Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã hơn một lần nhắc nhở các bộ, ngành, địa phương tránh tình trạng chính sách “sớm nắng chiều mưa”, làm nản lòng các nhà đầu tư, các doanh nghiệp.
Đây cũng là vấn đề được đặt ra tại cuộc tọa đàm trực tuyến về bảo đảm tính nhất quán trong tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức vào chiều nay, 14/3.
Trên thực tế, trong khi Chính phủ, Thủ tướng hết sức quyết liệt trong cải thiện môi trường kinh doanh, thì vẫn còn không ít những chính sách được đánh giá là không phù hợp, thậm chí đi ngược lại tinh thần chung.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhiều lần nhấn mạnh yêu cầu phải tập trung cải cách thể chế, tạo mọi thuận lợi cho doanh nghiệp. - Ảnh: VGP |
Gần đây nhất, ngày 13/3, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã dự cuộc đối thoại giữa các doanh nghiệp sữa và Bộ Y tế về quy định muối sử dụng chế biến thực phẩm phải được bổ sung I-ốt, theo Nghị định 09 năm 2016.
Thứ Sáu tuần trước, ngày 10/3, tại Hội nghị triển khai Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì, ông Trần Quang Trung, Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam đã thẳng thắn cho biết quy định này đang gây khó khăn lớn cho doanh nghiệp.
Nay tại cuộc đối thoại, sau những tranh cãi khá gay gắt giữa các bên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Y tế xem xét, giải quyết vấn đề này theo hướng phải có hướng dẫn cụ thể với những dòng sản phẩm thực phẩm không sử dụng muối I-ốt.
Ý kiến của Phó Thủ tướng đã khiến các doanh nghiệp “thở phào”, nhưng câu chuyện cho thấy hành trình cải thiện môi trường kinh doanh là không dễ dàng, với rất nhiều vấn đề cần giải quyết.
Cũng trong ngày 13/3, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đã ký quyết định bãi bỏ một điều kiện nhập khẩu ô tô tại Thông tư 20 năm 2011 – văn bản được cộng đồng doanh nghiệp “phàn nàn” rất nhiều trong thời gian qua và đã gây ra những tranh cãi quyết liệt giữa các bên.
Đây là động thái cải cách mới nhất, tuy chưa hoàn toàn đáp ứng yêu cầu từ doanh nghiệp - của Bộ Công Thương, cơ quan từng được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá là đi đầu trong cải cách thể chế thời gian qua. Thực tiễn ban hành, sửa đổi chính sách của Bộ Công Thương có thể là điển hình rõ nét cho thấy, các chính sách có thể “vênh” nhau đến mức nào và cần sửa đổi.
Chẳng hạn, theo ông Nguyễn Hạc Thúy, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam, Thông tư 35 năm 2014 của Bộ Công Thương - mà Hiệp hội này đang kiến nghị bãi bỏ - là trái với tinh thần Quyết định 46 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ. Trong khi Quyết định 46 bãi bỏ giấy phép hạn ngạch nhập khẩu phân bón, tạo thông thoáng cho doanh nghiệp, thì Thông tư 35 lại đặt doanh nghiệp vào một quy trình ngược và đầy mạo hiểm, khi phải hoàn tất thủ tục nhập khẩu đối với đối tác nước ngoài rồi mới được xin phép nhập khẩu và doanh nghiệp đứng trước rủi ro rất lớn nếu bị từ chối cấp phép.
Còn tại Hải Phòng, các doanh nghiệp đang phản ứng rất mạnh với việc UBND Thành phố này quyết định thu phí sử dụng hạ tầng cảng biển từ đầu năm 2017, với mức thu rất cao, đột ngột và thiếu tham vấn ý kiến doanh nghiệp trước khi thu.
Giải thích về những chính sách bị doanh nghiệp phản ứng, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh từng cho biết, những người hoạch định chính sách của Bộ Công Thương không có ý gây khó khăn cho doanh nghiệp, nhưng việc quản lý phải hướng tới nhiều mục tiêu khác nhau và khi quá thiên về một mục tiêu nào đó – như mục tiêu quản lý – có thể gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Có thể là như vậy và vấn đề muối I-ốt nêu ở trên là một ví dụ, nhưng đó mới chỉ là một lý do. Theo TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, qua 4 năm triển khai Nghị quyết 19, nhiều công chức nói riêng và bộ máy quản lý nhà nước nhìn chung vẫn còn thụ động, trì trệ, rất ít đổi mới, sáng tạo. Câu trả lời thường nghe nhất về vướng mắc của doanh nghiệp là “chúng tôi làm đúng theo quy định”; ít quan tâm đến các vấn đề, khó khăn đối với doanh nghiệp do chính các quy định tạo ra.
Ở góc nhìn bao quát hơn về những rào cản đối với việc cải thiện môi trường kinh doanh ở Việt Nam, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng có nguyên nhân từ hạn chế về năng lực, nhận thức; thói quen và nhất là tư duy cục bộ, lợi ích cá nhân.
“Thay đổi thói quen không dễ nhưng rào cản lớn nhất là tư duy cục bộ, lợi ích cá nhân. Cơ quan nào cũng muốn ban hành chính sách ra, mình phải có quyền song nếu nhìn rộng ra tại sao thế giới người ta làm đơn giản hơn mà hiệu quả hơn? Chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật, còn nếu né tránh sẽ không bao giờ sửa được”, Phó Thủ tướng phát biểu.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã rất nhiều lần nhấn mạnh yêu cầu cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo mọi thuận lợi cho doanh nghiệp, coi đây là khâu đột phá của đột phá. Ông cũng đã hơn một lần nhắc nhở các bộ, ngành, địa phương tránh tình trạng chính sách “sớm nắng chiều mưa”, chính sách phải ổn định, bền vững. Bảo đảm tính nhất quán trong việc tạo thuận lợi cho doanh nghiệp cũng có nghĩa là bảo đảm tinh thần quyết liệt, quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng lan tỏa và đi vào từng chính sách cụ thể và hành động hằng ngày của cán bộ, công chức.