Báo Tuổi trẻ dẫn nguồn từ hãng tin AFP đưa tin, phát ngôn viên Quân đội Israel Peter Lerner cho biết hệ thống đường hầm nói trên bao quanh quảng trường Palestine ở thành phố Gaza và do các thủ lĩnh Hamas "sử dụng để chỉ đạo hoạt động", trong đó có Ismail Haniyeh, Yahya Sinwar và Mohammed Deif. Các ông Sinwar và Deif là những người bị Israel cáo buộc lên kế hoạch cho cuộc tấn công của Hamas nhắm vào Israel hôm 7/10.
Quân đội Israel cũng chia sẻ đoạn video cho thấy "mạng lưới đường hầm rộng lớn, kết nối các hầm trú ẩn, văn phòng làm việc và nơi ở của các thủ lĩnh cấp cao Hamas". Ông Peter Lerner tiết lộ rằng mạng lưới đường hầm này được phát hiện khi binh sĩ Israel hoạt động trong khu vực trung tâm thành phố Gaza những ngày gần đây.
Hình ảnh mà quân đội Israel cung cấp cho báo giới cho thấy các đường hầm này có cầu thang xoắn ốc và thang máy ở độ sâu 20m dưới mặt đất. Các đường hầm được trang bị hệ thống điện, nước, camera giám sát và cửa chống bom đạn. "Khu phức hợp cả trên và dưới mặt đất này là trung tâm quyền lực của cánh chính trị và quân sự thuộc Hamas" - ông Lerner nói.
Mạng lưới đường hầm mà Israel mới phát hiện ở Dải Gaza. Nguồn: Times of Israel
Theo VnExpress, Israel tuyên bố hệ thống đường hầm kết nối Quảng trường Palestine với hai bệnh viện Rantisi và Al-Shifa. Lực lượng Israel giữa tháng trước đột kích bệnh viện Al-Shifa và cáo buộc Hamas đặt trung tâm chỉ huy bên dưới địa điểm này. Hamas và giới chức bệnh viện Al-Shifa bác bỏ cáo buộc.
Israel cũng nhiều lần tuyên bố phát hiện các hệ thống đường hầm do Hamas sử dụng ở Dải Gaza. Quân đội nước này cuối tuần trước công bố hình ảnh về đường hầm lớn nhất của Hamas ở dải đất, được thiết kế để dẫn xe chở các tay súng tới thẳng cửa khẩu biên giới Erez với Israel.
Xung đột Israel - Hamas nổ ra từ ngày 7/10 sau khi Hamas bất ngờ bắn hơn 2.000 quả tên lửa về phía Israel và bắt giữ hàng loạt con tin đưa về Gaza. Hamas mô tả cuộc tấn công của họ là phản ứng trước những hành động của Israel nhằm vào Nhà thờ Hồi giáo Al-Aqsa trên Núi Đền ở Thành phố cổ Jerusalem.
Không lâu sau đó, quân đội Israel tuyên bố bao vây Dải Gaza, tạm ngừng nguồn cung điện, nước cho vùng lãnh thổ hơn 2 triệu dân này. Israel cũng triển khai chiến dịch không kích lớn chưa từng có nhằm vào các mục tiêu của Hamas.
Giao tranh đến nay đã kéo dài hơn hai tháng nhưng chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Phá hủy hoặc vô hiệu hóa hàng trăm km đường hầm và hầm trú ẩn của lực lượng Hamas là một trong những mục tiêu của chiến dịch tấn công của Israel tại Gaza.
Đầu tháng này, quân đội Israel từng cho biết họ đã phát hiện hơn 800 đường hầm trong đó 500 đường hầm bị phá hủy. Giới truyền thông tuần trước cũng từng đưa tin rằng Israel đang cân nhắc làm ngập những đường hầm bằng nước biển được bơm từ Địa Trung Hải và đã tiến hành các cuộc thử nghiệm thành công.
Trong khi đó, Hamas khẳng định hệ thống đường hầm ở Gaza có khả năng chống lại kịch bản ngập lụt. Các đường hầm cũng là một thách thức đối với các kỹ sư Israel vì lo ngại rằ
Phương Uyên(T/h)