ảnh phụ trách, khi có phim mới chuẩn bị phát hành, các nhà đầu tư sẽ gửi phim đến Hội đồng duyệt phim của Cục để các nhà chuyên môn thẩm định xem phim có đủ tiêu chí để chiếu hay không. Nếu là phim truyền hình thì các Giám đốc Đài truyền hình sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung của phim. Với phương án 1 của dự thảo thì cho phép các nhà phát hành "tự kiểm" và chịu trách nhiệm, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch sẽ kiểm tra theo kiểu hậu kiểm. Theo tôi nên có cả khâu tiền kiểm kịch bản. Nếu kịch bản hay thì mới sản xuất phim, nếu không khi phim hoàn thành mà bị "tuýt còi" thì làm khó cho cả hai bên và rất phí công".
Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã chia sẻ: "Trước kia, việc kiểm duyệt phim truyền hình khá chặt chẽ, chúng tôi xem và duyệt từng tập xem có phù hợp với văn hóa Việt Nam không. Tuy nhiên, kiểm duyệt chặt quá cũng sẽ gây khó dễ cho các đạo diễn và nhà sản xuất.
Thời gian gần đây, việc kiểm duyệt được nới lỏng nên có nhiều cảnh nóng, bạo lực vẫn lọt để phát sóng. Tôi cho rằng, nên kiểm duyệt từ kịch bản, và có nên chăng, nên dán nhãn cho phim truyền hình thay vì việc cắt gọt các cảnh, vì nó sẽ ảnh hưởng đến nội dung”.
Nhà sản xuất Lê Hưng cũng cho rằng, thời gian qua, không thể phủ nhận rằng, một số bộ phim "Made in Việt Nam" như: Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Mắt biếc... đã để lại những ấn tượng đẹp với khán giả và giới chuyên môn do các phim có kịch bản hay, diễn xuất tốt. Việc kiểm duyệt phim theo cách "tự kiểm" sẽ làm nhà sản xuất hiểu phim mình hơn nhưng cũng đòi hỏi họ phải làm một cách nghiêm túc để không bị chê trách, chỉ trích.
Lạc Thành
Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật Thứ 4 (số 152)