(ĐSPL) - Trước những áp lực “búa rìu” của dư luận trong thời gian gần đây tại Trung tâm BTXH Nghệ An, mới đây, báo ĐS&PL đã có buổi trao đổi với vị giám đốc này.
Chi sai vì lợi ích trung tâm, người bệnh
Một góc Trung tâm BTXH Nghệ An ở huyện Đô Lương (Nghệ An). |
Đôi mắt ông thâm quầng vì mất ngủ nhiều hôm liền, ông Phú cho biết, trong thời gian qua, bản thân ông cùng người thân trong gia đình đã trải qua những thời khắc vô cùng khó khăn khi trở thành tâm điểm của dư luận và mang cái “tội” nhẫn tâm “ăn” cả tiền chế độ, từng miếng thịt, bát cơm của người tâm thần.
Ông Phú nghẹn ngào khi kể về vụ việc tại Trung tâm. |
Sau khi được trấn an, dường như đã tin tưởng hơn, ông Phú mới giải tỏa được áp lực và bộc bạch những tâm tư của mình: “Tôi cũng như gia đình chịu rất nhiều áp lực, bạn bè khắp nơi đều gọi điện chia sẻ. Tôi chỉ buồn rằng hàng chục năm cống hiến cho ngành, giờ đến những thời gian cuối cùng lại dính phải vết nhơ này làm mất danh dự của bản thân và gia đình. Nếu thực sự tôi có tư lợi, tham ô số tiền trên thì tôi xin chịu hoàn toàn trách nhiệm, nhưng tôi dám khẳng định không bỏ túi một đồng nào trong số tiền trên. Tất cả đều được chi cho việc công phục vụ lợi ích chung cho trung tâm.
Khi Sở ra quyết định tạm đình chỉ công tác tôi và đồng chí Phương, Phó giám đốc Trung tâm, tôi cảm thấy rất bàng hoàng và hụt hẫng. Gần 40 năm cống hiến với ngành, có những người hiểu thì không nói nhưng lại có người không chia sẻ với mình, đặc biệt trong đó có người từng làm rất nhiều việc thiện nguyện".
Được biết, vốn là bộ đội chuyển ngành về làm nhân viên Ty thương binh (tỉnh Nghệ Tĩnh - PV) rồi đến Xí nghiệp thương binh huyện Đô Lương (Nghệ An), năm 2002, ông về Trung tâm BTXH Nghệ An nhận công tác với cương vị giám đốc. 13 năm đầu ở đó, cơ sở vật chất còn nghèo nàn, cửa ngõ thô sơ, hư hỏng, khuôn viên cỏ mọc um tùm... Thời điểm này, đội ngũ cán bộ chỉ có 15 người phục vụ 285 đối tượng.
Trung tâm là nơi nhận các đối tượng tâm thần lang thang, không biết tên tuổi, địa chỉ... Những ngày đầu về quản lý, ông và các cán bộ công nhân viên ở trung tâm đã gặp rất nhiều khó khăn, vất vả.
Khi đề cập về chuyện chi sai, ông Phú nghẹn ngào: "Tôi không hề giấu giếm bất kỳ ai, các anh có thể đến nhà xem ngôi nhà 45m2 không có đồ đạc giá trị của tôi. Nếu tôi tham ô thì nhiêu năm công tác trong ngành này, liệu rằng gia đình tôi có thể sống như vậy không. Đến con gái tôi lấy chồng nhưng vì hoàn cảnh khó khăn, vợ chồng tôi cũng không có tiền mua cho chúng mảnh đất nhỏ để an cư lạc nghiệp. Hiện cả gia đình 4 người lớn vẫn phải sống chật vật trong căn nhà nhỏ do bà o (cô - PV) để lại".
Trần tình về những sai phạm trong kết luận của đoàn thanh tra, ông Phú cho biết thêm: "Với người tâm thần, chế độ ăn mỗi ngày là 15.000 đồng/người, đối tượng bảo trợ xã hội là 12.000 đồng/người. Chúng tôi lo cho họ 3 bữa mỗi ngày với số tiền trên, bao gồm củi, gạo, thức ăn, gia vị… thì còn đâu nữa để bớt xén. Không phải chúng tôi cho tất cả mọi đối tượng được ăn cùng một chế độ như nhau mà là trung tâm vẫn thực hiện theo quy định. Một số đối tượng không muốn ăn sáng do nhà bếp Trung tâm nấu mà muốn tự ăn riêng cho hợp khẩu vị, chúng tôi thấy nhu cầu này là chính đáng nên chấp nhận. Trong đó, mỗi lần nhận tiền đều có chữ ký, điểm chỉ của đối tượng và người giám hộ đầy đủ. Thực tế, khi các anh em đã giải trình rồi thì chắc chắn số tiền sẽ giảm xuống tuy nhiên đoàn thanh tra vẫn không chấp nhận việc chi trả tiền mặt".
Bên cạnh đó, do kinh phí dành cho những khoản chi thường xuyên của trung tâm rất hạn chế trong khi nhu cầu lại rất lớn như: chi trả công tác phí cho anh em tập huấn, công tác đột xuất, tiếp khách… Để giải quyết chế độ cho anh em tôi đã chi sai vào một phần tiền chế độ mua sắm. Nguồn tự chủ bị hụt, không đủ nên Trung tâm đã vận dụng sang nguồn không tự chủ. Về khoản này tôi xin nhận trách nhiệm, tuy nhiên, bản thân tôi cũng đã giải trình đầy đủ với đoàn thanh tra đồng thời có những giấy tờ kèm theo, có chữ ký của kế toán, cán bộ đi công tác... nhưng cũng không được chấp nhận. Cái này, nói cho đúng ra là mình vận dụng để trả cho anh em, vì tập thể thôi chứ không phải là để tư lợi cá nhân".
"Cùng với đó là việc chi tiêu, tiếp khách, đối nội, đối ngoại, đặc biệt là từ năm 2011 - 2015, quá trình giao tiếp quan hệ, tiếp cận các dự án, chương trình nên cũng phải đi ngược, đi xuôi chứ không phải ở nhà mà có được những cái đó. Tuy nhiên, nói cho cùng thì do mình là đã vận dụng, linh hoạt nên chi sai nguồn cho cái chung, tập thể. Lúc này, tôi chỉ mong mọi người xem xét, lắng nghe và có cái nhìn khách quan rồi hãy phán xét sự việc", ông Phú phân trần.
Cần có cái nhìn khách quan, trả lại công bằng cho vị giám đốc nghèo
Sau khi rời Trung tâm, cách đó khoảng 15km, chúng tôi về ngôi nhà ông Phú. Con đường quanh co, ngõ hẹp dẫn chúng tôi vào căn nhà cấp 4 tại huyện Đô Lương, Nghệ An, rộng khoảng chừng 45 m2.
Căn nhà cấp 4 thô sơ xuống cấp của một lãnh đạo hơn 10 năm giữ cương vị giám đốc Trung tâm BTXH Nghệ An. |
Tại đây, tiếp chúng tôi, bà Nguyễn Thị Hường (vợ ông Phú) buồn bã: "Tôi thật sự rất bất ngờ, tôi tin tưởng anh Phú. Mặc dù đã có kết luận thanh tra nhưng tôi vẫn tin tưởng rằng chồng tôi không là con người như vậy. Từ ngày có những thông tin trên tôi và gia đình chịu rất nhiều áp lực, ai cũng suy sụp hẳn. Nếu nói chồng tôi tham ô, tham nhũng thì ông ấy hơn 10 năm làm giám đốc liệu rằng nhà tôi có phải sống khổ sở như thế này nữa hay không”.
Theo đó, do không có nhà nên dù đã lập gia đình nhưng 2 vợ chồng người con gái vẫn ở chung căn nhà nhỏ của vợ chồng ông Phú.
Theo quan sát của chúng tôi, trong căn nhà nhỏ không một vật dụng đáng giá, những chiếc chõng tre, đồ dùng đã cũ kỹ và dường như đã gần "hết đát". Bà Hường cho biết thêm, sau khi có kết luận của đoàn thanh tra, gia đình bà đã phải chạy vạy vay mượn khắp nơi để có tiền nộp lại cho đơn vị. Bà rất mong đoàn thanh tra, các cơ quan chức năng xem xét lại toàn bộ sự việc để có cái nhìn khách quan nhất, trả lại công bằng cho ông Phú.
Bà Hường - vợ giám đốc Phú trong căn nhà xuống cấp không có vật dụng đáng giá. |
Đừng phán xét thông tin 1 chều
Cùng chung cảnh ngộ với ông Phú và được xem là người chịu trách nhiệm chính, cũng là người bị lên án mạnh mẽ vì đã “bớt xén” chế độ ăn của các đối tượng được chăm sóc tại Trung tâm là vị PGĐ Trung tâm BTXH Nghệ An Nguyễn Thị Thu Phương.
Gặp chúng tôi, với nét mặt ảm đạm, rệu rã, bà Phương cho biết: “Tôi không nói gì thêm, tất cả mọi việc tôi đã có bản giải trình chi tiết gửi cơ quan chức năng. Tôi chỉ mong mọi người một lần lên đây, xem xét, đặt mình vào vị trí của chúng tôi để nhìn nhận sự việc chứ đừng phán xét qua những thông tin một chiều”.
Trước áp lực "búa rìu" của dư luận, bà Phương trở nên chán nản. |
Trong thời gian qua, bà Phương cũng như người thân trong gia đình chịu áp lực rất lớn từ dư luận khiến cuộc sống bị đảo lộn hoàn toàn. Đã có những lúc không chịu nổi áp lực, bà Phương nghĩ đến bước đường cùng để tự giải thoát cho bản thân nhưng nghĩ đến con cái, người thân bà lại tiếp tục gắng gượng đứng dậy.
Vốn quê ở huyện Nghi Lộc, do hoàn cảnh công tác, làm việc ở xa nên bà đã đưa đứa con gái lên Đô Lương để ăn học và dễ bề chăm sóc.
"Những ngày xảy ra sự việc, lời qua tiếng lại của mọi người rồi cũng đứa con gái tôi cũng biết. Thời gian gần đây, nó (con gái bà Phương - PV) như bị sốc và thay đổi tâm tính hoàn toàn, có lúc nó còn không gọi tôi là mẹ như bao ngày trước. Giờ đây tôi cảm thấy chán nản vô cùng....", bà Phương buồn bã.
NGỌC TUẤN
[mecloud]qU2qTDuUql[/mecloud]