Đã 65 năm trôi qua nhưng với cựu chiến binh Điện Biên, nhà giáo ưu tú Đỗ Ca Sơn, nhiều ký ức hào hùng nhưng cũng đầy bi tráng về một Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu” vẫn còn vẹn nguyên, mà mỗi khi nhắc tới là trái tim của người lính Điện Biên năm nào luôn nghẹn ngào.
Xem video: Ký ức khó quên của người lính Điện Biên tham gia đánh đồi A1
[presscloud]9616[/presscloud]
38 ngày đêm đánh đồi A1
Nhân dịp kỷ niệm 65 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (1954 – 2019), phóng viên báo điện tử Người Đưa Tin tìm về tư gia của Nhà giáo ưu tú Đỗ Ca Sơn (SN 1932), nguyên giảng viên khoa Tiếng Nga trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội. Ở cái tuổi xưa nay hiếm nhưng nhà giáo ưu tú vẫn rất minh mẫn, khi chúng tôi nhắc về chiến thắng Điện Biên Phủ ông Ca Sơn không giấu nổi nỗi niềm của mình, chưa bao giờ cảm xúc, tình cảm của ông và đồng đội ở chiến trường Điện Biên năm ấy phai mờ.
Nhà giáo ưu tú Đỗ Ca Sơn nhớ về những lần ông cùng đồng đội đánh đồi A1 trong chiến dịch Điện Biên Phủ. |
Năm 17 tuổi, chàng thanh niên Ca Sơn (quê làng Dục Tú, Đông Anh, Hà Nội) như bao thanh niên trai trẻ thời bấy giờ, theo tiếng gọi thiêng liêng của tổ quốc đã lên đường nhập ngũ thuộc Trung đoàn 174. Khi nhận lệnh đến Điện Biên thì Ca Sơn chỉ biết đó là Tây Bắc, cảm nhận khi đặt chân đến xứ của người dân tộc Thái rằng đây là một nơi xa lắc xa lơ, gian khổ vô cùng.
Nhớ lại về những năm tháng cùng đồng đội chiến đấu trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, ông Đỗ Ca Sơn bồi hồi: “Đêm 24/1/1954, chỉ còn vài giờ nữa là chuyển sang ngày Tết ông Công ông Táo, trung đoàn chúng tôi bí mật chiếm lĩnh trận địa, triển khai đội hình đợi giờ nổ súng với phương châm chiến dịch là “đánh nhanh thắng nhanh”. Ý định của Bộ tổng Tư lệnh là ngày 25/1/1954 nổ súng và thời gian chiến dịch sẽ diễn ra trong 3 đêm 2 ngày. Khi nhận lệnh chúng tôi hào hứng vì chẳng ai muốn chiến tranh kéo dài. Thế nhưng, sau khi nổ súng thì thương vong nhiều, một cuộc họp gồm các cán bộ chỉ huy từ Trung đoàn trưởng trở lên do Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp triệu tập, thảo luận phương án tác chiến mới chuyển từ “Đánh nhanh thắng nhanh” sang “Đánh chắc tiến chắc”. Trung đoàn 174 chúng tôi được giao nhiệm vụ mới, trước mắt là làm đường, đào chiến hào và đào giao thông hào suốt ngày đêm”.
Ông Đỗ Ca Sơn cho biết, trung đoàn 174 bắt đầu cầm cuốc xẻng đào giao thông hào. Khởi đầu là Khe Chít, tiếp đến là các cứ điểm ngoại vi dưới chân đồi A1: “Đơn vị của chúng tôi mất 2 tháng trời đào hào để đến đồi A1. Đại đội có 100 người thì được khoán đào 200 mét. Tiểu đoàn có 400 quân thì được khoán 800 mét. Chúng tôi đào hào suốt đêm, xây dựng trận địa. Đầu tiên là đào hầm cá nhân để tránh pháo của địch, tiếp đến là đào hầm nối hầm cá nhân này với hầm cá nhân khác tạo thành những chữ Z nối dài. Tổng cộng trung đoàn 174 đào được 27km đường giao thông hào trục và đường giao thông hào nhánh”.
Ông Ca Sơn chia sẻ với phóng viên về những ký ức đã qua. |
Trong suốt cuộc trò chuyện với phóng viên, khi nhắc về trận đánh đầu tiên trên đồi A1, ông Ca Sơn không thể nào quên được: “Đêm 30/3/1954 là trận đánh đầu tiên trên đồi A1, trận đánh diễn ra suốt đêm từ 30 đến chiều 31/3 nhưng ta chỉ chiếm được nửa quả đồi. Từ ngày 31/3 đến ngày 7/5 thì cứ ta một nửa quả đồi, địch một nửa quả đồi, nhưng khoảng cách thì gần nhau lắm. Cách nhau tầm 50-100m, ta và địch cứ “cò cử” như thế, lấn nhau từng tấc đất, mình quyết tâm chiếm toàn bộ quả đồi, tiêu diệt hoàn toàn còn địch thì quyết tâm giữ. Cứ như vậy, chúng tôi chiến đấu trong suốt 38 ngày đêm”.
Nói đến đây, giọng của cựu người lính Điện Biên năm nào chùng xuống, trong điều kiện chiến tranh gian khổ ác liệt, chiến đấu không ngừng nghỉ ngày nào cũng có đồng chí đồng đội hy sinh, ngày nào cũng có người bị thương, không được ngủ ngon giấc…: “Khổ nhất là không ngủ được, bom đạn suốt ngày, địch ở trước mặt, cứ ngủ là địch tràn sang. Mệt quá chợt thiếp đi là bom đạn ầm ầm lại không ngủ được. Ở thời điểm đó, chiến hào mình đây, chiến hào địch trước mắt, mình ho một tiếng là địch cũng nghe thấy. Địch bắn xối xả vào chỗ có tiếng nói, có tiếng ho. Chưa kể trên đồi không có nước uống”.
Quân đội nhân dân Việt Nam đánh chiếm trung tâm phòng ngự của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ (7/5/1954). Ảnh: Tư liệu. |
Với ông Ca Sơn, những ngày cùng đồng chí, đồng đội chiến đấu trên đồi A1 là những ngày mà ông không thể nào quên được. Ông Sơn nhớ lại: “Vì không có nước nên những anh nuôi tiếp tế từ dưới chân đồi A1 lên theo đường hào, thế nhưng cứ lên được nửa đường là địch bắn, hy sinh rất nhiều. Thấy vậy, các chiến sĩ trên đồi A1 nói qua bộ đàm là không cần mang đồ lên nữa. Thế nhưng, đồng đội dưới chân đồi thương các chiến sĩ trên đồi sẽ chết đói, chết khát nên dù chết cũng phải mang đồ lên tiếp tế, đó là tình cảm đặc biệt của những người lính mà suốt đời tôi không thể nào quên”.
“Chiến thắng rồi, được trở về gặp mẹ rồi”
Suốt 56 ngày đêm “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt, máu trộn bùn non…” ở chiến dịch Điện Biên Phủ, ngày 7/5/1954 chiến dịch toàn thắng. Nhớ lại cảm xúc của mình và đồng đội khi ấy, ông Ca Sơn cho biết khi biết chiến dịch kết thúc ai cũng mệt, thu dọn lại tàn tích chiến tranh, có những người thức trọn 40 tiếng đồng hồ không được chợp mắt thì nay tranh thủ dựa người vào tường hầm chợp mắt, có người nằm luôn dưới chiến hào, còn riêng ông Ca Sơn chui ra khỏi hầm, ông nằm ngửa mặt lên nhìn bầu trời và thốt lên “Chiến thắng rồi, sống rồi, được trở về gặp mẹ và người thân rồi”.
Ông Ca Sơn chỉ bức ảnh ông chụp cùng người thân sau khi trở về từ chiến dịch Điện Biên Phủ. |
Trở về từ cuộc chiến, ông Ca Sơn tiếp tục sự nghiệp là thầy giáo và xây dựng tổ ấm nho nhỏ của mình cùng người vợ cũng là một giáo viên. Hàng năm, cứ mỗi khi đến ngày 7/5 là ký ức về Điện Biên của người lính già lại trào dâng những cảm xúc xúc động khó tả. Cuốn sách Người lính Điện Biên kể chuyện được ông Ca Sơn kể lại những câu chuyện chân thực về chiến dịch Điện Biên Phủ, được nhà báo Kiều Mai Sơn ghi chép lại, ra mắt đúng dịp kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ càng khiến người đọc hiểu hơn về người lính ở Trung đoàn 174.
Trong suốt cuộc trò chuyện, ông Ca Sơn bảo rằng ông không muốn kể về mình nhiều, cũng không muốn đề cao bản thân, bởi cuộc chiến đã diễn ra rất sinh động, đã có nhiều đồng đội của ông nằm xuống. Bản thân ông chỉ muốn kể những mẩu chuyện về người lính đã sống và chiến đấu ra sao trong toàn bộ chiến dịch để giúp mọi người có thể hình dung rõ hơn về trận chiến.
Mỗi khi có dịp kỷ niệm là ông Ca Sơn hồi tưởng lại, nhắc nhớ và mong thế hệ trẻ tiếp bước cha ông. |
“Hơn 60 năm qua, thi thoảng có dịp là tôi lại lên đồi A1 để tưởng nhớ đến những đồng đội cùng chiến đấu đã ngã xuống nơi này. Thậm chí, tôi cũng đưa vợ đến đây, trực tiếp chỉ cho vợ những nơi tôi đã chiến đấu. Mỗi lần đến đây là cảm xúc của tôi vẫn vẹn nguyên như chuyện vừa mới xảy ra, trái tim tôi như thắt lại”, ông Ca Sơn nói giọng nghẹn ngào.
Cùng với đó, ông Ca Sơn cũng thường được mời nói chuyện về chiến dịch Điện Biên cho các thế hệ thanh niên. Trong những cuộc nói chuyện đó, ông Ca Sơn ấn tượng nhất với câu hỏi của một bạn trẻ: “Cháu lên đồi A1 nhưng không tìm thấy bát hương nào để thắp hương cho các liệt sĩ”.
Khi đó, ông Ca Sơn trả lời: “Chưa có bát hương thì cháu có thể cắm nén hương ở bất cứ chỗ nào cháu đứng trên đồi A1, vì diện tích đồi A1 chỉ có khoảng 2000m2, mà lại có tới 2.500 chiến sĩ hi sinh, như vậy cứ 1m2 thì có hơn một liệt sĩ”. Khi ông nói đến đây, nhiều người trẻ bày tỏ sự xúc động.
Mỗi dịp kỷ niệm là miền ký ức của người lính Điện Biên Ca Sơn không thể nào quên quá khứ vừa hùng tráng vừa bi thương. |
Chiến tranh đã lùi xa, chiến dịch Điện Biên Phủ năm nào cũng đã trở thành câu chuyện huyền thoại. Thế nhưng, cứ mỗi dịp kỷ niệm là miền ký ức của người lính Điện Biên Ca Sơn không thể nào quên được. Đồng thời, ông cũng bày tỏ mong muốn mỗi thế hệ trẻ hiểu được quá khứ vừa hùng tráng vừa bi thương, từ đó, tiếp nối những truyền thống vẻ vang của dân tộc.
Hoàng Bích - Tuấn Linh
Người Đưa Tin