+Aa-
    Zalo

    Chiến thắng Điện Biên Phủ và ký ức không quên một thời hoa lửa

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Với ông, Đại tá Nguyễn Việt, nguyên Trưởng phòng Trinh sát, cục Quân báo (Chiến dịch Điện Biên Phủ), suốt mấy chục năm đã trôi qua nhưng chưa một ngày ông quên...

    Với ông, Đại tá Nguyễn Việt, nguyên Trưởng phòng Trinh sát, cục Quân báo (Chiến dịch Điện Biên Phủ), suốt mấy chục năm đã trôi qua nhưng chưa một ngày ông quên có một Điện Biên Phủ máu và hoa …

    Ở tuổi xưa nay hiếm, mắt đã mờ, chân đã chậm nhưng mỗi lần nhắc tới trận chiến “vang động năm châu, chấn động địa cầu” thì những ký ức của người lính già vẫn sống dậy, rõ mồn một với những vui, buồn riêng của đời lính. Với ông, đại tá Nguyễn Việt, nguyên Trưởng phòng Trinh sát, cục Quân báo (Chiến dịch Điện Biên Phủ), suốt mấy chục năm đã trôi qua nhưng chưa một ngày ông quên được có một Điện Biên Phủ máu và hoa…

    "56 ngày đêm mưa dầm cơm vắt…" để rồi tạo nên một trận đánh "Vang động năm châu, chấn động địa cầu" ở Điện Biên Phủ.

    Ngồi trò chuyện với chúng tôi trong căn nhà nhỏ trên phố Lê Đại Hành (Hai Bà Trưng, Hà Nội), ông Việt hồ hởi khoe mới đi tham dự một lễ kỷ niệm và khánh thành tượng đài danh nhân ở Hải Phòng về. Tiện, ông ngồi kiểm tra trình độ lịch sử của phóng viên, nào chuyện Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán năm bao nhiêu, Lê Đại Hành lên ngôi năm bao nhiêu,… rồi cười khẳng định “anh chị thấy đấy, tôi chín mấy tuổi đầu rồi nhưng trí nhớ vẫn còn ổn lắm”. Câu chuyện về đời lính của ông cũng vì thế mà “vào đề” nhẹ nhàng hơn.

    Ông kể cho chúng tôi từ những ngày mới tham gia cách mạng tiền khởi nghĩa, hoạt động trong đội du kích thành Hoàng Diệu rồi theo chân cách mạng lên chiến khu, rong ruổi khắp các chiến trường từ Bắc Giang, Hải Dương lên tới Việt Bắc... “Lửa thử vàng”, những trận đánh dần giúp ông trưởng thành hơn trên con đường binh nghiệp. Trở thành chính trị viên tiểu đoàn, được cử đi học nghiệp vụ trinh sát rồi được đề bạt làm Trưởng phòng trinh sát ban 2, cục Quân báo đầu những năm 1950.

    Đến cuối 1953, khi diễn biến trên chiến trường có nhiều thay đổi, Pháp nhảy dù xuống Điện Biên Phủ, Bộ Chính trị xác định đây là một thời cơ có lợi, phải chớp lấy bằng được để kết thúc cuộc khánh chiến chống Pháp. Ngay từ đầu tháng 12/1953, đơn vị trinh sát của ông cũng đã được lệnh lên Điện Biên Phủ để cùng các đơn vị khác triển khai công tác chuẩn bị.

    “Dự định ban đầu của ta là mở một trận đánh nhanh, thắng nhanh vào gần cuối tháng 2/1954 nhưng về sau, Đại tướng Võ Nguyên Giáp phân tích tình hình và thấy, với kế hoạch này thì không ổn, không chắc thắng nên mới quyết định chuyển sang đánh chắc, tiến chắc. Đây là một quyết định rất khó khăn nhưng vô cùng chính xác của Người”, Đại tá Nguyễn Việt cho biết thêm.

    Đại tá Nguyễn Việt kể về những ngày chiến đấu tại Điện Biên Phủ năm 1953-1954. Ảnh: Người Đưa Tin

    Với nhiệm vụ trinh sát trên chiến trường, ngay từ đầu, đơn vị của ông đã gánh trách nhiệm lớn trong việc tìm hiểu, khai thác tối đa thông tin của địch, từ việc bài binh bố trận, cắt cử lính đến những khu vực trọng yếu về vũ khí, quân nhu. Hàng ngày, ngoài việc tổng hợp tin tức, cắt cử chiến sỹ đi thực địa, ông còn trực tiếp tham gia lên kế hoạch bắt và hỏi cung tù binh, nghe ngóng tình hình địch qua sóng vô tuyến điện. Từ đây, trinh sát cũng đã nắm được nhiều thông tin cơ mật của địch, phục vụ cho công tác tác chiến của quân ta trên chiến trường.

    Ông còn nhớ, đúng vào ngày lễ Noel năm 1953 (24/12), lực lượng trinh sát của ông bám theo địch vào chân đồn, bất ngờ chiếm được một chiếc dù do máy bay Pháp thả xuống, bên trong chứa rất nhiều tài liệu quý bao gồm một lô ảnh hàng không được địch chụp cũng như tấm bản đồ tỷ lệ 1/25.000, miêu tả chính xác toàn bộ lòng chảo Điện Biên. Đây thực sự là một bước ngoặt bởi trước đó, chúng ta chưa có điều kiện nắm rõ địa thế toàn bộ tập đoàn cứ điểm này.

    Đầu năm 1954, công cuộc chuẩn bị cho chiến dịch càng trở nên gấp rút. Từ đài quan sát cách đồi A1 hơn 1km, ông và các chiến sỹ quan sát nhất cử nhất động diễn biến của địch tại các cứ điểm ở Him Lam, Độc Lập, Hồng Cúm… từ đó đánh dấu chính xác lên bản đồ.

    Đến ngày 13/3/1954, chiến dịch Điện Biên Phủ bắt đầu. Tiếp đó là “Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt. Máu trộn bùn non. Gan không núng, chí không mòn (Tố Hữu)”. Nhắc đến đây, ông không khỏi có chút ngậm ngùi. Ngày ấy, giữa đợt tấn công lần 2, ta phát hiện ra địch có hầm ngầm ở đồi A1, bộ chỉ huy ra lệnh phải tìm đường tấn công, chuẩn bị cho nổ 1000 kg bộc phá tiêu diệt cứ điểm này.

    Lúc đó, ông trực tiếp chỉ huy anh em ngoài trận địa. Người đồng chí của ông là ông Nguyễn Ngọc Bảo, người Hải Phòng xung phong lên đầu, tiếp đó đến ông. Giữa lúc tên rơi đạn lạc, khi ông Việt bò vào đến nơi thì mới phát hiện ra ông Bảo đã hi sinh tại chỗ. Chỉ kịp kéo xác đồng đội ra bên ngoài rồi gạt đi nước mắt, ông tiếp tục chỉ huy anh em tiến lên.

    Trên chiến trường, sự mất mát là khó tránh khỏi, nhưng mỗi lần nghĩ lại sự ra đi của chiến sỹ mình, tự tay mình chôn cất, ông vẫn không cầm lòng. Ông Bảo về sau được tặng huân chương trong chiến dịch và được phong danh hiệu anh hùng vào đầu những năm 1950. Đến giờ, điều day dứt nhất với ông và những người còn lại là mộ phần ông Bảo về sau thất lạc, đến giờ vẫn chưa thể tìm lại được.

    Ngày 7/5 lịch sử, đến giờ, với ông mỗi lần nghĩ lại vẫn như mới hôm qua. “Ngay từ sáng sớm đã thấy lẻ tẻ bóng cờ trắng của địch. Đến khoảng 1-2 giờ chiều thì khắp chiến trường bóng địch xin hàng. Đó là một ngày trời đẹp, trong xanh đến lạ. Tôi còn nhớ cảnh hàng dài tù binh lần lượt kéo nhau đi hàng cây số. Giờ chỉ ước giá như lúc đó có cái máy ảnh để chụp lại. Biết bao đồng đội của mình đã hi sinh mà chưa kịp nhìn thấy cảnh đó…”, Đại tá Nguyễn Việt cho biết.

    Đại tá Nguyễn Việt và vợ. Ảnh: Người Đưa Tin

    Sau chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Việt lại được cử đi các chiến trường Bắc, Trung, Nam, biên giới nước bạn Lào. “Ông ấy làm lính, vô tư lắm. Cứ có nhiệm vụ là đi thôi, quanh năm suốt tháng chẳng biết vợ ở nhà xoay xở như thế nào, con cái ra sao. Có khi hàng năm trời vợ chồng mới được gặp mặt”, bà Liên vợ ông chia sẻ.

    Cũng như biết bao nhiêu người vợ lính khác, đằng sau những tấm huy chương của chồng, bà một tay vun vén cho gia đình, cho các con. Cũng từng là một người lính nên bà thấu hiểu và chia sẻ với chồng mình tâm nguyện “quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”.

    Lấy nhau từ 1950, nhưng số lần ông gặp bà giữa hai lần chiến dịch đều đếm trên đầu ngón tay, thậm chí có những quãng thời gian bặt tin, không biết chồng làm gì, ở đâu. Bà Liên còn nhớ, ngay từ cuối 1953, khi đang thời điểm chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ, ông đã theo chỉ huy ra chiến trường.

    “Gặp nhau lần nào cũng vội”, khi ông đang lăn lộn tại lòng chảo Điện Biên cũng là lúc bà Liên mang thai đứa con đầu lòng. Đến tháng 7/1954 thì bà sinh con một mình, thiếu thốn đủ bề, nghe tiếng con thơ khát sữa mà như cứa vào lòng. Thế mà ông chẳng hề hay biết. Mãi đến tháng 10/1954, khi được về phép, ông Việt mới ngẩn người ra khi biết mình lên chức bố từ lúc nào. Niềm vui mới kịp nở trên môi, ông lại xách ba lô lên đường và đi biền biệt.

    Trò chuyện với chúng tôi, bà Liên cười: “Lấy chồng lính ngày xưa khổ lắm, đâu có được như bây giờ. Nhưng thời điểm đó, ai cũng như mình cả thôi. Cái thời không quên, cái thời hoa lửa”. Chuyện trò, thỉnh thoảng hai ông bà lại như trôi về những ký ức xa xưa.

    Tuổi già, năm nay ông cũng đã 92 tuổi, bà 88 nhưng dường như, tình cảm, tình yêu của họ dành cho nhau vẫn có phần khiến đám trẻ phải tị. Tuổi già mới có dịp gần nhau, ông cũng muốn bù đắp phần nào cho bà. Đi đâu, hai ông bà cũng có nhau. Bà Liên kể, thỉnh thoảng ngồi có trách khéo ông vô tâm thì ông nói đi đánh giặc, lương có đồng nào, chuyển về hết cho bà nuôi con rồi còn gì. “Ông ấy nói đơn giản như thế thì còn biết trách thế nào nữa hả cháu”, bà Liên tủm tỉm cười.

    Vui chuyện, ông chỉ tay lên tấm ảnh trên tường khoe mới có thêm đứa chắt đích tôn “quý lắm đấy”. Với một gia đình “thuần lính”, các con, các cháu đa phần đều theo nghiệp nhà binh như của ông bà, niềm vui tuổi già chỉ đơn giản có vậy.

     

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chien-thang-dien-bien-phu-va-ky-uc-khong-quen-mot-thoi-hoa-lua-a189340.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan