(ĐSPL) - Cứ ngỡ số tiền 5 triệu yên mà chị Hồng phát hiện trong thùng loa cũ 1 năm trước sẽ thuộc về chị vào hôm nay 28/4, tuy nhiên, một nhân vật “bí ẩn” xuất hiện, tự nhận mình là chủ nhân của số tiền trên.
Sáng 27/4, ngày cuối cùng của thời hạn công khai tìm chủ nhân số tiền 5 triệu yen (hơn một tỷ đồng) trong thùng loa cũ mà vợ chồng chị ve chai Huỳnh Thị Ánh Hồng mua được một năm trước, Công an quận Tân Bình (TP HCM) cho biết có người phụ nữ đến nhận là chủ sở hữu số tiền trên. Do có người tranh chấp trong thời hạn quy định nên cảnh sát gia hạn niêm phong số tiền thêm 1-2 tháng để điều tra, xác mình.
Theo Công an quận Tân Bình, hơn hai tuần trước, một phụ nữ 42 tuổi (ngụ ở huyện Hóc Môn) đến xin nhận lại 5 triệu yen mà vợ chồng chị Hồng giao nộp. Bà này nói đó là tiền chồng đang lao động ở Nhật, gửi về cho mình. Bà cất giấu trong thùng loa cũ rồi quên. Chiếc loa này sau đó bị người thân đem bán ve chai, tới tay vợ chồng chị Hồng.
Nhận tin công an tiếp tục điều tra số tiền 5 triệu yen ở "phút 89", chị Hồng tỏ ra buồn bã. Chị cho biết, trưa 14/4 có hai phụ nữ đi xe máy đến nhà trọ của chị, nhận là chủ số tiền 5 triệu yen trong chiếc máy cassette. Một người cho biết do chồng ở Nhật gửi về, lúc bà này vắng nhà người anh họ đã đem bán máy cassette cho ve chai.
Từng có nhiều người đến nhận là chủ nhân số tiền nên chị Hồng nghi ngờ và bảo người phụ nữ này đến công an trình báo. "Bà ấy bảo không muốn um sùm, đề nghị tôi cho một cuộc hẹn để người anh họ bán casstte gặp đối chứng và thương lượng. Bà ấy nhất quyết không đi nên tôi đã gọi công an đến làm việc", chị Hồng kể.
Chị Huỳnh Thị Ánh Hồng |
Người phụ nữ xuất hiện “phút 89” là bà Phạm Thị Ngọt (40 tuổi, ngụ xã Xuân Thới Đông, huyện Hóc Môn), hiện đang làm nghề mua bán quần áo, thiết kế mẫu.
Trao đổi trên báo Dân trí, bà Ngọt cho biết, bà có chồng tên Efolayan Caleb (SN 1957, quốc tịch Nigeria), giảng viên dạy tiếng Anh và từng có thời gian từ năm 2003 đến 2005 dạy tiếng Anh và phụ bán ô tô tại Nhật Bản. Đến năm 2009 chồng bà đến Việt Nam trực tiếp giảng dạy tiếng Anh ở một số trường cấp 2 và trung tâm ngoại ngữ.
Cũng trong khoảng thời gian này, bà Ngọt được một người giới thiệu gặp ông Efolayan Caleb, sau đó hai người kết hôn, được sự chứng nhận hợp pháp của cơ quan chức năng nước Negiria, hai vợ chồng bà Ngọt tạm trú tại huyện Hóc Môn. Khi chung sống với nhau, bà Ngọt thấy chồng có ba chiếc loa cũ không biết mua lúc nào. Trong đó có hai chiếc loa lớn và một loa nhỏ.
Xem thêm video: Chị ve chai hồi hộp trước ngày nhận 5 triệu yen nhặt được
“Khi tôi chung sống với chồng, có vài lần nghe anh ấy nói rằng có để dành được một khoản tiền khoảng 6 triệu yên Nhật cất trong cái hộp. Tuy nhiên, sau nhiều lần chuyển nhà nên không nhớ cất cái hộp ở đâu. Khi nghe chồng nói vậy tôi chỉ nghĩ anh ấy nói cho vui nên không hỏi thêm. Đến cuối năm 2012, chồng tôi bị bệnh phải nằm điều trị tại bệnh viện Chợ Rẫy, tiếp tục nhắc đến khoản tiền 6 triệu yên và kêu tôi về nhà tìm số tiền đó để chữa bệnh, tôi có tìm khắp nhà nhưng vẫn không thấy. ” – Bà Ngọt kể.
Đến 6/2013, ông Efolayan Caleb phải về nước để lo việc gia đình đến nay vẫn chưa trở lại. Đầu tháng 9/2013, khi dọn dẹp nhà, Bà Ngọt phát hiện 3 chiếc loa thùng cũ, một số người mua ve chai hỏi mua nhưng bà Ngọt không bán, hai tháng sau, bà Ngọt đem chiếc loa cho người anh họ tên Hòa (ngụ quận Tân Bình) để sửa lại sử dụng.
Cuối tháng 3/2014, bà Ngọt đọc được thông tin về vụ người mua ve chai (vợ chồng chị Nguyễn Thị Ánh Hồng, tạm trú tại căn nhà trọ trong hẻm 84 Trần Văn Quang, phường 10, quận Tân Bình – PV) tìm thấy hơn 5 triệu yên Nhật trong thùng chiếc loa cũ thì lập tức gọi điện thoại cho ông Hòa hỏi về cái loa cũ nhưng ông Hòa cho biết đã bán ve chai từ lâu. Nghi ngờ đây là số tiền mà chồng mình từng nhắc đến trước đó nên bà Ngọt làm đơn gửi đến công an quận Tân Bình nhờ xác minh, làm rõ.
Bà Ngọt bên hai chiếc loa cũ do người chồng mang về từ Nhật. |
Khi được được hỏi vì sao bà Ngọt xuất hiện vào “phút 89”, trong khi công an quận Tân Bình và các phương tiện truyền thông đã thông tin khá rộng rãi để tìm chủ nhân của số tiền hơn 5 triệu yên? Bà Ngọt nói: “Do tôi phải lo nhiều công việc làm ăn, gia đình nên không có thời gian để nắm bắt thông tin. Nếu không vô tình đọc được thông tin về vụ việc này trên mạng thì tôi cũng không biết. Tôi chỉ muốn xác minh, làm rõ số tiền đó có phải của chồng tôi hay không? nếu may mắn số tiền đó đúng là của chồng tôi thì cần được trả lại đúng với chủ sở hữu”.
Cũng theo bà Ngọt, khi bà lên công an quận Tân Bình trình báo, các cán bộ đã hướng dẫn thủ tục để bà Ngọt và chồng chứng minh là chủ sở hữu số tiền 5 triệu yên. “Tôi với chồng vẫn thường liên lạc qua mạng, hiện tôi đã thông báo về số tiền mà anh ấy đã từng nói trước đó có thể là số tiền mà người mua ve chai nhặt được để anh ấy về Việt Nam giải quyết, tất cả bằng chứng anh ấy đang giữ. Tuy nhiên, chồng tôi đang bận nên chưa thể về đây được ngay. Nếu không về được chồng tôi sẽ viết giấy ủy quyền gửi về”.
Khi được hỏi về phương thức vận chuyển số tiền khoảng 6 triệu yên mà chồng bà từng nói trước đó, bà Ngọt khẳng định chỉ nghe chồng kể chứ chưa bao giờ thấy hoặc hỏi về số tiền này.
Chị Nguyễn Thị Ánh Hồng chia sẻ, việc người phụ nữ (bà Ngọt – PV) xuất hiện vào “phút 89” thực sự là chị bất ngờ. “Tôi sẵn sàng đứng ra làm rõ với người phụ nữ kia. Nếu bà ấy chứng minh đúng là chủ của số tiền thì tôi sẽ vui vẻ trả lại. Bây giờ tôi chỉ biết chờ công an quận Tân Bình xử lý theo đúng quy định của pháp luật” – Chị Hồng khẳng định.
Trao đổi trên báo Thanh niên, luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn Luật sư TP HCM) cho biết, người nộp đơn yêu cầu muốn nhận tài sản phải chứng minh số tiền trên là thuộc sở hữu hợp pháp. Người phụ nữ cho rằng số tiền này là của chồng mình thì phải chứng minh được nguồn gốc cũng như phương thức gửi tiền. Nếu gửi qua ngân hàng phải có chứng từ của ngân hàng, nếu gửi bằng các phương thức khác cũng phải có đầy đủ chứng từ hợp pháp.
Một vấn đề mà luật sư Chánh lưu ý đó là nếu xác định đây là ngoại tệ gửi từ nước ngoài về thì nhất định phải được gửi theo con đường hợp pháp. Tức là phải thông qua ngân hàng, hoặc nếu gửi bằng đường khác cũng phải được khai báo với cơ quan chức năng.
"Mọi cách thức chuyển tiền từ nước ngoài về Việt Nam bất hợp pháp đều không được công nhận, thậm chí còn có thể bị xử lý hình sự", luật sư Chánh khẳng định.
Theo luật sư Chánh, nếu vận chuyển bất hợp pháp số tiền lớn như vậy qua biên giới thì người chuyển tiền có thể bị khởi tố theo Điều 154 Bộ luật Hình sự về tội "vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới".
Một năm trước, chiều 21/3/2014, chị Hồng và chồng đem thùng loa cũ bằng kim loại vuông, cao khoảng 0,5 m đã gỉ sét mua được trước đó ra hẻm Trần Văn Quang (phường 10, quận Tân Bình) tháo ốc vít, phân loại để lấy sắt, đồng... Chồng chị phát hiện bên trong có chiếc hộp gỗ dài khoảng 20 cm, rộng khoảng 15 cm và khá sâu. Khi chiếc hộp được mở, vài tờ tiền bay ra và được một số người đứng gần đó nhặt. Lời đồn về hai vợ chồng mua ve chai "trúng kho báu" lan rất nhanh. Chỉ vài giờ sau nhiều người kéo đến nhà trọ của họ để xin tiền "lấy hên" hoặc "làm kỷ niệm". Trong đám đông còn có nhiều thanh niên lạ mặt gây áp lực buộc vợ chồng ve chai phải chia tiền. Hoảng sợ, họ đóng chặt cửa và trình báo công an, giao nộp số tiền. Có tổng cộng 520 tờ tiền Nhật, trong đó một số bị mục nát, mỗi tờ mệnh giá 10.000 yen. Ngày 28/4/2014, Công an Tân Bình đã đăng báo tìm chủ sở hữu. Theo quy định, trong một năm nếu không ai đến nhận, công an sẽ quyết định chủ sở hữu số tiền trên theo pháp luật. |
Ngọc Anh (Tổng hợp)