+Aa-
    Zalo

    Chiến sự Syria: Thông điệp "rắn mặt" của Nga sau vụ không kích lực lượng do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Nga và Thổ Nhĩ Kỳ từ trước đã được đánh giá là "hai mặt của một đồng xu". Cả 2 quốc gia đều tham gia sâu và có tầm ảnh hưởng tại khu vực chiến sự Syria.

    Nga và Thổ Nhĩ Kỳ từ trước đã được ví như "hai mặt của một đồng xu". Cả 2 quốc gia đều tham gia sâu và có tầm ảnh hưởng tại khu vực chiến sự Syria.

    Nga và Thổ Nhĩ Kỳ thường xuyên tham gia vào tình hình chiến sự tại các khu vực xung đột gay gắt trên thế giới với hy vọng mở rộng sự hiện diện quân sự và phạm vi chính trị của mình.

    Dù Moscow và Ankara đứng ở 2 bên chiến tuyến khác nhau, song hiếm khi 2 quốc gia có động thái gây hấn hay đối đầu trực diện. Bởi vậy, việc Nga mạnh tay không kích nhằm vào những tay súng nổi dậy do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn ở phía Tây Bắc Syria hôm 26/10 đã khiến căng thẳng tại khu vực leo thang.

    Các nhà quan sát cho rằng, cuộc tấn công ở khu vực Jabal al-Dweila, nhằm vào trại huấn luyện quân sự của Failaq al-Sham, một trong những nhóm vũ trang lớn nhất do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn trong khu vực, là một "thông điệp" Điện Kremlin muốn gửi đến Ankara.

    Vụ không kích của Nga nhằm vào phiến quân do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn đã khiến ít nhất 35 người thiệt mạng. Ảnh: AP

    Giám đốc Viện nghiên cứu Trung Đông, ông Charles Lister nhận định: "Đây không phải vụ tấn công của Nga nhằm vào phe đối lập ở Idlib mà chính là đòn đánh trực diện, kèm theo một thông điệp, gửi tới Thổ Nhĩ Kỳ".

    Vụ không kích của Moscow đã gây ra hậu quả tương đối nghiêm trọng, ít nhất 35 tay súng đã bị tiêu diệt và 50 người trong lực lượng do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn bị thương. Ông Lister cho rằng, vấn đề chiến sự tại các khu vực khác mới chính là nguyên nhân Nga tung ra đòn đánh mạnh tay này.

    Được biết, Moscow và Ankara đã đạt được một thỏa thuận ngừng bắn "mong manh" hồi tháng 3 năm nay đối với khu vực xung đột tỉnh Idlib. Tuy nhiên, căng thẳng giữa 2 nước về cơ bản vẫn leo thang do những cuộc giao tranh tại khu vực chiến sự khác trên thế giới. 

    Đáng chú ý nhất là tình hình tại khu vực Caucasus. Trong đó, Ankara từng tuyên bố "ủng hộ tuyệt đối" Azerbaijan trong cuộc xung đột với Armenia về vùng lãnh thổ tranh chấp Nagorno-Karabakh. Còn Moscow - vốn gần với Armenie - đã bày tỏ sự thất vọng sau khi các chiến binh Syria, do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn, tham chiến cùng phe Azerbaijan tại khu vực. 

    Cơ sở được cho là trại huấn luyện của phiến quân tại Idlib, Syria trúng đòn không kích của Nga ngày 26/10. Ảnh: RusVesna.

    Tại Libya, hàng nghìn chiến binh Syria đã được Thổ Nhĩ Kỳ điều động trong năm qua để thay mặt Chính phủ Hiệp ước quốc gia được Liên hợp quốc công nhận ở Tripoli chiến đấu chống lại các lực lượng do Nga hậu thuẫn.

    Còn ở Syria, dù ủng hộ các phe đối lập trong cuộc nội chiến kéo dài hơn 9 năm, song Ankara và Moscow vẫn luôn hợp tác duy trì thỏa thuận ngừng bắn tại khu vực xung đột cuối cùng do phiến quân nắm giữ ở phía Tây Bắc.

    Tuy nhiên, thỏa thuận ngừng bắn ở Idlib vẫn vô cùng "mong manh" bởi các cuộc bắn phá vẫn diễn ra giữa 2 phe.

    Nguyên nhân vụ không kích

    Chuyên gia nghiên cứu vấn đề về Thổ Nhĩ Kỳ Semih Idiz nhận định, Moscow đã căn thời điểm quan trọng để tiến hành vụ không kích vào đúng lúc Ankara đang "tung hoành" ở Trung Đông và Caucasus. 

    Ông Idiz phân tích: "Xung đột Armenia-Azerbaijan là một vấn để nhạy cảm bởi đó là khu vực được Nga coi là sân sau và thuộc phạm vi ảnh hưởng của họ". 

    Ông cho biết một lý do nữa dẫn đến vụ không kích là do Ankara đã không thể giải quyết vấn đề đến từ các nhóm Moscow coi là "cực đoan". 

    Ông chỉ ra, Liên minh Mặt trận Giải phóng Quốc gia do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn bao gồm 11 phe thuộc Quân đội Syria Tự do (FSA). Tuy nhiên, lực lượng này không bao gồm nhóm Hay’et Tahrir al-Sham (HTS), một chi nhánh cũ của tổ chức khủng al-Qaeda, hiện đang kiểm soát phần lớn lãnh thổ Idlib. 

    Phiến quân do Ankara hậu thuẫn cho rằng Moscow liên tục vi phạm thỏa thuận Nga-Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Moscow Times

    Khi thỏa thuận Idlib lớn đầu tiên được Nga và Thổ Nhĩ Kỳ ký vào năm 2017, một điều kiện chính mà Moscow đưa ra là Ankara phải giải thể HTS. Theo đó, Nga thường sử dụng sự hiện diện của Tahrir al-Sham để tấn công vào tỉnh Idlib. Tuy nhiên, đến nay đã 3 năm trôi qua, Ankara vẫn chưa thể loại bỏ nhóm vũ trang này. Ông Idiz cho rằng, nguyên nhân là do Thổ Nhĩ Kỳ không muốn hoặc không thể làm việc này. 

    Ông Idiz phân tích: "Thông điệp mà Nga muốn gửi đến sau cuộc không kích này có thể là thời gian của Thổ Nhĩ Kỳ sắp hết, hoặc có thể đã hết". 

    Bà Dareen Khalifa, một nhà phân tích cấp cao về Syria tại Nhóm Khủng hoảng Quốc tế, cũng đồng tình với nhận định trên của ông Idiz. Theo đó, bà Khalifa nhấn mạnh Moscow sẽ còn dựa vào các nhóm khủng bố để tiếp tục "khai hỏa" tại khu vực Idlib. 

    Bà nói: "Thỏa thuận ngừng bắn này, giống như trước đó, được xây dựng dựa trên mong muốn theo đuổi một số lực lượng nổi dậy mạnh nhất trong khu vực của Thổ Nhĩ Kỳ, bởi vậy sẽ vẫn tồn tại nhiều sai sót".

    Theo đó, bà Khalifa cho rằng, để đạt được một thỏa thuận ngừng bắn thật sự, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ cần giải quyết các vấn đề cấp thiết trong khu vực, cụ thể là việc đối phó với một số nhóm nổi dậy ở Idlib, bao gồm cả HTS.

    Liệu Thổ Nhĩ Kỳ có trả đũa?

    Các cuộc tấn công trước đây của Nga tại Syria thường nhằm vào những tay súng đối lập ở khu vực trọng yếu miền Bắc đất nước. Tại khu vực này, các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ và Nga thường tiến hành các cuộc tuần tra chung như một phần của thỏa thuận đình chiến.

    Tuy nhiên, trong những tháng gần đây, dấu hiệu căng thẳng đã xuất hiện sau khi Moscow và Ankara ngừng các hoạt động tuần tra chung. 

    Ông Idiz nhận xét, thực tế các cuộc tuần tra không thật sự có hiệu quả, chúng chỉ được thực hiện để minh chứng cho "sự hợp tác của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ". 

    Ông phát biểu: "Việc đình chỉ các hoạt động tuần tra cho thấy thỏa thuận ngừng bắn đang dần sụp đổ".

    Dù vậy, nhà phân tích cho rằng, khó có khả năng Ankara sẽ tự mình tiến hành một cuộc tấn công trả đũa Moscow. Trong đó, ông Lister nhận định, dù căng thẳng đang leo thang, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không để mọi việc "đổ sông, đổ bể". Còn theo ý ông Idiz, mục tiêu hiện tại của Ankara có thể là muốn "hạ gục" lực lượng của Tổng thống Syria Bashar al-Assad liên minh với Nga.

    Được biết, hôm 27/10, 1 ngày sau vụ không kích đẫm máu của Nga, lực lượng phe đối lập đã "nã" pháo và đạn vào các đồn chính phủ ở Tây Bắc Syria.

    Ông Lister cũng bày tỏ lo ngại, tình hình hiện tại có thể hiến Syria rơi vào "vòng xoáy" thù địch như trước đây. Ông cho biết, một cuộc tấn công mới, toàn diện sẽ là thảm họa đối với những người dân tại Idlib, vốn đã mệt mỏi với các cuộc giao tranh và hiện đang phải đối mặt với đại dịch COVID-19. 

    Bà Khalifa cảnh báo, chừng nào tương lai của Idlib còn phụ thuộc vào các tính toán của Nga-Thổ Nhĩ Kỳ, thì khu vực này sẽ còn được tận dụng như một "quân bài đánh cược".

    Minh Hạnh(Theo Al Jazeera)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chien-su-syria-thong-diep-ran-mat-cua-nga-sau-vu-khong-kich-luc-luong-do-tho-nhi-ky-hau-thuan-a344166.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan