+Aa-
    Zalo

    Chiến lược kinh doanh linh hoạt và quản trị rủi ro chặt chẽ trong dịch Covid, VPBank được Moody’s nâng hạng triển vọng tín nhiệm

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Báo cáo đánh giá mới đây của tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody’s Investors Service (Moody’s) đã giữ nguyên xếp hạng nhà phát hành và tiền gửi nội-ngoại tệ...

    Báo cáo đánh giá mới đây của tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody’s Investors Service (Moody’s) đã giữ nguyên xếp hạng nhà phát hành và tiền gửi nội-ngoại tệ dài hạn của VPBank ở mức B1 và nâng hạng triển vọng từ “ổn định” lên “tích cực”. 

    Việc nâng hạng này thể hiện Moody’s đặt lòng tin vào khả năng điều chỉnh linh hoạt chiến lược tăng trưởng cũng như việc cải tiến liên tục hệ thống quản trị rủi ro của VPBank trong tình hình dịch bệnh Covid diễn biến phức tạp suốt cả năm qua. Moody’s cũng đánh giá cao mức tăng trưởng tín dụng, kết quả lợi nhuận và tiềm lực vốn tốt của VPBank trong năm 2020.

    Trong điều kiện nền kinh tế trong nước chịu tác động lớn từ dịch bệnh và kinh tế thế giới, Moody’s đánh giá cao năng lực lãnh đạo của Chính phủ Việt Nam thông qua việc đã nâng triển vọng của quốc gia lên 2 bậc – việc chưa từng có tiền lệ - nhờ dấu hiệu khởi sắc về sức mạnh tài khóa và tiềm năng cải thiện sức mạnh kinh tế. Moody’s cũng đặc biệt đánh giá cao Chính phủ  trong việc hỗ trợ các ngân hàng vượt qua khó khăn, điều này cũng phần nào giúp Moody’s có cái nhìn tích cực hơn trong việc đánh giá triển vọng các ngân hàng.

    Bên cạnh đó, kết quả tăng trưởng kinh doanh đạt tốt cùng với việc sở hữu một hệ thống quản trị rủi ro tiên tiến nhất hiện nay đã giúp VPBank “lên điểm” trong mắt các tổ chức xếp hạng uy tín trên thế giới, minh chứng là giá trị thương hiệu của ngân hàng đã tăng 37 bậc, đạt mức 502 triệu đô-la, lọt vào top 250 ngân hàng lớn nhất toàn cầu ngay trong năm 2020.

    Về kết quả kinh doanh, cuối 2020, tăng trưởng tín dụng hợp nhất của VPBank đạt 19,0% so với cuối năm trước, trong đó ngân hàng riêng lẻ đạt 21,8%, ở mức cao so với trung bình ngành (12,13%). Nợ xấu được kiểm soát tốt,với mức hợp nhất (theo Thông tư 02) vẫn duy trì ở mức dưới 3%, đạt 2,9% tại cuối năm 2020; trong đó tại ngân hàng riêng lẻ nợ xấu xuống dưới 2%.

    Doanh thu (TOI) hợp nhất cả năm 2020 của VPBank đạt hơn 39 nghìn tỷ, tăng trưởng 7,4%; giữ vững vị trí số 1 về doanh thu trong khối các ngân hàng cổ phần. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2020 đạt hơn 13 nghìn tỷ đồng, hoàn thành 127,5% kế hoạch đề ra đầu năm, tăng trưởng 26,1% so với năm 2019; trong đó, lợi nhuận tại ngân hàng riêng lẻ đóng góp tới 71% vào lợi nhuận hợp nhất. Tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) và tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA) hợp nhất vẫn nằm trong nhóm hiệu quả hàng đầu thị trường, lần lượt đạt mức 22,0% và 2,6%.

    Các tỷ lệ an toàn của VPBank tiếp tục được duy trì ở mức tốt, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của ngân hàng hợp nhất đạt gần 12% theo tiêu chuẩn Basel II, cao hơn mức quy định tối thiểu 8%. Việc kiểm soát tối đa chi phí kết hợp với áp dụng số hóa đã giúp chi phí hoạt động hợp nhất được kiểm soát giảm 7,7% so với 2019. Tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) hợp nhất giảm mạnh còn 29,2% so với 33,9% cuối 2019, mức thấp nhất trong hệ thống các NHTM Việt Nam.

    Với hệ thống quản trị rủi ro được xây dựng bài bản từ rất sớm và liên tục cập nhật để thích ứng với từng thời kỳ, VPBank được tạp chí The Asian Banker bình chọn và trao giải thưởng quốc tế “Quản trị rủi ro thanh khoản tốt nhất” (The Achievement in Liquidity Risk Management), đưa VPBank lần đầu tiên sánh ngang với các tổ chức tín dụng lớn hàng đầu khu vực Châu Á trong lĩnh vực quản trị rủi ro.

    The Asian Banker đánh giá, hệ thống quản trị rủi ro thanh khoản của VPBank hoạt động hiệu quả và đảm bảo an toàn cho ngân hàng, giúp lành mạnh hóa cấu trúc bảng cân đối, giám sát trạng thái rủi ro thanh khoản và đa dạng hóa khả năng huy động vốn trên thị trường. VPBank cũng đã hoàn thành tuân thủ sớm Basel II trước gần 1 năm so với yêu cầu của NHNN và đang từng bước thực hiện mục tiêu tiếp cận những chuẩn mực quản trị rủi ro quốc tế toàn diện hơn, bao gồm Basel II IRB (Hệ thống xếp hạng nội bộ), chuẩn mực kế toán quốc tế IFRS 9 và Basel III để nâng cao năng lực quản trị rủi ro nội bộ, sẵn sàng tuân thủ các yêu cầu của NHNN trong tương lai, đồng thời khẳng định vị thế là một trong những ngân hàng quản trị rủi ro hàng đầu Việt Nam.

    Năm 2020 cũng là năm thứ hai liên tiếp VPBank được Sở giao dịch chứng khoán TP HCM (HOSE) bình chọn là Top 20 công ty có cổ phiếu nằm trong danh mục chỉ số Phát triển bền vững (VNSI) cao nhất thị trường. Kết quả này đã phản ánh chính xác những nỗ lực của VPBank trong thời gian qua khi tích cực lồng ghép tính bền vững vào chiến lược và tầm nhìn dài hạn của ngân hàng. VPBank cũng là một trong những ngân hàng thương mại đầu tiên xây dựng bộ phận chuyên trách quản lý rủi ro môi trường và xã hội. Ban lãnh đạo ngân hàng xác định sẽ tiếp tục nâng cao kết quả đánh giá PTBV thông qua đầu tư nguồn lực nâng cao năng lực quản trị, từng bước tiệm cận các thông lệ tiêu chuẩn quốc tế.

    Với kết quả tăng trưởng bền vững nhiều năm liên tiếp và thường xuyên linh hoạt điều chỉnh hướng đi nhằm đạt hiệu quả kinh doanh cao nhất, việc các tổ chức quốc tế lớn như Moody’s đưa ra những đánh giá tích cực cho VPBank là ghi nhận xứng đáng cho nỗ lực không ngừng của cả một tập thể luôn muốn giữ vững vị trí ngân hàng cổ phần top đầu của thị trường.

    Thu Hà

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chien-luoc-kinh-doanh-linh-hoat-va-quan-tri-rui-ro-chat-che-trong-dich-covid-vpbank-duoc-moodys-nang-hang-trien-vong-tin-nhiem-a361028.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan