+Aa-
    Zalo

    Chiêm ngưỡng cây dã hương nghìn năm tuổi, "thần mộc" độc nhất vô nhị ở Bắc Giang

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Cây dã hương tại thôn Giữa (xã Tiên Lục, Lạng Giang, Bắc Giang) cao 36m, chu vi thân nơi to nhất đo được 17,04m.

    Cây dã hương tại thôn Giữa (xã Tiên Lục, Lạng Giang, Bắc Giang) cao 36m, chu vi thân nơi to nhất đo được 17,04m. Trên thế giới chỉ có 2 cây như vậy, đó là cây dã hương Tiên Lục và một cây dã hương ở châu Phi. Hiện tại cây ở châu Phi đã chết.

    Cây dã hương thuộc dòng họ long não, là loại cây quý hiếm, có thể sống hàng nghìn năm. Xưa trường Viễn Đông Bác Cổ xếp cây vào loại hiếm có ở miền Bắc, cần được giữ gìn và bảo vệ nghiêm ngặt. Cây được xếp hạng di tích Quốc gia vào năm 1989. Năm 2012 cây được công nhận là Cây di sản Việt Nam.

    Cây có hoa nhỏ màu vàng nhạt, nở vào cuối mùa Xuân. Nhựa cây có chứa tinh dầu, có mùi hương rất thơm và đặc trưng. Gỗ của cây có thể làm được hương trầm, loại hương rất thơm và quý. Đặc biệt cây có chứa chất safrol, thành phần có giá trị trong chế biến thực phẩm và mỹ phẩm.

    Nếu cây dã hương có một cành nào đó già khô rơi xuống nhường lại cho những cành mới vươn lên đều báo hiệu một sự chuyển biến lớn của đất nước. Như năm 1945, cành dã hương lớn phía Đông Bắc gãy là lúc Cách mạng tháng Tám thành công. Năm 1954, cành phía Tây gãy là năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Năm 1964 cành phía Nam gãy gắn với sự kiện Vịnh Bắc Bộ chiến tranh mở rộng ra miền Bắc. Năm 1975 cành phía Tây gãy gắn với sự kiện giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Năm 1984 cành phía Tây Bắc gãy gắn với sự kiện “khoán 10” và cành ở đỉnh ngọn phía Nam gãy vào chiều 22/10/2006, thì 16 ngày sau Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới.

    Hiện tại xung quanh cây có 4 cột chống vào các vị trí xung yếu. Những chiếc cột này làm bằng bê tông và được định hình sơn bả giống như những thân cây để bảo đảm hài hòa cho không gian.

    Cây không chỉ là nét đẹp của cảnh quan môi trường, cảnh quan thiên nhiên mà còn là nét đẹp văn hóa, biểu tượng rất đỗi mộc mạc, thân thiết, linh thiêng trong không gian văn hóa của vùng đồng bằng Bắc Bộ nói riêng và văn hóa Việt Nam nói chung.

    Hàng ngày cây vẫn đón nhiều lượt khách tham quan. Đến đây du khách không chỉ được ngắm nhìn dáng vẻ cao lớn kỳ vĩ của cây cổ thụ mà còn có dịp được nghe những giai thoại xung quanh cây di sản này và tìm hiểu nét văn hóa, tâm linh đặc sắc của người dân quê Bắc Bộ.

    Việt Hương (T/h)

    Ảnh: Dân Trí, Infonet

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chiem-nguong-cay-da-huong-nghin-nam-tuoi-than-moc-doc-nhat-vo-nhi-o-bac-giang-a352169.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan