Tối 30/9 (giờ địa phương), Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký dự luật chi tiêu nhằm tránh việc chính phủ bị đóng cửa một phần và cấp ngân sách cho các hoạt động liên bang đến tháng 12 năm nay.
Trước đó, Thượng viện và Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật tài trợ tạm thời vào chiều 30/9, gửi lên Tổng thống Joe Biden để ký, ngay trước hạn chót là nửa đêm cùng ngày.
Thượng viện đã thông qua dự luật này với tỷ lệ 65 phiếu ủng hộ và 35 chống, trong khi tại Hạ viện là 254 phiếu ủng hộ 175 chống.
Trong khi đó, lưỡng đảng tiếp tục bất đồng về việc cho phép Bộ Tài chính có quyền vay thêm so với trần nợ công hiện tại là 28.400 tỉ USD. Mỹ sẽ ghi nhận lượng nợ xấu lịch sử vào ngày 18/10 nếu quốc hội chưa thông qua kế hoạch nâng trần nợ công.
Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen từng cảnh báo các nhà lập pháp rằng chính phủ sẽ hết tiền mặt vào tháng 10, trừ khi chính phủ nâng trần nợ công.
Đóng cửa chính phủ thường đi kèm nguy cơ hàng ngàn nhân viên chính phủ không làm việc, các dịch vụ và cơ quan liên bang sẽ đóng cửa. Nguy cơ đóng cửa Chính phủ Mỹ năm nay diễn ra trong bối cảnh đại dịch COVID-19, một hoàn cảnh chưa từng có trước đây.
Do chi tiêu nhiều hơn thu nhập từ thuế nên chính phủ Mỹ đang thâm hụt ngân sách lớn. Để khắc phục tình trạng này, chính phủ Mỹ sẽ vay tiền bằng cách phát hành nợ.
Tuy nhiên, việc phát hành nợ chỉ được phép trong một hạn mức nhất định do Quốc hội quy định. Nếu Quốc hội không nâng hạn mức, Bộ Tài chính sẽ không có khả năng thanh toán tất cả hóa đơn chính phủ.
Trong thời kỳ hiện đại và trong lịch sử, Mỹ chưa bao giờ vỡ nợ do cả hai đảng đều bỏ phiếu ủng hộ nâng mức trần nợ. Các đảng viên Dân chủ và Cộng hoà tại Thượng viện đã làm như vậy ba lần trong thời gian Tổng thống Donald Trump nắm quyền. Lần này, đảng Dân chủ muốn quan tâm tới cả hai ưu tiên trong một dự luật nhưng đảng Cộng hoà tại Thượng viện đã ngăn chặn nỗ lực đó hồi đầu tuần.
Mộc Miên (T/h)