+Aa-
    Zalo

    Chiêu lừa biến nạn nhân thành kẻ bị tình nghi phạm tội

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Báo Đời sống & Pháp luật xin gửi tới quý độc giả loạt bài: "Những chiêu trò lừa đảo qua mạng xã hội và viễn thông".

    (ĐSPL) - Những thủ đoạn khó lường của những đối tượng chuyên nghiệp thông qua thiết bị viễn thông khiến nhiều người dân, dù đã hết sức cảnh giác vẫn sập bẫy.

    LTS: Cùng sự phát triển của công nghệ thông tin và đặc biệt là mạng xã hội, nạn lừa đảo càng phức tạp bởi nhiều chiêu trò. Điều này cũng gây khó cho cơ quan chức năng trong điều tra, ngăn chặn. Báo Đời sống & Pháp luật xin gửi tới quý độc giả loạt bài: "Những chiêu trò lừa đảo qua mạng xã hội và viễn thông".

    Trong thời gian qua, nở rộ những hình thức lừa đảo qua mạng viễn thông được thực hiện bởi các đối tượng trong và ngoài nước. Từ điện thoại tới máy vi tính, từ email cho tới Facebook, mỗi một hình thức trên đều có các hình thức lừa đảo khác nhau. Trong số đầu tiên của loạt bài "Cảnh báo những chiêu thức lừa đảo qua mạng viễn thông", báo Đời sống & Pháp luật sẽ thông tin tới bạn đọc chiêu thức lừa đảo mới xuất hiện gần đây nhưng đã gây ra thiệt hại hàng chục tỉ đồng cho người sử dụng chỉ trong 6 tháng đầu năm.

    Những cú điện thoại bất ngờ.

    Một ngày tháng 4/2015, chị Nguyễn Bình M (Hai Bà Trưng – Hà Nội) nhận được một cuộc điện thoại từ số máy lạ, đầu dây bên kia, một người tự xưng là cán bộ tập đoàn viễn thông V. thông báo tài khoản điện thoại của chị M. đang xuất hiện một khoản nợ phát sinh lên tới hơn 20 triệu đồng. Khi chị M. thắc mắc, người này yêu cầu cung cấp một số thông tin cá nhân để đối chiếu và nhấn mạnh, mọi sự khiếu nại của chị M. sẽ được cơ quan chức năng làm rõ.

    Khoảng 30 phút sau, máy di động của chị M. tiếp tục đổ chuông, số điện thoại hiện lên trên màn hình là  +008439xxx301, một giọng nam giới điềm đạm giới thiệu “Tôi là cán bộ công an thành phố Hà Nội, nhận được thông tin của tập đoàn viễn thông V. về trường hợp của chị phát sinh nợ cước ngoài ý muốn, chúng tôi đã cho kiểm tra và phát hiện, số điện thoại chị đang sử dụng đang bị một số đối tượng xấu từ nước ngoài lợi dụng gây nên một số vụ việc đe dọa tới an ninh. Cơ quan chức năng đang khẩn trương làm rõ và tiếp tục thông báo tới chị trong ít phút nữa”.

    Đầu dây bên kia cúp máy, chị M gọi lên tổng đài 1080 hỏi thông tin số điện thoại 0439xxx301 có phải của công an Hà Nội hay không với hy vọng ai đó đang trêu đùa mình, thế nhưng nhận được sự xác nhận của tổng đài viên, chị M. cảm thấy rụng rời chân tay. Là một người bình thường, ít tìm hiểu về pháp luật, người phụ nữ này có phần “sốc” trước những thông tin của “đại diện chính quyền” vừa cung cấp.

    Hàng chục câu hỏi nảy ra trong đầu chị M. như “ai đã làm gì tài khoản điện thoại của mình”, “không biết chúng có sử dụng thông tin của mình vào việc xấu hay không”, … thế nhưng, chị không dám hỏi ai vì được “cán bộ công an” cho biết, trong khoảng thời gian này, thông tin liên lạc của chị bị theo dõi để đảm bảo chị hoàn toàn trong sạch, mọi hành động tự ý sẽ phải trả giá trước pháp luật.

    Một đối tượng trong đường dây lừa đảo bị CQCA bắt giữ

    Sập bẫy

    Khi Nguyễn Bình M. còn chưa kịp định thần, cuộc gọi thứ 3 đổ chuông, vẫn là người đàn ông từng xưng danh là cán bộ công an thành phố Hà Nội, người đàn ông này cho biết thêm “Việc xác minh nguồn gốc khoản nợ cước phát sinh gặp nhiều khó khăn do chị chưa thanh toán khoản tiền này. Để thuận tiện cho cơ quan công an điều tra làm rõ, yêu cầu chị thanh toán số tiền cước và gửi thêm một khoản tiền bảo đảm an ninh khoảng 50 triệu đồng vào tài khoản công an thành phố. Sau khi xử lý xong, cơ quan công an sẽ mời chị lên tận nơi để làm thủ tục nhận lại tiền”.

    Chị  M. nghe những lời khuyên của “anh công an” kia mà như “chết đuối vớ được cọc”, được cơ quan công an thông cảm, giúp đỡ trong lúc này thì còn gì bằng. Ghi lại thông tin tài khoản “bảo chứng” từ phía bên kia đầu dây và được xác nhận thời gian phải hoàn thành là ngay trong buổi chiều, chị M. lập tức huy động hết tiền tiết kiệm rồi tìm cách vay mượn cho đủ 70 triệu để chuyển vào tài khoản được cung cấp.

    Buổi chiều hôm ấy, các “cán bộ công an tự xưng” còn đôi ba lần gọi lại hỏi han với nội dung tìm hiểu xem chị M. đã gửi tiền hay chưa. Tới gần 16h, chị M. đã hoàn thành việc chuyển tiền với hy vọng sẽ nhận được sự bình yên không phải “ra trình diện cơ quan công an”.

    Tang vật của một nhóm đối tượng lừa đảo với hình thức giả danh CA

    Cú lừa ngoạn mục

    Đêm hôm đó, bình tâm trở lại, chị M. bắt đầu có cảm giác không ổn về những cuộc gọi lúc chiều. Chị M. tự thắc mắc, tại sao cơ quan công an lại không mời mình lên làm việc trực tiếp hay việc thúc giục của người tự xưng là “công an” có khác gì những kẻ đòi nợ. Lúc này, tự chị M. thấy rằng, có vấn đề gì đó không ổn trong tất cả câu chuyện xảy ra vào chiều cùng ngày.

    Sáng sớm hôm sau, thông qua một số mối quan hệ, chị M tìm cách liên lạc với cơ quan công an để tìm hiểu sự việc. Lúc này người phụ nữ trên mới vỡ lẽ, toàn bộ sự việc nêu trên là thủ đoạn lừa đảo của bọn tội phạm công nghệ. Không thể có chuyện, cơ quan chức năng lại yêu cầu người dângửi tiền chứng minh sự “trong sạch”. 

    Việc chị M. nhận được số điện thoại của công an TP Hà Nội gọi tới là do kẻ lừa đảo sử dụng phần mềm thay đổi số điện thoại cuộc gọi có thể tải về trên mạng internet.  

    Vụ việc nêu trên của chị M. chỉ là một vụ việc tiêu biểu cho hàng chục vụ việc cùng thủ đoạn khác được Phòng cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao PC50 - công an Hà Nội tiếp nhận trong khoảng thời gian từ tháng 4/2015 cho đến nay. Chỉ trong một khoảng thời gian bốn tháng, với thủ đoạn nêu trên, các đối tượng này đã lừa được hơn 17 tỉ đồng từ những người nhẹ dạ. 

    Thực chất, những vụ việc lừa đảo dưới hình thức này đã từng xuất hiện từ vài năm trở lại đây nhưng nở rộ trong thời điểm đầu năm 2015. 

    Theo trung tá Ngô Minh An – phó trưởng phòng PC50, thực chất việc phát hiện các đối tượng này không khó, người dân đã quá nhẹ dạ, cả tin nên mới bị lừa.

    Ông An cũng khuyến cáo: Cơ quan công an nói chung và cơ quan chức năng nói riêng không bao giờ sử dụng tài khoản cá nhân để giao dịch. Hơn nữa, việc làm việc với người dân bình thường đều thông qua "giấy mời" hoặc "giấy triệu tập", tuyệt đối không làm việc bằng điện thoại. Khi người dân thấy những dấu hiệu bất thường này, hãy liên lạc ngay với các đơn vị nghiệp vụ của công an thành phố để phối hợp làm rõ.

    Trong kỳ sau, mời bạn đọc cùng tìm hiểu hình thức ăn cắp thông tin tài khoản rồi chiếm đoạt tài sản của người sử dụng Facebook được thực hiện như thế nào.

    Thành Trung

    [mecloud]paOlGuOtCy[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chieu-lua-bien-nan-nhan-thanh-ke-bi-tinh-nghi-pham-toi-a110288.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.