+Aa-
    Zalo

    Chính quyền xã tắc trách, nguy cơ đuối nước ở... sân vận động

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Chỉ vì 1 hộ gia đình lấp mương thoát nước và đường đi, dẫn đến cả làng phải chịu ngập úng. Sân vận động khi có mưa, luôn trong tình trạng mênh mông như... ao hồ.

    (ĐSPL) - Hàng chục hộ dân thôn 4, xã Sơn Diệm, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) đang sống trong cảnh “dở khóc, dở cười” bởi vì bị 1 hộ gia đình lấp mương thoát nước và đường dân sinh, dẫn đến cả làng phải chịu ngập úng. Sân vận động xã luôn luôn trong tình trạng ngập sâu như ao hồ, mỗi khi có mưa.

    [mecloud]v8iEm9EZRn[/mecloud]

    Theo quan sát của PV, tại thời điểm sáng ngày 8 -10/11, sau những trận mưa rào, nhiều hộ dân tại thôn 4 xã Sơn Diệm, sân vận động và trạm y tế xã này đang bị chìm ngập trong nước. 

    Qua tìm hiểu được biết, mấy năm trước, chính quyền xã Sơn Diệm đã cấp quyền sử dụng 570m2 đất cho bà Nguyễn Thị Thung và 287,7m2 cho ông Hoàng Trung, cùng trú trên địa bàn. Một thời gian sau, ông Nguyễn Hảo (con trai bà Thung) đã san lấp mặt bằng phần đất kế bên lô đất được cấp và lấp luôn cả mương thoát nước ra bến sông của thôn. Sau đó, ông Hảo còn cắt một phần trong diện tích vừa san lấp cho ông Nguyễn Thế Anh (anh em với ông Hảo) để xây nhà ở.

    Điều đáng nói, diện tích xây dựng nhà ông Anh lấn lấp luôn cả mương thoát nước và đường ra bến sông phục vụ đời sống sản xuất, sinh hoạt của người dân tại địa phương, gây ra nhiều bất cập, khó khăn.

    Con mương thoát nước của thôn đã bị lấp để cắt đất cho anh Nguyễn Thế Anh xây nhà.

    Bà Lê T. Đ. (80 tuổi, trú tại xã Sơn Diệm) cho biết: “Ngày xưa, khi còn cái mương, mỗi lần mưa, nước thoát ra sông hết. Từ khi mương bị lấp, mưa xuống là nước ngập vào tận hiên nhà, sân vận động thì như ao hồ".

    "Lo ngại nhất nếu tình trạng này kéo dài, nguy cơ đuối nước tại sân vận động là rất cao. Bởi hàng ngày có hàng trăm cháu học sinh phải vượt qua đoạn đường này để đến trường”, bà Đ. nói thêm.

    Ông Nguyễn Thái Bình, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Sơn Diệm cho hay, từ khi đường ra bến bị lấp, chỉ cần cơn mưa nhỏ là sân vận động đã như ao hồ. Việc này tạo điều kiện cho muỗi phát triển, các dịch bệnh cũng dễ dàng bùng phát. Trạm y tế xã cũng bị nước bao quanh.

    “Mương thoát nước này phục vụ cho cả 2 bên tuyến đường QL8A và một con đường ra bến sông. Không hiểu sao chính quyền xã lại để cho gia đình anh Hảo lấp lại rồi cắt đất cho người khác xây nhà như vậy. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị nhưng chính quyền xã vẫn không giải quyết”, ông Bùi X. H., một người dân trong thôn phản ánh.

    Sự việc hộ dân ngang nhiên chặn lối đi và lấp mương thoát nước ra bến sông đã được người dân kiến nghị nhiều lần nhưng chính quyền chưa giải quyết.

    “Có mỗi con đường và cống thoát nước ra bến sông thì nay đã bị chặn lại, dân kêu mãi nhưng xã vẫn không chịu giải quyết”, ông Lê Ngọc Tiến, trưởng thôn 4 nói.

    Trao đổi về vấn đề trên, ông Lê Khắc Ái, Chủ tịch UBND xã Sơn Diệm thông tin: “Đúng là tại thôn 4, có tình trạng nước ngập hết cả sân vận động xã. Tuy nhiên, việc làm mương thoát nước qua đường QL8A chưa thể tiến hành, vì đang chờ dự án thi công con đường này. Việc hộ dân đổ đất lấp mương, chặn lối đi ra bến sông như phản ánh, tôi sẽ giao cho địa chính kiểm tra đo đạc, trả lại đúng hiện trạng trên bản đồ".

    Trước đó, ông Nguyễn Trường Giang, Trưởng phòng TN - MT cho biết: "Chúng tôi sẽ giao xã kiểm tra, tiến hành thu hồi phần đất lấn chiếm".

    Điều 3. Nguyên tắc chung quản lý thoát nước và xử lý nước thải (Nghị định Số: 80/2014/NĐ-CP về thoát nước và xử lý nước thải)

    1. Dịch vụ thoát nước đô thị, khu dân cư nông thôn tập trung là loại hình hoạt động công ích, được Nhà nước quan tâm, ưu tiên và khuyến khích đầu tư nhằm đáp ứng yêu cầu thoát nước và xử lý nước thải, bảo đảm phát triển bền vững.

    2. Người gây ô nhiễm phải trả tiền xử lý ô nhiễm; nguồn thu từ dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải phải đáp ứng từng bước và tiến tới bù đắp chi phí dịch vụ thoát nước.

    3. Nước mưa, nước thải được thu gom; nước thải phải được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật theo quy định.

    4. Nước thải có tính chất nguy hại phải được quản lý theo quy định về quản lý chất thải ngay hại và các quy định pháp luật khác có liên quan.

    5. Hệ thống thoát nước được xây dựng đồng bộ, được duy tu, bảo dưỡng. Ưu tiên sử dụng công nghệ xử lý nước thải thân thiện với môi trường và phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương. Thoát nước và xử lý nước thải phải đảm bảo an toàn theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hiện hành.

    6. Các dự án đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước có liên quan đến kết cấu hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ phải có phương án bảo đảm an toàn giao thông, an toàn công trình đường bộ và hoàn trả nguyên trạng hoặc khôi phục lại nếu làm hư hỏng công trình giao thông.

    7. Các dự án đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật có liên quan đến hệ thống thoát nước phải có phương án bảo đảm sự hoạt động bình thường, ổn định hệ thống thoát nước.

    8. Huy động sự tham gia của cộng đồng vào việc đầu tư, quản lý, vận hành hệ thống thoát nước.

    Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được dịch tử nguồn trên mạng Internet, nên chỉ có tính tham khảo.

    HỒ THẮNG

    [mecloud]Sy3Ra1CmPq[/mecloud]

     

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chinh-quyen-xa-tac-trach-nguy-co-duoi-nuoc-o-san-van-dong-a169592.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.