(ĐSPL)- Cuộc đời ông được viết thành sách. Dấu chân ông trải dài khắp mọi miền Tổ quốc, máu xương thấm đẫm trên đất bạn Lào. Giấy báo tử đã in tên ông. Thế nhưng, ông vẫn sống, sống bằng khát vọng non sông thống nhất, sống bằng một ý chí mãnh liệt của một người lính kiên trung, bằng trái tim nhân hậu của một người già làng Ê Đê... Ông chính là người lính bộ đội cụ Hồ mang tên Ama Trang...
Lễ truy điệu sống tại chân núi Chúa - Bà Nà
Già Ama Trang (Ama theo tiếng Ê Đê có nghĩa là cha, Trang là tên con gái đầu của ông- PV) tên thật là Phạm Thành Hân (SN 1928 tại xã Điện Nam, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam). 17 tuổi, theo tiếng gọi của Tổ quốc, chàng thanh niên trẻ tình nguyện viết đơn lên đường tòng quân. Không lâu sau, ông được đứng vào hàng ngũ bộ đội cụ Hồ, được phân công chiến đấu tại chiến trường Tây Nguyên. Trực tiếp tham gia chiến đấu tại các cứ điểm lửa trên tuyến đường 19 Gia Lai – Bàu Cạn, đèo An Khê...
Đến năm 1948, ông trở về mặt trận Quảng Nam – Đà Nẵng chiến đấu. Tại đây, ông tham gia các trận kịch chiến giữa bộ đội chủ lực và giặc Pháp ở Túy Loan, Gò Cà, tuyến đường 14, đèo Hải Vân... Ngày 28/12/1949, ông là quyết tử quân của Đại đội 10 quyết tử. Sau lễ truy điệu sống tại chân núi Chúa - Bà Nà, đại đội của ông di chuyển xuống chân núi Phước Tường chờ đêm tối tấn công vào nội thành Đà Nẵng. Đêm 29 Tết, toàn đại đội quyết tử quân tấn công vào trung tâm nội thành, đột nhập vào Thành đội đánh trực tiếp bằng súng và lựu đạn, tiêu diệt trên 50 tên giặc Pháp và lính lê dương.
Già Ama Trang khi còn chiến đấu tại Tây Nguyên. |
Sau cuộc tập kích bất ngờ, giặc ổn định lại đội hình và phản công, ông Hân và 15 đồng chí rút quân khỏi căn cứ địch. Ông được một người dẫn chạy nấp ở một hố ga. Đổi trang phục quyết tử quân bằng bộ bà ba, ông được đưa lên núi, trở lại đơn vị và được kết nạp Đảng.
Sau đó, tình hình chiến sự ngày một ác liệt và leo thang trên toàn Đông Dương, ông cùng đơn vị nhận được lệnh điều động chi viện cho nước bạn Lào anh em. Chiến đấu tại chiến trường hạ Lào, trong một trận kịch chiến với địch, ông bị thương nặng, được chuyển về Khu 5 để chữa trị (cuối năm 1953, đầu 1954).
Trong thời gian điều trị tại Quảng Ngãi, ông gặp cô y tá người Hà Nội Nguyễn Thị Hoa. Hai con người, kẻ Trung người Bắc chưa một lần gặp gỡ, như định mệnh họ yêu nhau từ cái nhìn đầu tiên. Cuối năm 1954, ông và bà Hoa nên duyên vợ chồng rồi cả hai tập kết ra Bắc. Ông bà có một người con gái tên là Phạm Thị Thanh Trang hai năm sau đó. Chiến tranh ác liệt, già Ama Trang quay lại miền Nam chiến đấu cùng lời hẹn thề ngày đoàn tụ.
Cuối năm 1958, ông Hân trở lại chiến trường Tây Nguyên lần thứ hai, chính bản thân ông cũng không nghĩ mình lại gắn bó với mảnh đất này lâu đến thế. Ở đây ông cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc với bà con đồng bào Ê Đê. Ông dạy chữ cho tụi trẻ nhỏ, dạy dân cách trồng trọt, đồng thời ông cũng là một tay đi săn cự phách khiến cho đám trai tráng trong làng ai cũng nể phục. Ông cùng đồng bào nhiều lần khoét sâu sau lưng địch, phục kích khiến cho địch hoang mang lo sợ mỗi khi xâm nhập vào vùng đất của người Ê Đê.
Dân bản trìu mến gọi ông bằng cái tên già Ama Trang. 10 năm gắn bó với Tây Nguyên, ông Hân lần lượt kinh qua nhiều chức vụ quan trọng, từ cán bộ tổ chức Tỉnh ủy Đắk Lắk, Bí thư Huyện ủy huyện Nam Sông Ba (Đắk Lắk)... Thương người đồng chí, đồng đội cắm chốt cùng dân bản, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk lúc đó là đồng chí Mười Nguyên, mới đem chiếc đài radio duy nhất của mình tặng lại cho già Ama Trang. Chính ông Hân cũng không ngờ được rằng chính chiếc radio này lại có lúc cứu mạng ông.
Thoát chết kỳ diệu nhờ radio
Gần 50 năm trôi qua, nhưng trong ký ức của già Ama Trang vẫn nhớ như in những giây phút định mệnh. Già Ama Trang kể: “Mồng Một Tết năm 1964, giữa lúc các đơn vị binh vận đóng trên địa bàn đang họp thì địch càn tới. Với sự hỗ trợ của trực thăng, địch nhanh chóng tràn vào chiếm giữ các vị trí trọng yếu, xả đạn như mưa.
Các đồng chí trong đơn vị anh dũng chiến đấu, nhưng tương quan lực lượng quá chênh lệch, nhiều đồng chí lần lượt ngã xuống, đơn vị nhận được lệnh rút lui. Tuy nhiên, nhiều tài liệu quan trọng vẫn đang để trên bàn họp, nếu rơi vào tay địch thì sẽ gây tổn thất nặng nề cho bộ đội ta.
Già Ama Trang kiêu hùng ngày nào nay đã bước sang tuổi 88. |
Bất chấp nguy hiểm, già Ama Trang lao vào ôm đống tài liệu rồi nhắm thẳng phía rừng phóng tới. Tuy nhiên, địch nhanh chóng phát hiện và đuổi theo. Dưới làn đạn dày đặc của địch, già Ama Trang ngã xuống. Máu thấm đẫm vai áo, nhưng quyết không để người và tài liệu rơi vào tay địch, già Ama Trang lấy chút hơi tàn còn lại lăn mình xuống vực sâu... Dưới vách đá trơn tuột, bám đầy rêu, già Ama Trang lúc đó thương tích đầy mình, hơi thở khó nhọc muốn bò lên bờ suối nhưng bất lực. May mắn khi đêm xuống, cha con người thợ săn ở gần đó đi săn và phát hiện.
Trong màn đêm, hai cha con phát hiện một con nai đang ăn ở bìa rừng liền giương súng bắn. Nai trúng đạn nhưng vẫn còn sức để bỏ chạy. Hai cha con người thợ săn lần theo dấu máu con nai, tới bờ suối gần đó thì bỗng nghe những tiếng tít... tít kéo dài. Sau đó là âm thanh: “Đây là Đài tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội, Thủ đô nước Việt Nam...”. Lấy làm lạ, họ liền tới chỗ phát ra âm thanh ấy và phát hiện già Ama Trang đang nằm bất tỉnh bên tảng đá.
Già Ama Trang là người mà cha con người thợ săn khâm phục bấy lâu nay, hai cha con nhanh chóng đốt lửa sưởi ấm, mang nước cho ông uống. Sau đó, họ đưa già Ama Trang trở về làng trị bệnh. Một thời gian sau, sức khỏe tốt hơn, già Ama Trang lại trở về, tiếp tục hoạt động chiến đấu cùng bản làng cho đến ngày ra Bắc chữa bệnh.
Nốt trầm ngày trở về
Đất nước thống nhất, anh bộ đội Phạm Thành Hân hân hoan trở về Hà Nội tìm lại gia đình. Nhưng... Già Ama Trang chùng giọng: “Có lẽ giây phút tìm lại gia đình mình ở Hà Nội mang cho tôi nhiều cảm xúc trái ngược nhau nhất. Khi bước chân vào nhà cũ, bắt gặp tấm ảnh mình lồng trong khung ảnh viền tang đen đặt sau bát nhang, phía dưới có mấy bộ quân phục đã cũ. Bên trong căn phòng có thêm đồ của đàn ông lạ. Lúc vợ tôi cùng con gái về nhà, gặp nhau mà không nói nên câu nào... Sau đó mới biết, lúc mình rơi xuống vực, mất tích. Đơn vị nghĩ rằng mình đã hy sinh. Khi giấy báo tử về đến nhà cũng là lúc vợ mình khóc ngất, mình... thành liệt sỹ. Mấy năm sau, cô ấy đi thêm bước nữa”.
Phiên tòa ly hôn cũng được mở không lâu sau đó. Già Ama Trang chấp nhận hy sinh hạnh phúc bản thân để vợ và con gái được hạnh phúc. Đó là phiên tòa đẫm nước mắt, đầy bi thương và mâu thuẫn với những đấu tranh nội tâm giằng xé... Sau này câu chuyện về cuộc đời của già Ama Trang đã trở thành nguồn cảm hứng để nhà văn Dương Kiện viết nên cuốn tiểu thuyết “Tiếng cồng Ama”.
Được phong tặng nhiều huân huy chương cao quý Hơn 60 năm cống hiến cho Tổ quốc, ông Phạm Thành Hân được Đảng và Nhà nước ta, nước bạn Lào phong tặng nhiều danh hiệu cao quý: Huân chương chiến thắng hạng III; Huân chương giải phóng hạng I, II, III; Huân chương Quyết thắng hạng I; Huân chương kháng chiến hạng I; Huân chương Is-xa-ra của nước Lào; Huân chương Độc lập hạng II; Huy hiệu 65 năm tuổi Đảng. |
NGUYỄN HƯNG
Xem thêm video:
[mecloud] X24AKfIaWD[/mecloud]