Chợ chuột Phù Dật ở xã Bình Long, huyện Châu Phú (An Giang) được xem là chợ chuột lớn nhất miền Tây. Hàng ngày chợ hoạt động sôi nổi nhất từ 5 – 9h sáng. Mỗi ngày có từ 3 - 5 tấn chuột được “xuất xưởng” từ đây.
Miền Tây vốn đã nổi tiếng vì sở hữu nhiều loại hình chợ độc đáo, như chợ nổi Cái Răng (TP Cần Thơ), chợ cỏ Ô Lâm (An Giang), chợ ma (Đồng Tháp), chợ côn trùng (Tịnh Biên, An Giang), chợ bò Tà Ngào (Tịnh Biên),… và độc đáo nhất cũng như không kém phần hãi hùng, là chợ chuột Phù Dật ở huyện Châu Phú (An Giang).
Chị Nguyễn Thị Vui, vợ của một “vua chuột” ở chợ Phù Dật cho biết: “Vợ chồng tôi đã theo nghề này hơn 20 năm rồi nhưng cũng không biết rõ chợ này có từ hồi nào, vì nghe các bác lớn tuổi trong xóm nói cái chợ đã có trên 30 năm. Nói là chợ chứ hoạt động động mua bán chỉ diễn ra trên phạm vi diện tích đất của mỗi hộ kinh doanh chuột, chẳng có nhà lồng hay sạp, kệ,… ban quản lí chợ gì hết”.
Theo chị Vui, chợ hoạt động nhộn nhịp nhất là tầm từ 5h đến 9h sáng mỗi ngày. Khoảng thời gian này, các thương lái đi thu mua chuột từ Campuchia, các tỉnh ở miền Tây như Cà Mau, Hậu Giang, Đồng Tháp,… rồi đưa về đây bán lại cho các hộ thu mua chuột. Từ đây, các hộ kinh doanh bắt đầu phân loại chuột và giết mổ, làm sạch, ướp đá sau đó bán cho các thương lái lớn để họ mang về các tỉnh vùng Đông Nam Bộ, TP Hồ Chí Minh làm món nhậu.
Nhiều hộ mua bán chuột ở đây cho biết, tuỳ theo mùa (chuột nhiều và ngon nhất trong khoảng từ tháng 3 - 10 âm lịch), 1kg chuột hơi có giá dao động từ 20.000 - 30.000 đồng. Sau khi được giết mổ, làm sạch sẽ được bán với giá 35.000 - 60.000 đồng/kg.
Chính quyền địa phương cho biết, chợ chuột Phù Dật nằm gọn trên ấp Bình Chiến, trong ấp có khoảng 600 hộ thì có tới trên 200 hộ sống bằng nghề săn bắt, làm thuê và kinh doanh chuột. Nhờ cái chợ này mà hàng trăm lao động có công ăn việc làm, thu nhập ổn định. Do công việc nhẹ nhàng nên thu hút các chị em phụ nữ và thậm chí cả trẻ em, người già tham gia "dây chuyền" giết mổ, mỗi ngày thu nhập trung bình từ 70.000 - 100.000 đồng/người.
Nhiều người cứ nhìn thấy chuột là khiếp sợ nhưng với người dân nơi đây, chuột đã trở thành con vật, món ăn quá quen thuộc; đây cũng là món nhậu không thể thiếu trong thực đơn tại các nhà hàng lớn ở miền Tây và TP Hồ Chí Minh.
Sau khi mua chuột lại từ các tay "săn" chuột ở các tỉnh miền Tây, các chủ kinh doanh bắt đầu phân loại chuột trước khi giết mổ |
Hầu hết mọi người ở chợ này đều tay không bắt chuột |
"Dây chuyền" giết mổ đa phần là chị em phụ nữ, trẻ em và cả người già tham gia |
Công đoạn ướp đá. |
Từ đây chuột được đưa về các tỉnh miền Đông Nam Bộ và TP Hồ Chí Minh để tiêu thụ. |
Theo Dân trí