+Aa-
    Zalo

    Chi tiết quy tắc về sử dụng đèn và còi với tài xế ô tô, xe máy theo dự thảo luật mới

    (ĐS&PL) - So với Luật giao thông đường bộ năm 2008, quy tắc sử dụng đèn tại Dự thảo Luật TT, ATGT đường bộ nêu chi tiết, cụ thể thời gian bật đèn xe.

    Trao đổi với PV về Dự thảo Luật TT, ATGT đường bộ đang được Bộ Công an lấy ý kiến, luật sư Lê Văn Kiên (Trưởng Văn phòng luật sư Ánh sáng Công lý, Đoàn luật sư Hà Nội) đánh giá, dự thảo luật mới có điều khoản, quy tắc giao thông mới so với luật hiện hành, có thể kể đến điều khoản quy định các quy tắc sử dụng đèn (điều 19) và quy tắc “sử dụng tín hiệu còi” (điều 20).

    quy bat tat den giao thong
    Dự thảo Luật TT, ATGT đường bộ có quy định mới nêu rõ các trường hợp tài xế phải tắt đèn chiếu xa, bật đèn chiếu gần. (Ảnh Cục CSGT)

    Về quy tắc sử dụng đèn, luật sư Lê Văn Kiên đánh giá, so với Luật giao thông đường bộ năm 2008, quy tắc sử dụng đèn tại Dự thảo Luật TT, ATGT đường bộ nêu chi tiết, cụ thể phù hợp với thực tiễn.

    “So với Luật giao thông đường bộ năm 2008, Dự thảo Luật TT, ATGT đường bộ có quy định mới nêu cụ thể các loại đèn tài xế điều khiển phương tiện tham gia giao thông phải bật trong thời gian từ 19 giờ ngày hôm trước đến 5 giờ ngày hôm sau hoặc khi có sương mù, khói, bụi, trời mưa, thời tiết xấu làm hạn chế tầm nhìn”.

    Ngoài ra, các trường hợp tài xế “phải tắt đèn chiếu xa, bật đèn chiếu gần” cũng là quy tắc mới của Dự thảo Luật TT, ATGT đường bộ”- luật sư Kiên nói.

    Về quy tắc sử dụng còi, luật sư Kiên cho biết, Dự thảo Luật TT, ATGT đường bộ có quy tắc mới so với luật hiện hành là người điều khiển phương tiện chỉ sử dụng còi để “báo hiệu cho người đi bộ và người điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi xuất hiện tình huống có thể mất an toàn giao thông”.

    Dưới đây là quy tắc “sử dụng đèn” và quy tắc “sử dụng tín hiệu còi” được nêu trong Dự thảo Luật TT, ATGT đường bộ.

    Điều 19. Sử dụng đèn

    1. Người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng tham gia giao thông trong thời gian từ 19 giờ ngày hôm trước đến 5 giờ ngày hôm sau hoặc khi có sương mù, khói, bụi, trời mưa, thời tiết xấu làm hạn chế tầm nhìn phải bật sáng những đèn sau:

    a) Đèn chiếu sáng phía trước là đèn chiếu xa hoặc đèn chiếu gần;

    b) Đèn soi biển số sau;

    c) Đèn vị trí được trang bị theo thiết kế của nhà sản xuất.

    2. Người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng phải tắt đèn chiếu xa, bật đèn chiếu gần trong các trường hợp sau đây:

    a) Khi gặp người đi bộ qua đường;

    b) Khi đi trên các đoạn đường qua khu dân cư có bố trí hệ thống chiếu sáng và đang hoạt động;

    c) Khi gặp xe đi ngược chiều;

    d) Khi chuyển hướng xe tại nơi đường giao nhau.

    3. Người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng khi thực hiện công việc trên đường bộ phải bật sáng đèn cảnh báo màu vàng.

    Điều 20. Sử dụng tín hiệu còi

    1. Chỉ được sử dụng tín hiệu còi của phương tiện trong các trường hợp sau đây:

    a) Báo hiệu cho người đi bộ và người điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi xuất hiện tình huống có thể mất an toàn giao thông;

    b) Báo hiệu chuẩn bị vượt xe.

    2. Không sử dụng còi liên tục; không sử dụng còi trong thời gian từ 22 giờ đến 5 giờ trong đô thị, khu đông dân cư và khu vực cơ sở điều trị bệnh, trạm cấp cứu, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định của Luật này.

    Tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã thống nhất đưa dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Luật Đường bộ vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh để Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023).

    Nhằm tạo cơ sở pháp lý về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tham gia giao thông; tăng cường tính công khai, minh bạch, cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho nhân dân; trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, Bộ Công an đã hoàn thành dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ để lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Thời hạn lấy ý kiến tới ngày 13/9/2023.

    Xuân Lực

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chi-tiet-quy-tac-ve-su-dung-den-va-coi-voi-tai-xe-o-to-xe-may-theo-du-thao-luat-moi-a589587.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Khai thác tạm cao tốc Hà Nội - Nghệ An từ 1/9: Nỗ lực của các chủ đầu tư, nhà thầu

    Khai thác tạm cao tốc Hà Nội - Nghệ An từ 1/9: Nỗ lực của các chủ đầu tư, nhà thầu

    Theo đánh giá của Bộ GTVT, việc đưa các dự án vào phục vụ người dân là nỗ lực rất lớn của các chủ đầu tư, nhà thầu trong bối cảnh thời điểm khởi công đúng vào cao điểm bùng phát đại dịch Covid-19, việc huy động nhân lực, vật lực, thiết bị triển khai giữa các địa phương gặp rất nhiều khó khăn.