+Aa-
    Zalo

    Chiêu trò lừa đảo giả mạo công an yêu cầu giữ hộ tiền để điều tra

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Gần đây, người dân vừa trình báo về chiêu trò giả mạo công an để lừa đảo tiền mới qua điện thoại của bọn tội phạm.

    Gần đây, người dân vừa trình báo về chiêu trò giả mạo công an để lừa đảo tiền mới qua điện thoại của bọn tội phạm.

    "Công an" hình sự yêu cầu chuyển tiền để giữ hộ

    Anh Vũ Chính (Phùng Khoang, Hà Nội) cho Vietnamnet biết, mới đây anh nhận được cuộc gọi từ một số máy lạ nghi ngờ thuộc về một đường dây lừa đảo. Sau khi giới thiệu mình là nhân viên của Tổng đài Bưu điện, người bên phía đầu dây đề nghị xác nhận họ tên và cho biết anh đang nợ số tiền khoảng gần 46 triệu đồng.

    Nhiều vụ việc mạo danh để lừa đảo chiếm đoạt tài sản được ghi nhận liên tiếp trong thời gian gần đây. Ảnh: Vietnamnet

    Theo lời nhân viên này, anh Chính có bưu phẩm chuyển đến là thư mời triệu tập của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao. Trước sự phủ nhận có phần luống cuống từ phía chủ thuê bao, nhân viên tổng đài đề nghị trợ giúp việc trình báo bằng cách kết nối đến đường dây nóng của Công an Hà Nội.

    Tiếp theo, một người tự xưng là đại úy X, cán bộ PC02 (Phòng Cảnh sát Hình sự - Công an TP.Hà Nội), liên hệ với anh Chính, yêu cầu anh phải “chuyển tài khoản trong thẻ ngân hàng theo hướng dẫn trên website để Bộ Công an tạm thời quản lý”.

    Tuy nhiên, do thấy có dấu hiệu bất thường, anh Chính đã cự tuyệt và không chuyển tiền vào số tài khoản lạ.

    Chiêu trò gọi điện thoại mạo danh công an để lừa đảo

    Tháng trước, theo Pháp luật Việt Nam, công an Nghệ An cũng đã nhận được nhiều phản ánh của nhiều người dân việc nhận được “Giấy triệu tập”, "Lệnh bắt bị can để tạm giam" (hoặc lệnh, quyết định khác của Tòa án, Viện kiểm sát, Cơ quan điều tra các cấp) trong khi họ không vi phạm gì.

    Lợi dụng tâm lý lo sợ của một số người nhẹ dạ khi liên quan đến pháp luật, kẻ lừa đảo đã chiếm đoạt số tiền gần 300 triệu đồng bằng yêu cầu chuyển tiền cho chúng sau khi nhận được "Lệnh bắt bị can để tạm giam" qua mạng xã hội Zalo.

    Giấy triệu tập giả mạo được gửi cho công dân qua mạng xã hội. Ảnh: Báo Pháp luật

    Tinh vi hơn, ngoài việc tạo ra các lệnh, quyết định giả như trên, các đối tượng còn lập các tài khoản mạng xã hội Zalo, Facebook đăng tải nhiều thông tin giả mạo cơ quan chức năng để cho nạn nhân tin tưởng hơn. Thông qua các tài khoản đó, các đối tượng mạo danh rồi liên lạc với nạn nhân đề nghị chuyển tiền để chứng minh mình vô tội.

    Phía công an cho hay, để làm việc với người dân, cơ quan công an sẽ trực tiếp gửi giấy mời, giấy triệu tập hoặc gửi qua công an địa phương và tuyệt đối không yêu cầu công dân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng. Do đó, khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu tương tự như trên, người dân cần khẩn trương báo tin cho đơn vị công an nơi gần nhất.

    Ngoài cách này, tội phạm công nghệ cao còn thường xuyên sử dụng thủ đoạn tin nhắn rác, tin nhắn trúng thưởng, giả danh người nước ngoài nhắn tin làm quen và gửi quà tặng về Việt Nam... hoặc chiếm quyền điều khiển tài khoản mạng xã hội của người dùng để nhắn tin lừa đảo tới những người khác trong danh sách bạn bè của nạn nhân.

    Minh Khôi (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chieu-tro-lua-dao-gia-mao-cong-an-yeu-cau-giu-ho-tien-de-dieu-tra-a298457.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan