Đáng nói, nhiều người còn mất tiền thế chân, tiền phí làm thẻ… mà không hề có việc như cam kết. Để rõ thực hư thông tin trên, PV báo ĐS&PL đã nhập vai người đi xin việc làm, thâm nhập các cơ sở này.
Chóng mặt với “lệnh điều động”
Qua nguồn tin bạn đọc cung cấp, PV đã liên lạc với một cơ sở tuyển dụng nêu trên. Lấy lý do cần tìm việc làm, PV xác nhận lại: “Bên chị đang tuyển nhân viên bán hàng trong siêu thị phải không?” Người tên Thúy cầm máy: “Dạ đúng rồi” và hẹn tôi có mặt vào hôm sau, trong giờ hành chính.
Đúng hẹn, PV tìm đến địa chỉ trên đường Nguyễn Oanh, phường 17 (quận Gò Vấp, TP.HCM) và hết sức ngỡ ngàng vì đó là công ty bảo vệ Đông Á Việt Nam.
Một phiếu thu tiền xin việc. |
Thời điểm có mặt tại đây, theo quan sát của PV có khá nhiều người, chủ yếu là người trẻ, sinh viên đang chăm chú nghe tư vấn. Vào bên trong, PV được 2 người nữ hướng dẫn, đưa phiếu điền thông tin. Thế nhưng, PV phải ngồi đợi khá lâu để được “cán bộ tư vấn” (chức danh trong công ty) tiếp.
Khi PV ngỏ ý muốn làm nhân viên siêu thị như quảng cáo, “cán bộ” này nói, công việc chính là giữ đồ, kiểm tra hóa đơn, hàng hóa của khách… Mức lương khởi điểm từ 3,2 – 3,5 triệu đồng cho 3 tháng thử việc. “Nếu thử việc đạt, em sẽ được tăng lương và đóng đầy đủ các chế độ”, Thắng – người tư vấn nói.
PV đồng ý và được Thắng sắp xếp vào làm tại siêu thị BigC (quận Gò Vấp), ca từ 15h – 23h (8 tiếng). Thắng nói: “Đồng ý thì em vào trong kế toán đóng trước 350 ngàn đồng thế chân. Đây là tiền phòng khi em nhận rồi, không làm hoặc bỏ giữa chừng”.
Và đây là quy định bắt buộc, bất kỳ ai đồng ý cũng phải đóng tiền thế chân này. Sau khi đóng tiền thế chân xong, “cán bộ” hướng dẫn PV tìm đến địa chỉ 177 đường D2 (quận Bình Thạnh) để gặp anh D. nhận việc.
Tiếp tục tìm đến địa chỉ trên, PV không khỏi bất ngờ khi đây lại là một công ty bảo vệ khác, tên Long Hoàng Vừa đặt chân tới nơi, PV được yêu cầu phải đi công chứng giấy CMND và quay lại nộp.
Sau khi hoàn tất thủ tục, PV được anh D. – người tư vấn cho biết: “Đây chỉ là công ty bảo vệ nên tuyển bảo vệ, chứ không có chuyện là người của siêu thị nào cả”. Anh này nói, đồng ý làm thì đóng thêm 250 ngàn để làm thẻ và một số phí khác, sau đó đi nhận việc.
Tương tự, tìm đến công ty TNHH dịch vụ tư vấn phát triển Hoàng Minh (gọi tắt là công ty Hoàng Minh, địa chỉ đường Dương Văn Dương, phường Tân Kỳ, Tân Quý, quận Tân Phú), PV cũng được “cán bộ” ở đây tư vấn giống với công ty Đông Á nói trên.
Theo đó, PV được giới thiệu vào làm tại trung tâm Thương mại Pandora Trường Chinh (quận Tân Phú) với mức lương từ 4 – 4,8 triệu đồng cho ca làm việc 12 tiếng. Tuy nhiên, sau khi đã đóng 350 ngàn đồng, PV lại được giới thiệu đến chính địa chỉ 177 đường D2 (quận Bình Thạnh) công ty Long Hoàng.
Một cơ sở khác cũng tuyển người ồ ạt là công ty cổ phần Dịch vụ bảo vệ Thắng Lợi Sài Gòn (địa chỉ tại đường Bình Lợi, phường 13, quận Bình Thạnh). Tuy nhiên, tại đây, nhiều người xin việc cũng nhận được “lệnh điều động” sang công ty Long Hoàng để nhận việc. “Em đã đậu vòng phỏng vấn, bây giờ sang bên đó, người ta sẽ bố trí việc. Có gì thắc mắc thì cứ điện cho chị”, người tư vấn tên Thảo nói.
Theo quy trình, sau khi gặp công ty Long Hoàng thì hoàn tất các thủ tục để đến một công ty nữa nhận việc. Như vậy, phải trải qua quá trình phỏng vấn và nhận “lệnh điều động” 3 lần, người tuyển mới đến được nơi cần đến. Tuy nhiên, qua trạm thứ hai, người xin việc phải đóng thêm khoản tiền 250 ngàn đồng để làm thẻ và cho một số phí khác. Như vậy, mới qua 2 cửa, người xin việc đã mất 600 ngàn đồng.
Chưa hết, đến trạm thứ 3, những người làm bảo vệ còn phải đóng thêm một khoản nữa cho đồng phục. “Theo quy định, bắt buộc phải có 2 bộ động phục và các phụ kiện: khâu vai, nón, cavat… Tiền này sẽ trừ thẳng vào lương trong vài ba tháng đầu. Tuy nhiên, để phòng mất đồ và em nghỉ ngang, công ty phải thu từ 600 – 900 ngàn đồng/hai bộ, tùy vào công cụ mà em được trang bị”, người tư vấn tên Dương của công ty bảo vệ Đ.A Việt Nam nói.
Tiền đã nộp một đi không trở lại
Điều đáng nói, khi đã đóng tiền vào các cơ sở này coi như vĩnh viễn không đòi lại được. Chị P.T.L. (ngụ quận 12), người được giới thiệu đến địa chỉ 177 để nhận việc trong trung tâm thương mại Pandora kể: “Bên đó (công ty Hoàng Minh) giới thiệu như thế nhưng đến đây lại nói là làm bảo vệ. Không đồng ý với công việc như đã hứa, tôi quyết định không làm các bước như hướng dẫn của công ty Long Hoàng (phô tô, công chứng giấy CMND và đóng phí 250 ngàn đồng)”.
“Tôi có gọi điện ngược trở lại cho công ty Hoàng Minh thì được nhân viên trả lời là phải thử việc vài ba tháng, người ta mới đưa vào làm nhân viên của siêu thị. Thử hỏi, tại sao lúc đầu họ không nói thẳng là đi làm bảo vệ, lại lập lờ?. Hơn nữa, trên trang giới thiệu việc làm, họ ghi tuyển nhân viên siêu thị. Tôi đòi lại tiền thì chị tư vấn của công ty Hoàng Minh trở mặt ngay và không cho lấy lại tiền”, chị L. bức xúc.
Nhiều người nhẹ dạ đóng tiền vào và không thể lấy lại. |
Tương tự, khi PV quay trở lại công ty Đông Á Việt Nam để lấy tiền cọc, thái độ vui vẻ của nhân viên tư vấn lúc trước đã biến mất. Thay vào đó, 3 - 4 nhân viên và cả sếp quây lấy PV. Họ nói, sao lại có chuyện ngang ngược như thế, đã đồng ý làm rồi thì không thể trả lại tiền cọc.
PV nói: “Lúc đầu đến đây là tìm việc trong siêu thị, chứ không muốn làm bảo vệ”, nhưng họ nhất quyết không cho. Khi phía công ty không trả lại tiền, PV đòi lại phiếu thu đã bị giữ lại trước đó nhưng bị sếp của công ty này quay ra dọa nạt.
Theo ghi nhận của PV, thông tin tuyển dụng “nhân viên siêu thị…” được đăng trên hầu hết các trang quảng cáo, rao vặt. Tại các công ty này, mỗi ngày có hàng trăm người đến xin “việc làm siêu thị”.
Ở các công ty mà PV tới xin việc, lúc nào cũng có đông người ngồi đợi đến lượt được phỏng vấn. Người nào tỉnh táo thì khôn khéo ra về, còn người nào nhẹ dạ thì đóng 350 ngàn đồng. Và số người đóng tiền thế chân, một ngày ước chừng khoảng 40 – 50 người/công ty.
“Từ đầu chí cuối, toàn bảo sắp xếp làm giám sát, đâu có liên quan gì đến bảo vệ đâu. Hiện tại, mình thấy các công ty này đang đưa thông tin trên rất nhiều trang tuyển dụng nổi tiếng, rất nhiều người xin ứng tuyển. Mình thông báo bị lừa đảo nhưng đều bị chặn và xóa luôn thông tin mình cung cấp cho mọi người”, chị V.N. chia sẻ.
Cũng theo ghi nhận của PV, thủ thuật của một số công ty bảo vệ này là ký được hợp đồng bảo vệ cho các siêu thị, trung tâm thương mại… Sau đó, họ móc nối với các công ty để tuyển nhân viên bảo vệ nhưng lại lập lờ là “nhân viên siêu thị” như trên.
Đủ dấu hiệu cấu thành tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản Phân tích về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Đình Thái Hùng (Trưởng văn phòng luật sư Thái Hùng) cho biết, hành vi thu 350 ngàn đồng/ người xin việc nói trên là hoàn toàn sai, trái quy định pháp luật về việc nhận người lao động. Nếu chỉ là công ty môi giới lao động và sau đó “điều động” đến công ty tuyển dụng, nhưng lúc thu tiền không giải thích rõ thì hành vi trên là gian dối, nhằm chiếm đoạt tiền của người lao động một cách có tổ chức. Việc chiếm đoạt này đủ dấu hiệu của tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Vì vậy, đề nghị các cơ quan có chức năng vào cuộc xem xét xử lý, thậm chí phải khởi tố vụ án để bảo vệ sự nghiêm minh của pháp luật. |
THANH TÙNG
Xem thêm video Tin tức:
[mecloud]BCdiGIyeRC[/mecloud]