(ĐSPL) - Pha Luông, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La là nơi sinh sống của hầu hết người dân tộc Mông. Họ “chinh phục” đỉnh cao gần 2.000m so với mực nước biển, với đường đi là dốc đá cheo leo chỉ mất hơn 1 tiếng đồng hồ, thay vì gần 4 tiếng đồng hồ như người dưới xuôi leo lên. Ngoài công việc thường ngày, người dân nơi đây còn có nghề tay trái là chuyên dẫn đường…
Người dẫn đường tận tụy
Với độ cao gần 2.000m so với mực nước biển, đỉnh Pha Luông không chỉ được biết đến là “nóc nhà” của Mộc Châu (Sơn La) mà từ lâu nơi đây đã đi vào thơ ca với con đường Tây Tiến vang danh một thời trong tác phẩm của nhà thơ Quang Dũng: “Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm/ Heo hút cồn mây súng ngửi trời/ Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống/ Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”.
Chúng tôi đến với Pha Luông trong những ngày cuối tháng Mười. Nhưng vẻ hùng vĩ, oai phong cũng như nét đẹp thơ mộng ở nơi đây vẫn lúc ẩn, lúc hiện sau lớp sương mù dày đặc cùng những cơn mưa rừng khiến đường đi lúc nào cũng ướt sệt, đất đá quyện lại nhau. Pha Luông là thế, luôn thử thách với những ai thích chinh phục và khám phá. Thế nhưng, Pha Luông luôn khiến chúng tôi có cảm giác gần gũi từ thiên nhiên tới con người.
Dẫn đường cho chúng tôi hôm đó là Sùng A Chống. Người đàn ông sinh năm 1984 ấy có nước da ngăm đen và dáng người nhỏ thó. Thoạt nhìn ai cũng nghĩ, năm nay Sùng A Chống đã ngoài 40 tuổi. Dọc đường đi anh nói với chúng tôi, dân bản địa ở đây đều là người Mông, những con đường lầy lội trước mặt, những dốc núi cao dựng đứng họ... đi quen rồi nên để mất gần 4 tiếng đồng hồ cho chúng tôi “bò” được lên đỉnh Pha Luông thì họ chỉ cần hơn 1 tiếng đồng hồ leo lên.
Học theo nhiều người trong bản, những lúc không lên nương làm rẫy, Chống cũng đi “dẫn tour” để kiếm 2 – 3 trăm nghìn đồng/lần. Nhưng, “năm thì mười họa”, Chống mới được 1 tour. Tính ra trung bình 1 tháng chỉ được khoảng 3 – 4 đoàn gọi điện nhờ Chống dẫn đường.
Sùng A Chống và Giàng A Vừ luôn là những người dẫn đường tận tụy. |
Đấy là tính những đợt nghỉ lễ nhiều, còn bình thường cũng chẳng được con số ấy vì ở đây, người “dẫn tour” như thế cũng nhiều lắm. “Có bạn nào đưa số điện thoại của mình lên mạng hay sao ấy, thấy hôm trước có mấy anh chị bảo tìm được số điện thoại của mình nên gọi”, Chống cười giải thích cho cái sự ngày càng “đắt khách” của mình.
Mỗi lần đi như thế, tranh thủ lúc đợi mọi người đang cố gắng “bò” phía sau, Chống tạt vào những khu ruộng xung quanh, hái nắm rau rừng về cho bữa ăn của gia đình. Chống còn hăng hái muốn được hái tặng mỗi người bó rau mang về xuôi làm quà. Nhưng ngặt nỗi, để “bò” được vào bản, vào đồn biên phòng Pha Luông làm thủ tục chỉ với ít hành lý, chúng tôi đã phải mất cả tiếng đồng hồ, huống gì mang thêm cả quà tặng ấy nên mọi người trong đoàn đều từ chối.
Chống bảo, ngày trước Chống cũng được đi học đúng 1 tuần theo chương trình xóa mù chữ và biết đánh vần tên mình. Nhưng vì điểm học xa quá, nên thầy cô giáo không đi vào dạy nữa. Và những người như Chống lại tiếp tục mang phận... mù chữ. Hỏi Chống thử đánh vần lại tên của mình, Chống đọc từng từ: C – H – Ô – N – G. Vì không biết tên mình sẽ kèm theo thanh gì, nên để miêu tả thanh “sắc”, Chống lấy tay vẽ một đường lên trời, hơi chếch về phía phải, ra hiệu đó là thanh “sắc”.
Chúng tôi nhìn nhau nhưng Chống cũng chỉ đánh vần được tên mình còn họ và tên đệm, hỏi ra, Chống chỉ gãi đầu cười trừ...
Đứa trẻ trên đỉnh Pha Luông
Thế nhưng, trong chuyến đi Pha Luông ấy, người để lại ấn tượng nhiều nhất trong tôi là cái cậu bé nhỏ thó học lớp 5 tên Giàng A Vừ. Ấn tượng bởi Vừ luôn theo sát người luôn cán đích cuối cùng trong cả lượt đi và lượt về trong đoàn. Ấn tượng vì nó kể cho tôi biết bao câu chuyện trên trời dưới biển, từ chuyện 1 năm nó tắm bao nhiêu lần, bố mẹ may cho quần áo mới vào dịp nào rồi đoàn leo núi nào nhanh, đoàn nào chậm, đoàn nào đông người, đoàn nào ít... Trong đó có cả chuyện “người Mông đi bộ quen rồi” khi nó leo đường đèo núi như đi dưới đồng bằng và tính tiền nước không lẫn 1 xu.
Giàng A Vừ không phải người dẫn đường nhưng nó được bố mẹ giao cho nhiệm vụ cao cả: Mang theo 10 chai nước, đúng 10 chai nước đi cùng đoàn để vừa tiếp sức cho chúng tôi vừa bán với cái giá gấp đôi ở dưới cửa hàng mà bố mẹ nó bán. Đó cũng là một trong những “nhiệm vụ” nó được quán triệt. Thế là, cứ đi được một đoạn nó lại lục trong túi đếm số chai nước còn lại. Có ai đó uống chai nào, nó nhắc lại khoảng chục lần để du khách nhớ và sẽ thanh toán tiền cho nó. Nó lếch thếch vác túi nước trên vai, cái túi to, ai đó ngỏ ý muốn xách giúp nó đều lắc đầu từ chối.
Giàng A Vừ nặng nhọc xách nước đi cùng cả đoàn. |
Khi chúng tôi hỏi vui, tại sao cùng chai nước ở dưới bán 10 nghìn đồng mà lên trên này, chai 20 nghìn đồng, chai 25 nghìn đồng, nó nghiêm nghị bảo, do nước ngọt ngon hơn nước lọc. “Chỉ tiêu” của nó ngày nào cũng thế. Hôm nào đi cùng đoàn đông khách, nó được “bổ sung” thêm trợ thủ là người chị họ nhà ở kế bên. Người chị ấy cũng có “chỉ tiêu” là 10 chai nước không hơn không kém.
Chỉ sang ngọn núi bên cạnh, Giàng A Vừ thể hiện kiến thức địa lý mà nó ghé tai nghe lỏm được của người lớn. Vừ nói bằng tiếng Kinh còn lớ lớ và thuyết minh: “Bên đó là bản khác, phía xa nữa là nước Lào. Ở đây cách nước Lào không xa, em vẫn thường xuyên cùng bố sang đó chơi, bố thì mua con trâu. Mới đây có cháy rừng nên mất mấy tháng không ai được leo Pha Luông”.
Ngại nó phải chờ bà chị khập khiễng bước đi trên nền đất nhão nhoét hay những viên đá bám hờ vào rễ cây, tôi bảo nó đi trước nhưng nó nhất quyết không đi và chỉ chực câu: “Chị đi trước đi”, rồi hai chị em lại tíu tít biết bao câu chuyện.
Hỏi nó về chuyện học tập, nó bảo trường cách nhà khoảng 7km, chính là cái điểm gần nơi chúng tôi gửi xe máy để đi bộ vào bản. Đầu tuần, Vừ đi bộ từ sáng sớm để tới trường, cuối tuần lại đi bộ từ đó về phụ giúp bố mẹ. Có lúc Vừ đi cùng đám bạn trong bản nhưng có lúc Vừ đi một mình. Hỏi về thành tích học tập, Vừ chỉ buông lơi bằng một nụ cười hóm hỉnh. Rồi nó nhanh nhẹn chuyển câu chuyện sang một hướng khác: “Mỗi năm em đều được bố mẹ may cho hai bộ quần áo mới vào dịp năm học mới và Tết. Em vui lắm. Đoàn các chị leo nhanh và khỏe. Nhiều đoàn leo từ 8h sáng mà mãi 2h chiều mới lên tới đỉnh Pha Luông. Có đoàn em đi cùng bán nước, lúc em lên tới gần đỉnh, nướng xong giúp họ con gà mới thấy người đầu tiên tới nơi. Nhưng các chị leo nhanh lắm. Có đoàn đi mệt, nước mang theo không đủ, khi ấy trời mưa, họ lấy luôn chai hứng nước mưa mà uống”.
Dọc đường đi mưa ướt, những chiếc áo mưa mang theo không đủ cho từng ấy con người. Thấy môi Vừ tím ngắt và chốc chốc nó lại run lên bần bật bởi chỉ có manh áo mỏng và chiếc quần cộc, đoàn chúng tôi nhường áo mưa cho nó nhưng Vừ nhất quyết lắc đầu bảo em quen rồi. Phải năn nỉ rất lâu nó mới chịu “chui” vào chiếc áo mưa mỏng mà đoàn chúng tôi mang theo. Lúc cả đoàn dừng chân ăn trưa tại chiếc lán gần đỉnh Pha Luông, mời nó và Giàng A Chống ăn chiếc bánh Trung thu, cả hai ngơ ngác nhìn hồi lâu rồi nhỏ nhẹ ăn.
Chống ăn xong chỉ ngồi im lặng, Vừ thì liên tục khen ngon. Vừ rỉ tai tôi nói rằng, đây là lần đầu tiên nó được ăn loại bánh như này.
Kết thúc chuyến đi tôi tặng nó cái đèn pin, nó hồ hởi trông thấy, nó nhìn trước ngó sau rồi cười tươi rói. Nó bảo, ngoài thời gian đi học, lúc rảnh rỗi nó lại lên nương. Nó bứt cho mình vài ba cây rừng để mang về xuôi trồng như món quà kỷ niệm.
Cả chặng đường tôi luôn là người “cán đích” sau cùng. Có những đoạn tôi lang thang một mình giữa rừng, một mình lẩm bẩm những câu hát trong bài “Mưa rừng” của cố nhạc sĩ Huỳnh Anh, cảm xúc thật thuần khiết.
Lên tới đỉnh núi, bao mệt nhọc đều không còn, mà chỉ là cảm giác vui, phấn khích vì với tôi đơn giản là mình đã không bỏ cuộc giữa chừng, cùng mọi người đạt được mục tiêu của chuyến đi, là cảm giác của sự chinh phục.
NGUYỄN HUỆ
Xem thêm video:
[mecloud]v7JB1B1XLi[/mecloud]