Ban đầu, giới chức Mỹ chọn phương án dội bom khu nhà mà trùm khủng bố lẩn trốn nhưng cuối cùng họ chọn phương án hành động kiểu biệt kích và tiêu diệt y bằng một phát đạn vào đầu.
Đêm 1/5/2011, một buổi đêm không sao tại vùng ngoại ô thành phố Abootabad, Pakistan. Trong khu nhà nằm biệt lập trên một khoảng đất trống, cách căn cứ không quân của Mỹ khoảng 250 km, một phụ nữ người Yemen đang ở cùng chồng và con gái trong phòng ngủ tại tầng hai. Những âm thanh bên ngoài tựa như tiếng sấm chớp báo hiệu một cơn bão sắp đến. Người phụ nữ 29 tuổi này không hề biết rằng, sau đó ít phút, cuộc đời cô sẽ hoàn toàn thay đổi.
Lập kế hoạch
|
Người vợ trẻ của trùm khủng bố bin Laden đã từng nhầm tiếng trực thăng tới tập kích khu nhà mà họ đang lẩn trốn là tiếng sấm chớp báo hiệu của một cơn mưa. |
Sau một thời gian dài thu thập các tin tức tình báo, cuối năm 2010, vị trí nơi ở của trùm khủng bố Osama bin Laden dần được hé lộ. Ban đầu, giới chức Mỹ định chọn phương án dội bom khu nhà bằng máy bay tàng hình B-2 Spirit. Tuy nhiên, phương án này lại tồn tại quá nhiều nhược điểm như khả năng lộ thông tin lớn, có thể gây thương vong dân sự cao và sự tồn tại một đường hầm bên dưới khu nhà là có thể. Vì vậy, họ đã đề ra một phương án khác khả thi hơn. Đó là phương án hành động kiểu biệt kích.
Phương pháp hành động kiểu biệt kích cũng chứa nhiều rủi ro, trong đó phải kể đến việc chuẩn bị kéo dài dễ làm cho thông tin bị rò rỉ, gây khó khăn và nguy hiểm cho những người tham gia hành động hay tạo cơ hội cho bin Laden có thể ẩn nấp kín hơn.
Tháng 1/2011, Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đã báo cáo về tình hình nơi trú ẩn của Osama bin Laden với Phó đô đốc William H. McRaven, chỉ huy Bộ Tư lệnh Hành quân Đặc biệt Hỗn hợp Mỹ (JSOC). McRaven cho biết, để tổ chức một cuộc biệt kích thì không có vấn đề nhưng ông e ngại về phản ứng của Pakistan. Vì vậy, ông đã chỉ thị một đội trưởng của Nhóm Triển khai Chiến tranh Đặc biệt Hải quân Mỹ (Navy SEAL) tới làm việc với CIA nhằm triển khai kế hoạch tấn công.
Những người lập kế hoạch tin rằng, Navy SEAL có thể tới vùng ngoại ô thành phố Abbottabad và trở về Mỹ mà không gặp nhiều thách thức. Loại trực thăng tham gia chiến dịch được thiết kế với khả năng tạo ít tiếng ồn và không bị phát hiện bởi rada.
Theo kế hoạch, nếu bin Laden đầu hàng, hắn sẽ bị giữ tại Căn cứ Quân sự Bagram (Afghanistan). Nếu nhóm SEAL bị chính quyền Pakistan phát hiện, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, Đô đốc Mike Mullen, sẽ liên lạc với Tổng tư lệnh quân đội Pakistan, Ashfaq Parvez Kayani, để thương lượng việc thả người.
Sau cuộc họp an ninh quốc gia vào ngày 22/3, các thành viên của Navy SEAL bắt đầu tham gia vào các đợt huấn luyện cơ bản tại các cơ sở ở Mỹ và đợt huấn luyện nâng cao tại Trại Alpha, một khu vực hạn chế thuộc Căn cứ quân sự Bagram, nơi trường huấn luyện được xây dựng giống với khu nhà mà trùm khủng bố đang ẩn náu. Mục đích của đợt huấn luyện được giữ kín.
Hôm 29/4/2011, Tổng thống Obama nhóm họp cùng các quan chức cấp cao và cố vấn an ninh quốc gia ở Phòng Lễ tân Ngoại giao. Tại đây, họ đã quyết định tiến hành cuộc đột kích vào khu nhà tại vùng ngoại ô thành phố Abbottabad và không thông báo với chính phủ Pakistan. Thời gian của cuộc tập kích trong dự kiến đã bị lùi lại vì lí do thời tiết.
Ngày 1/5/2011, kế hoạch bắt đầu được triển khai. Tại Mỹ, Tổng thống Obama cùng các quan chức cấp cao ngồi tại Nhà Trắng và theo dõi toàn bộ chiến dịch thông qua một màn hình.
Xem Video:
Clip mô phỏng cảnh kết liễu trùm khủng bố Osama bin Laden
Từng bước tiếp cận
|
Tổng thống Obama cùng các cố vấn cao cấp ngồi tại Nhà Trắng và theo dõi toàn bộ chiến dịch bắt hoặc tiêu diệt bin Laden thông qua một màn hình. |
Theo The New York Times, khoảng 79 người và một chú chó nghiệp vụ đã trực tiếp tham gia vào chiến dịch. Chú chó được giao nhiệm vụ theo dõi bất cứ kẻ nào cố gắng trốn thoát, tìm kiếm các gian phòng bí mật trong khu nhà, cảnh báo và ngăn chặn lực lượng an ninh của Pakistan tiếp cận với SEAL. Những thành viên trong đội SEAL được trang bị những vũ khí và thiết bị tối tân nhất sẽ xông vào bên trong. Những thành viên khác trong chiến dịch, như thông dịch viên, người quản lý chó, phi công trực thăng,... đóng vai trò hỗ trợ.
Trong đêm tối, 6 chiếc trực thăng đưa 79 con người, chia làm 3 nhóm, rời khỏi một căn cứ quân sự của Mỹ tại khu vực Jalalabad (Afghanistan) tiến về phía các khu vực đã định. Những chiếc trực thăng này lợi dụng địa hình đồi núi và sử dụng những kỹ thuật bay đặc biệt nhằm tiếp cận mục tiêu mà không bị radar phát hiện.
Nhóm thứ nhất gồm hai trực thăng loại Chinook MH-47 chở 24 thành viên SEAL đỗ xuống khu vực gần sông Indus, cách mục tiêu 10 phút bay. Nhiệm vụ của họ là ngăn chặn bất kỳ sự can thiệp nào của Pakistan vào cuộc tấn công. Nhóm thứ hai gồm hai trực thăng loại Chinook MH-47 chở 25 thành viên SEAL tới khu vực biên giới giữa Afghanistan và Pakistan. Nhiệm vụ của họ là sẵn sàng tiếp viện khi cần thiết. Nhóm cuối cùng gồm hai trực thăng Black Hawk MH-60 đưa những người còn lại tiếp cận nơi ở của bin Laden và bắt hắn.
Theo kế hoạch ban đầu, chiếc Black Hawk MH-60 đầu tiên sẽ tiến tới sân của khu nhà. Các thành viên SEAL nhanh chóng leo xuống đất và xông vào tòa nhà chính từ tầng trệt. Trong khi đó, chiếc Black Hawk MH-60 thứ hai sẽ tiếp cận khu nhà từ phía đông bắc. Thông dịch viên, chó nghiệp vụ và người quản lý chó dưới sự bảo vệ của 4 thành viên SEAL khác tiến từ từ tiến vào căn nhà.
Tuy nhiên, sau khi các biệt kích SEAL tiếp đất, một trong hai chiếc trực thăng bị mất kiểm soát và đâm vào một bức tường của khu nhà.
Cuộc chạm trán và những giây phút cuối cùng trong đời của trùm khủng bố
|
Một tốp lính biệt kích SEAL tiếp cận với nhà chính. |
Vài phút sau khi tiếp đất, những thành viên trong nhóm bắt đầu chia thành những tốp nhỏ, lần lượt phá cửa, áp sát và tiến vào bên trong nhà chính. Tại đây, họ gặp phải sự kháng cự quyết liệt của những người sống trong khu nhà.
Abu Ahmed al-Kuwaiti, người chuyển phát nhanh của bin Laden, là kẻ đầu tiên bị bắn chết trong cuộc tập kích. Hắn sống trong nhà khách của khu nhà cùng vợ và 4 người con. Đêm đó, hắn đã đứng sau cánh cửa nhà khách và dùng khẩu AK-47 bắn xả vào "những vị khách không mời".
Khi nhóm biệt kích tiếp tục thận trọng vượt qua sân và tiến lại gần nhà chính, một cuộc đọ súng khác đã xảy ra. Abrar, em trai của Abu đã bị bắn chết bên cạnh vợ của y, Bushra.
Sau khi tiến vào bên trong tòa nhà và leo lên cầu thang, người Mỹ tiếp tục chạm trán với Khalid, con trai của bin Laden. Tại đây, ít nhất hai thành viên SEAL đã bị thương và người con trai 23 tuổi của bin Laden thiệt mạng.
Vượt qua các rào cản, các quân nhân Mỹ nhanh chóng tìm ra trùm khủng bố. Trong những phút cuối cùng của chiến dịch, Osama bin Laden bị giết bởi một phát đạn vào đầu. Amal Ahmad Abdul Fattah al-Sadah, vợ của bin Laden, và cô con gái 12 tuổi đã tận mắt chứng kiến cảnh trùm khủng bố bị bắn chết.
Xác bin Laden bị đưa khỏi khu nhà tới tàu sân bay USS Carl Vinson đang hoạt động trên biển Arab để giám định. Kết quả xét nghiệm ADN xác nhận người bị giết là trùm khủng bố. Quân đội Mỹ thủy táng hắn trong 24 giờ theo quy định của người Hồi giáo. Tổng thống Mỹ Barack Obama quyết định không công bố ảnh thi thể vì lý do nhân đạo.
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chien-dich-ha-guc-trum-khung-bo-so-1-the-gioi-a68098.html