+Aa-
    Zalo

    “Chiến lược Goldilocks” của Mỹ tại Trung Đông

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Nhà Trắng xác nhận Mỹ đã quyết định điều một nhóm gồm khoảng gần 50 binh sĩ tới Syria, đánh dấu lần đầu tiên kể từ khi bùng phát cuộc nội chiến.

    Nhà Trắng xác nhận Mỹ đã quyết định điều một nhóm gồm khoảng gần 50 binh sĩ tới Syria, đánh dấu lần đầu tiên kể từ khi bùng phát cuộc nội chiến có sự hiện diện thường trực của binh lính Mỹ tại quốc gia này.

    Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ dự lễ truy điệu binh sĩ Mỹ đâu tiên thiệt mạng trong cuộc chiến chống IS.

    Đây là bước chuyển quan trọng trong chính sách của Mỹ đối với điểm nóng này, với mục đích chính, theo Washington, là đối phó với Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Iraq và Syria. Cùng với sự leo thang quan trọng này tại Syria, Mỹ cũng có ý định triển khai tại Iraq một lực lượng ở quy mô lữ đoàn đảm trách nhiệm vụ cố vấn cho quân đội Iraq trên chiến trường.

    Cùng với việc hôm 15/10, sau nhiều tháng bàn bạc với Kabul Mỹ quyết định chính thức hoãn rút quân khỏi Afghanistan, giới phân tích băn khoăn liệu có phải Mỹ đang muốn theo đuổi chính sách tái can dự trực tiếp vào các điểm nóng, đi ngược với chủ trương lâu nay của chính quyền Tổng thống Barack Obama? Liệu trong thời gian tới sẽ chứng kiến sự leo thang các hoạt động quân sự của Mỹ ở Iraq, Afghanistan như cách mà chính quyền Tổng thống Bush từng làm?

    Có lẽ sẽ không nhanh như vậy. Những ai nghĩ rằng Mỹ sẽ theo đuổi chính sách ồ ạt đổ quân vào các chiến trường trên cần phải suy nghĩ thấu đáo, bởi những gì chúng ta đang thấy là một phần của cuộc chiến mà chính quyền Obama phải vật lộn trong nhiều năm gần đây. Đó là nỗ lực tìm kiếm sự cân bằng giữa việc đổ hàng nghìn bộ binh Mỹ, thực thi một vùng cấm bay với việc rút chân khỏi những vũng lầy này.

    Động thái trên của Mỹ trước mắt có thể giúp tăng cường cho lực lượng bộ binh Iraq, đặc biệt trong việc giành lại Ramadi, thành trì của IS tại Iraq hoặc gây áp lực lên thủ phủ Raqqa của chúng ở Syria. Tuy nhiên, không có nhiều dấu hiệu cho thấy động thái này của Mỹ sẽ làm thay đổi đáng kể cán cân lực lượng trên chiến trường. Trái lại, nhiều người Mỹ lo ngại rằng binh lính của họ sẽ bị IS giết hoặc bắt giữ.

    Vậy lý do thực sự khiến Washington quyết định đi nước cờ này là gì? Câu trả lời đó là: sự hiệu quả của chiến dịch không kích IS do Nga tiến hành khiến người ta đặt dấu hỏi về hàng tỷ đô la Mỹ đã tiêu tốn tiêu tốn để diệt IS. Theo chuyên gia Micah Zenko viết trên tờ Chính sách đối ngoại, IS “vẫn duy trì được nguyên vẹn khả năng chiến đấu như chúng từng có 14 tháng trước bất chấp Mỹ và đồng minh đã tiến hành hơn 7.500 lượt không kích nhắm vào IS. Điều này chắc chắn khiến người ta đặt dấu hỏi về mức độ hiệu quả của hoạt động quân sự” của liên minh này.

    Ngoài ra, cuộc khủng hoảng người di cư, xuất phát chủ yếu từ Syria – đang trở thành thảm họa đối với châu Âu, càng cho thấy sự bất lực của Mỹ trong việc hạ nhiệt điểm nóng này. Điều đó đi ngược hẳn với những gì mà Nga, Iran và đồng minh Hezbollah đang thể hiện trên thực địa.

    Với nguồn lực và những mối bận tâm hiện nay của Mỹ, dường như chính quyền Washington không sẵn sàng để đầu tư nguồn lực cần thiết để đánh bại IS, thay thế chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad. Với lại Mỹ cũng đã có đủ kinh nghiệm “đau thương” về những khoản đầu tư hàng nghìn tỷ USD vào chiến trường Iraq và Afghanistan.

    Công chúng và Quốc hội Mỹ đã quá mệt mỏi với hai cuộc chiến dai dẳng mà kết quả không hề khả quan chút nào tại hai quốc gia này dưới thời Tổng thống Bush. Và họ cần ngọn gió “thay đổi” mà ông Obama đã cam kết trong chiến dịch tranh cử của mình.

    Do đó, có thể hiểu rằng Tổng thống Obama đang chơi một chiến lược tạm gọi là “Goldilocks” tại Syria, Iraq và cả Afghanistan. Các hành động quân sự có thể làm thay đổi cán cân trên chiến trường như triển khai hàng nghìn bộ binh, tấn công các mục tiêu của chế độ Damascus, thiết lập vung cấm bay… đem lại quá nhiều nguy cơ cho nước Mỹ. Còn những bước đi quá thận trọng lại khiến Mỹ không thực sự thay đổi được cục diện.

    Nói tóm lại, Mỹ đang bị mắc kẹt. Họ không thể thay đổi được tình hình hiện nay tại Iraq và Syria song cũng không thể rời đi. Có thể nói “Goldilocks” thực ra không hẳn là một chiến lược, nhưng lại là sự lựa chọn tốt nhất với Mỹ hiện nay.

    Thuật ngữ “Goldilocks” xuất phát từ một câu chuyện kể rằng có cô bé tên là Goldilocks bị lạc trong rừng. Cô đi mãi và cuối cùng đến một ngôi nhà nhỏ của gia đình gấu gồm gấu bố, gấu mẹ và gấu con.

    Khi vào trong nhà Goldilocks nhìn thấy ba chiếc ghế, nhưng chiếc thứ nhất quá cao, chiếc thứ hai thì quá rộng, chỉ có chiếc thứ ba là vừa vặn. Cô ngồi lên chiếc ghế thứ ba.

    Cô bé lại nhìn thấy ba đĩa súp ở trên bàn, đĩa thứ nhất quá nóng, đĩa thứ hai quá nguội, đĩa thứ ba rất vừa. Cô bé ăn đĩa súp thứ ba.

    Cô bé đi lên thang gác và nhìn thấy ba chiếc giường. Chiếc thứ nhất dài quá. Chiếc thứ hai thì rộng quá. Chỉ có chiếc thứ ba là vừa vặn. Cô bé leo lên chiếc giường thứ ba và ngủ ngon lành.

    Thuật ngữ này được sử dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Như trong thiên văn học, người ta dùng từ Goldilocks để chỉ khu vực có thể sống được (HZ) hay vùng ở được ở các hành tinh.

    Trong kinh tế, một nền kinh tế gọi là Goldilocks khi nó tăng trưởng không quá nóng để gây ra lạm phát, cũng như không quá nguội để có thể gây ra một cuộc suy thoái.

    Theo TTXVN

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chien-luoc-goldilocks-cua-my-tai-trung-dong-a118062.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.