Chính phủ thống nhất quy định giấy phép lái xe được cấp 12 điểm/năm, nếu trong 1 năm mà bị trừ hết điểm thì phải thi lại giấy phép lái xe.
Ngày 2/9, lãnh đạo cục Cảnh sát giao thông, bộ Công an cho biết trên báo Tuổi Trẻ, Chính phủ vừa đồng ý với đề xuất giấy phép lái xe được cấp 12 điểm mỗi năm, nếu tài xế không bị trừ hết điểm sẽ được cấp lại 12 điểm để áp dụng cho năm kế tiếp hoặc không vi phạm giao thông sẽ được cộng điểm.
Nội dung trên được Chính phủ thống nhất đưa vào nghị quyết 123 sau phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật cuối tháng 8/2020.
Theo đó, 12 điểm được quy định trong bằng lái tương ứng với 12 tháng trong năm, khi tài xế vi phạm sẽ bị trừ điểm, số điểm bị trừ tương ứng với hành vi vi phạm. Nếu tài xế không bị trừ hết điểm thì cơ quan chức năng sẽ cấp lại 12 điểm để áp dụng cho năm kế tiếp hoặc trong một năm mà tài xế không vi phạm thì được cộng điểm.
Chính phủ đồng ý với đề xuất bằng lái xe được cấp 12 điểm/năm. (Ảnh: Tri thức trực tuyến) |
Trên cơ sở đó, Chính phủ sẽ quy định cụ thể thẩm quyền, căn cứ, trình tự, thủ tục thực hiện, bảo đảm đơn giản, hợp lý, tránh phiền hà cho người dân.
Chính phủ khẳng định việc cộng, trừ điểm trong giấy phép lái xe chỉ là một biện pháp quản lý, chứ không phải là hình thức xử phạt hành chính.
Bộ Công an sẽ không để trực tiếp điểm số trên bằng lái mà mã hóa, lưu trên hệ thống dữ liệu bằng lái. Khi có quyết định xử phạt, điểm sẽ được trừ trên hệ thống dữ liệu và khi xử lý vi phạm, cảnh sát giao thông chỉ cần tra trên máy là biết các tài xế còn bao nhiêu điểm.
Tri thức trực tuyến thông tin thêm, trước đó, đầu thág 6, trong dự thảo luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, bộ Công an đề xuất mỗi bằng lái có tổng số điểm là 12, khi tài xế vi phạm thì bị trừ điểm. Khi hết điểm, giấy phép không còn hiệu lực và tài xế phải thi sát hạch lại.
Có 11 hành vi và nhóm hành vi khi tài xế vi phạm sẽ bị tước quyền sử dụng bằng lái ngay lập tức và 28 hành vi khi vi phạm, tài xế sẽ bị trừ điểm.
Cục CSGT khẳng định việc trừ điểm bằng lái đã được các quốc gia tiên tiến trên thế giới áp dụng nhiều năm nay. Quy định này có tính nhân văn, thuận lợi hơn vì có cảnh báo với người tham gia giao thông.