(ĐSPL) - Từ tháng 7 này, các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán không được áp đặt hạn mức cho một lần rút tiền tại ATM thấp hơn 5 triệu đồng đối với giao dịch nội mạng và 3 triệu đồng đối với giao dịch liên ngân hàng.
Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư 20 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 36/2012 quy định về trang bị, quản lý, vận hành và đảm bảo an toàn hoạt động của các máy giáo dịch tự động (ATM). Văn bản có hiệu lực từ tháng 7 này.
Thông tư sửa đổi quy định về hạn mức rút tiền như sau: các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán không được áp đặt hạn mức cho một lần rút tiền tại ATM thấp hơn 5 triệu đồng đối với giao dịch nội mạng và 3 triệu đồng đối với giao dịch liên ngân hàng.
Tại nơi đặt ATM phải niêm yết số điện thoại và địa chỉ liên hệ của đơn vị quản lý vận hành ATM để khách hàng biết liên hệ khi gặp sự cố trong giao dịch; thủ tục, thời hạn tra soát, khiếu nại.
Đồng thời, tại nơi đặt ATM phải có hướng dẫn hoặc biểu tượng để khách hàng nhận biết các loại thẻ được chấp nhận thanh toán, bản hướng dẫn khách hàng sử dụng ATM, tên hoặc số hiệu ATM, các dịch vụ cung cấp tại ATM, các loại phí liên quan; những nội dung này thể hiện dưới dạng bản in hoặc trên màn hình ATM.
Từ tháng 7 này, các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán không được áp đặt hạn mức cho một lần rút tiền tại ATM thấp hơn 5 triệu đồng đối với giao dịch nội mạng. (Ảnh minh họa). |
Thời gian phục vụ khách hàng của hệ thống ATM là 24/24 giờ trong ngày và 7/7 ngày trong tuần. Đối với máy ATM lắp đặt tại những địa điểm khách hàng chỉ có thể tiếp cận ATM trong những thời gian nhất định thì thời gian phục vụ của ATM tùy thuộc vào địa điểm lắp đặt ATM và phải được niêm yết tại nơi đặt ATM cũng như trên trang thông tin điện tử chính thức của tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán.
Ngoài ra, phải bố trí lực lượng trực để khắc phục sự cố ATM ngừng hoạt động trong thời gian nhanh nhất có thể. Trường hợp ATM ngừng hoạt động (hoặc dự kiến ngừng hoạt động) quá 24 giờ phải báo cáo chi nhánh Ngân hàng Nhà nước trên địa bàn trong ngày làm việc tiếp theo kể từ khi phát sinh (hoặc dự kiến) ATM ngừng hoạt động quá 24 giờ và có hình thức thích hợp thông báo rộng rãi cho khách hàng.
Theo báo Dân trí, với việc ban hành Thông tư này, người dân sử dụng ATM sẽ được hưởng lợi vì tiết kiệm số lần giao dịch, phí rút tiền, ngược lại ngân hàng sẽ chịu “thiệt” do bị giảm nguồn thu phí.
Trước khi có Thông tư 20, nhiều khách hàng hiện vẫn đang than phiền rằng hạn mức rút tiền một lần thấp, chỉ 2-5 triệu đồng khiến họ mất nhiều thời gian giao dịch nếu có nhu cầu rút số tiền lớn hàng chục triệu đồng. Thêm vào đó, mỗi lần rút tiền lại phải chịu mức phí mà nếu cộng dồn số lần rút cũng không phải ít. Phí rút tiền hiện đang là 1.100 đồng/lần giao dịch nội mạng, 3.300 đồng/lần giao dịch ngoại mạng.
Hệ thống máy của các ngân hàng lớn hiện đã liên thông với nhau, cho phép rút tiền đối với thẻ của ngân hàng khác có liên kết. Tuy nhiên, do mức phí rút tiền ngoại mạng hiện cao hơn gấp 3 lần phí giao dịch nội mạng, nên khách hàng thường chọn máy ATM của đúng ngân hàng đã đăng ký.
Theo chủ trương của NHNN, việc đưa ra các quy định về giao dịch, vận hành hệ thống máy ATM là nhằm hạn chế thanh toán bằng tiền mặt trong nền kinh tế. Do đó, việc sửa đổi thông tư 36 về quy định nâng hạn mức rút tiền cần được tính toán, phù hợp với thực trạng vận hành hệ thống ATM hiện nay. Còn mức phí giao dịch rút tiền ATM đã được NHNN quy định thống nhất trên toàn hệ thống, nhằm đảm bảo chi phí vận hành, quản lý cho ATM và phí ở mức hợp lý.
Một vấn đề khác liên quan đến giao dịch qua ATM được nhiều người quan tâm là hạn mức rút tiền ngoại mạng. Theo quy định của từng NH, hiện hạn mức rút tiền ngoại mạng (chủ thẻ của NH này đến rút tiền tại NH khác) chỉ từ 2-3 triệu đồng/lần và phải chịu phí khá cao, phổ biến là 3.300 đồng/lần giao dịch. Chị Nguyễn Phương Nam (ngụ quận 2, TP HCM) cho biết nhiều khi có việc đột xuất phải vào trụ ATM của NH khác để rút tiền nhưng tối đa mỗi giao dịch chỉ được 2 triệu đồng. “Phải 5 lần thao tác tôi mới rút được 10 triệu đồng, trong khi tổng cộng phí cho 5 lần giao dịch không hề rẻ. Sao không áp dụng hạn mức rút tiền ngoại mạng lên 5 triệu đồng/lần để thuận tiện cho khách hàng?” - chị Nam thắc mắc.
Trưởng phòng thẻ ATM của một NH thương mại lớn tại TP HCM nhìn nhận hạn mức rút tiền ngoại mạng quá thấp mới là vấn đề chủ thẻ quan tâm. Một số NH nói khách hàng rút tiền ngoại mạng rủi ro cao hơn, trong trường hợp có sự cố xử lý cũng phức tạp hơn nhưng vấn đề ở đây là phí giao dịch. Hạn mức rút tiền mỗi lần càng thấp, NH sẽ thu được nhiều phí hơn. Tuy nhiên, nếu cho phép khách hàng rút tiền ngoại mạng quá nhiều, khả năng hệ thống ATM của các NH thương mại lớn sẽ bị quá tải trong các dịp lễ, Tết do chủ thẻ dồn về đây vì có nhiều máy ATM.
Ngọc Anh
Nguồn: Người đưa tin