(ĐSPL) - “Chiến dịch” triệt phá đường dây buôn bán giấy xuất, nhập viện tại địa bàn Hà Nội kết thúc, đối tượng cầm đầu bị bắt giữ, PV báo ĐS&PL vẫn tiếp tục theo dõi hoạt động của loại dịch vụ này trên mạng xã hội.
Và một thực tế đáng buồn, “chợ ma” giấy viện vẫn âm thầm hoạt động, bất chấp vừa mới “có biến”. Câu hỏi đặt ra là, phải chăng “chiến dịch” triệt phá trên chỉ là “bắt cóc bỏ đĩa”. Và, có thực là các bệnh viện vô can, là bị hại như họ trả lời?
Tùy cơ hét giá với khách... công chức?
Sau khi đường dây buôn bán giấy viện bị triệt phá và bệnh viện Bạch Mai khẳng định, đó là giấy tờ giả, trên mạng “mọc” ngay dịch vụ giấy xuất, nhập viện mới, tên Hubt và sức khỏe giấy viện. Chúng hoạt động không công khai như trước nhưng các địa chỉ đều để lại ký hiệu với lời khẳng định, có sẵn mọi loại “hàng” và “bo” tiền ship – tức vận chuyển đến thẳng tay “khách” có nhu cầu trong thời gian ngắn nhất. Tìm hiểu kỹ, chúng tôi phát hiện ra, “chợ ma” này hoạt động chuyên nghiệp hơn trước.
Giấy xuất/nhập viện của bệnh viện Bạch Mai bị các đối tượng chào bán công khai và nhiều nhất. |
Nhờ một người bạn, chúng tôi biết, “chợ ma” này hoạt động rất bài bản, tinh vi. Cụ thể, chúng nhận bán chính những loại giấy tờ mà bệnh viện khẳng định là giả với giá cao hơn bình thường. Lý do chúng đưa ra là bệnh viện làm gắt, phôi giấy xuất, nhập viện khó tuồn ra ngoài. Mua lại phôi giấy nhập, xuất viện để “điều chỉnh” thông số khó, mắc hơn trước.
Với chiêu này, chúng tự nâng giá lên và “khách” có nhu cầu vẫn bỏ tiền túi ra mua mà không dám mặc cả như trước. Còn với những bệnh viện tư nhân như bệnh viện H.N., giá vẫn chỉ khoảng 100.000 đồng – 150.000 đồng/giấy. Giá giấy viện của bệnh viện B.M. gấp đôi, thậm chí gấp ba, tùy vào nhu cầu “khách” muốn ghi trong đó như thế nào. Nhưng thấp nhất cũng là 300.000 đồng/giấy, tức gấp đôi trước đây. Điều chúng tôi ngạc nhiên là giấy viện của những bệnh viện nhỏ, bệnh viện cổ truyền rớt thảm hại, chỉ còn 70.000 – 100.000 đồng/giấy, thời gian và thông số, người bán “phờ-ri” cho “khách” luôn.
Bất ngờ vì kẻ vi phạm không sợ bị bắt, không sợ các hình thức xử lý của pháp luật, chúng tôi tìm cách tiếp cận đối tượng tự xưng tên N., buôn bán giấy viện của địa chỉ giấy viện Hubt. Sau khi nhờ người bạn thực hiện các giao dịch thành công, N. tin tưởng và đi làm vài chén với chúng tôi. N. chia sẻ: “Biết là vi phạm nhưng chẳng biết phải làm gì hơn cái nghề này. Bởi, nó dễ kiếm tiền lại không tốn sức. Sau khi cơ quan công an vào cuộc, giấy viện hiếm lắm. Bọn tôi còn một số phôi cũ, photo ra để câu khách. Phần lớn giấy viện bán cho giới sinh viên, công nhân là giấy thiếu chuẩn. Một số công chức cũng tìm đến mua nhưng họ thận trọng hơn, yêu cầu cao hơn và người cung cấp có thể “hét” giá tùy thích. Đối tượng này cần giấy viện để đối phó với cơ quan chứ không hẳn để thanh toán cái gọi là mấy ngày lương”.
Thấy N. đang có tý hơi cay (tức rượu – PV), lại có vẻ như đã “bốc”, tôi hỏi tiếp: “Sao lại chỉ là đối phó mà không phải là để thanh toán tiền lương...???”. N. dốc bầu tâm sự: “Khách A. làm ở một cơ quan lớn trên địa bàn Hà Nội, chuyên đặt mua giấy viện “xịn” của các bệnh viện lớn như B.M.; H.N.; bệnh viện quân đội; viện K.; V.Đ... Khách này thường mua một năm hai lần, không cần biết giá là bao nhiêu, miễn là giấy nhập, xuất viện “xịn”.
Anh A. lý giải, nghỉ ốm để xem nhân viên đối xử với mình ra sao? Rồi thì, cơ quan đang có nhiều chuyện, nghỉ để “tránh bão”. Còn, cái chiêu sử dụng giấy viện có yếu tố bệnh nhà giàu như ung thư của khách A. chẳng hạn thì độc nhất, vô nhị. Tức là, vị khách này biết đối thủ của mình đang định tranh giành chức vụ hay gì đó... làm cho một cái giấy viện ghi điều trị nghi ung thư. Tin này loan ra, thế là đối thủ bị phân tâm...”. Nghe N. tâm sự xong, chúng tôi thấy, cái lý do để “chợ ma” giấy viện âm thầm tồn tại thật muôn hình vạn trạng. Và, có điều không thể phủ nhận rằng, có cung thì mới có cầu. Vậy, hậu “chiến dịch” xử lý cung – cầu ra sao?
Xử lý người mua thật nặng có triệt phá được “chợ ma”?
N. thành thật: “Khi bị truy đến nơi, nhất là động đến công an, bệnh viện nào chẳng phủi trách nhiệm. Thực tế, không có phôi, có mẫu, làm sao chúng em làm giả để bán được. Chúng em phải tìm mua giấy nhập, ra viện thật, sau đó mới làm giả được chứ. Không mua được, chúng em lân la vào bệnh viện, khám bệnh, xin nhập viện; mượn giấy của bệnh nhân, chụp hình lại...
“Chợ ma” giấy viện hoạt động ngày càng nhộn nhịp hơn, sau khi một đường dây buôn bán bị triệt phá. |
Bước tiếp theo là sưu tầm các mẫu chữ ký của lãnh đạo bệnh viện đó, con dấu, sau đó sử dụng kỹ thuật in. Để phân biệt được giấy viện giả và thật, người đó phải thường xuyên tiếp xúc với các mẫu giấy của các bệnh viện thì mới phân biệt được. Hơn nữa, muốn biết thật giả chuẩn nhất, chỉ cần đối chiếu số thứ tự trên giấy ra, vào viện, may ra mới phát hiện được giả – thật”.
Chúng tôi thắc mắc, vì sao bệnh viện phủ nhận, người sử dụng nó vẫn được thanh toán các chế độ? Vậy, cơ quan tiếp tay cho giấy tờ giả có bị xử lý? Đối tượng N. tỏ vẻ am hiểu pháp luật, giải thích: “Nếu em có tội thì các anh cũng có tội đấy. Các anh sử dụng giấy này để hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, y tế có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự và bị phạt tiền từ 1- 5 triệu đồng kèm các hình thức xử phạt bổ sung đấy”. Hóa ra, đối tượng vi phạm biết mình vi phạm và có thể bị xử lý như thế nào khi bị phát hiện, bắt giữ. Song, họ vẫn “lách” luật để hoạt động.
Tổng hợp lại các dữ kiện trong quá trình làm phóng sự này, chúng tôi thấy N. nói có nhiều phần đúng. Cụ thể, quá trình làm việc với bệnh viện Bạch Mai, chúng tôi được bệnh viện cung cấp, đã từng có cơ quan xác minh tên A., tên B. ở địa chỉ này, địa chỉ khác... nằm khoa...; nhập, xuất viện ngày, tháng này đúng không? Bệnh viện trả lời không, rồi kệ.
Chính vì cái sự không rồi kệ đó mà giấy viện giả – thật vẫn âm thầm hoạt động ở “chợ ma”. Khi ảnh hưởng tới uy tín của bệnh viện, bệnh viện mà truy đến cùng, để cùng cơ quan trên xử lý, thì hoạt động mua bán giấy viện chắc chắn sẽ giảm tối đa.
Luật sư Lê Hồng Quân, công ty Luật TNHH MTV Công Phúc, đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, nếu đúng như nội dung bài báo “Thâm nhập “chợ ma” buôn bán giấy xuất, nhập viện” do báo Đời sống & Pháp luật phản ánh, chúng ta thấy, công tác quản lý của cơ quan chủ quản, các cơ quan chức năng phối hợp đối với hoạt động y tế chưa được chặt chẽ, nhất là trong các quy trình làm việc, ở khâu nào đó đã tạo ra khe hở cho các đối tượng xấu thực hiện hành vi trái pháp luật.
Luật sư Quân phân tích: “Rõ ràng, mục tiêu của việc làm giả Giấy xuất/nhập viện là nhằm hướng đến việc tạo xác nhận giả về việc xuất/nhập viện của cá nhân, để những người có tên trong hồ sơ này gian dối với cơ quan/tổ chức nơi họ làm việc. Trong loại tội phạm này, một cá nhân riêng lẻ khó có khả năng giải quyết tất cả các khâu từ cung cấp giấy tờ, môi giới dịch vụ, đăng tin, giao dịch. Vì thế, thường có nhiều người cùng tham gia thực hiện hành vi trái pháp luật. Để xác định chính xác phương thức xử lý loại tội phạm này, cần phải làm rõ hậu quả của những hành vi trái pháp luật đã xảy ra, tính chất nghiêm trọng của vụ việc.
Giấy tờ xuất/nhập viện là có thật (về con dấu, thông tin) thì phải có một hoặc một số người cung cấp các giấy tờ đã được đóng dấu của bệnh viện. Những người cung cấp giấy tờ, tài liệu của bệnh viện ra bên ngoài nhằm mục tiêu thu lợi bất chính có dấu hiệu của tội sửa chữa, sử dụng giấy chứng nhận và các tài liệu của cơ quan, tổ chức theo quy định tại Điều 266, Bộ luật Hình sự năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2009). Những người sửa chữa, cung cấp, sử dụng các giấy tờ từ bệnh viện... đều có dấu hiệu đồng phạm”.
Năm 2011, Bảo hiểm Xã hội TP.HCM đã phát hiện 157 trường hợp không đi khám chữa bệnh nhưng có giấy nghỉ bệnh giả để hưởng chế độ. Ngoài ra, có 194 giấy bị nghi làm giả, được cơ quan này tiếp tục xác minh nhưng cho đến nay vẫn chưa thấy công bố. Điều đáng buồn là, họ chỉ phát hiện ra đối tượng sử dụng là công nhân; còn sinh viên, công chức thì chưa thấy. |
ĐOÀN HÀ
Xem thêm video: