+Aa-
    Zalo

    Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước tháng 7 tăng 0,13\%

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Ngày 31/7/2015, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 năm 2015.

    (ĐSPL) - Ngày 31/7/2015, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 năm 2015. 

    Chỉ số giá tiêu dùng tháng 7 tăng 0,13\%

    Tại phiên họp, Chính phủ nghe, thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội tháng 7 và 7 tháng năm 2015; tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2015 và một số báo cáo quan trọng khác.

    Các thành viên Chính phủ thống nhất nhận định, tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng năm 2015 tiếp tục đạt kết quả tích cực. Kinh tế vĩ mô ổn định hơn. Lạm phát được kiểm soát ở mức thấp. CPI tháng 7 tăng 0,13\% so với tháng trước. Tín dụng đối với nền kinh tế tăng đều từ đầu năm, đến 20/7 tăng 7,32\%. Tổng vốn FDI thực hiện ước đạt 7,4 tỷ USD, tăng 8,8\% . Vốn ODA giải ngân ước đạt 3,5 tỷ USD, tăng 10,1\%.

    Các ngành kinh tế tiếp tục phát triển, công nghiệp chế biến chế tạo phục hồi mạnh mẽ. Chỉ số sản xuất (IIP) tăng mạnh (tháng 7 tăng 11,3\%, 7 tháng tăng 9,9\%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo có mức tăng cao hơn mức tăng chung của ngành và tăng 10,1\%).

    Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 7 tháng tăng 9,9\%. Qua đó cho thấy tín hiệu tốt về phục hồi sức mua và tổng cầu của nền kinh tế. Khách quốc tế đến Việt Nam tháng 7 tăng 12,1\% so với tháng trước và tăng 5,1\% so với cùng kỳ năm 2014, chấm dứt sự giảm liên tiếp 2 tháng vừa qua. Vận chuyển hàng hóa ước tăng 5,8\%, luân chuyển hàng hóa tăng 1,8\%.

     Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 năm 2015. 

    Giá cả nông sản trên thị trường thế giới tiếp tục giảm 

    Bên cạnh kết quả đạt được, nền kinh tế nước ta đối diện một số khó khăn, thách thức như sản xuất nông nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn, giá cả nông sản trên thị trường thế giới tiếp tục giảm ảnh hưởng mạnh đến thị trường xuất khẩu một số mặt hàng nông sản của nước ta, xuất khẩu tăng thấp hơn cùng kỳ, chưa đạt kế hoạch đề ra, trong khi kim ngạch xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp trong nước sụt giảm; đời sống nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng chịu ảnh hưởng của thiên tai, lũ lụt, hạn hán còn nhiều khó khăn.

    Tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng năm 2015 tiếp tục chuyển biến tích cực trên hầu hết các lĩnh vực. “Kết quả này cho chúng ta thấy triển vọng nếu phấn đấu quyết liệt và không có gì đột biến thì có khả năng đạt kết quả đề ra cho cả năm 2015”, Thủ tướng nêu rõ, đồng thời yêu cầu, từ nay đến cuối năm, lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp, mỗi ngành, lĩnh vực chọn khâu đột phá để phấn đấu đạt và vượt kế hoạch đề ra.

    Toàn cảnh phiên họp Chính phủ.

    Nhất quán mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô

    Về nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu thực hiện nhất quán mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và thúc đẩy tăng trưởng. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các nguồn vốn đầu tư phát triển từ vốn NSNN, TPCP, ODA..., tập trung hoàn thành, giải ngân các dự án quan trọng, cấp bách; tăng cường huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, khuyến khích đầu tư xã hội.

    Mở rộng thị trường xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường nhập khẩu; khai thác có hiệu quả các lợi thế trong các Hiệp định thương mại, sự hồi phục kinh tế thế giới và khu vực.

    Tăng cường chống thất thu ngân sách, chống chuyển giá; tập trung kiểm soát chi NSNN, bảo đảm triệt để tiết kiệm. Kiểm soát chặt chẽ nợ công, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công.
    Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.

    Bảo đảm tiến độ xây dựng luật, pháp lệnh và văn bản quy định chi tiết một cách đồng bộ, có chất lượng, có tính khả thi. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách và chỉ đạo tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm tính thực tiễn, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào xử lý công việc, tạo mọi thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

    NHNN bảo đảm tăng trưởng tín dụng hợp lý, điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến lạm phát và tình hình kinh tế vĩ mô, huy động nguồn vốn nhàn rỗi trong dân cư cho đầu tư phát triển; tập trung tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên; bảo đảm điều hành tỷ giá, thị trường ngoại hối ổn định.

    Các Bộ, ngành, địa phương theo dõi sát tình hình bão, mưa, lũ, có phương án phòng chống lũ, lụt trong mùa mưa bão; triển khai kịp thời các biện pháp cứu hộ, khắc phục hậu quả mưa lũ ở Quảng Ninh, ổn định cuộc sống của người dân và phát triển sản xuất.

    Bên cạnh đơn giản hóa các thủ tục nhập cảnh cho khách quốc tế, ngành Du lịch cần phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương khắc phục những yếu kém, thúc đẩy du lịch phát triển.

    Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước nhằm tạo ra hàng hóa đa dạng, có chất lượng cho thị trường chứng khoán; đẩy mạnh cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, ngành xây dựng, ngành giao thông...theo các đề án đã được duyệt của từng Bộ, ngành, địa phương. Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu để bảo đảm thực hiện theo đúng lộ trình.

    Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong các Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu ngành công thương. Xây dựng cơ chế khuyến khích, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

    Các Bộ ngành, địa phương tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt các chính sách người có công, các đối tượng chính sách xã hội, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; triển khai có hiệu quả các chương trình giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, hỗ trợ hộ cận nghèo. Tăng cường công tác y tế dự phòng, an toàn vệ sinh thực phẩm, kiểm soát dịch bệnh nhất là khu vực bị mưa lũ.

    Thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp về phát triển giáo dục, đào tạo, y tế, các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường, phòng tránh thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu. Tiếp tục thực hiện hiệu quả các giải pháp giảm quá tải bệnh viện, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân. Tổ chức tốt công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2015.

    Tăng cường quốc phòng an ninh, giữ vững chủ quyền quốc gia. Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm an toàn giao thông; kiểm soát chặt chẽ, tăng cường phòng chống tội phạm, tệ nạn, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.

    Đẩy mạnh hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế, sớm kết thúc đàm phán và đi đến ký kết Hiệp định TPP và các Hiệp định thương mại tự do với các đối tác. Khai thác hiệu quả các cơ hội, thuận lợi và khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức của hội nhập.

    Về công tác thông tin, truyền thông, các Bộ, ngành phải chủ động cung cấp thông tin về tình hình kinh tế - xã hội, các chủ trương, cơ chế, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, tạo đồng thuận xã hội, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra.

    Ngọc Anh

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chi-so-gia-tieu-dung-cpi-ca-nuoc-thang-7-tang-013-a104263.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.