+Aa-
    Zalo

    Chỉ rõ nguyên nhân để thêm bài học trong chỉ đạo điều hành

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Phát biểu thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, nhiều ĐBQH đã phân tích sâu nguyên nhân thành công. từ đó đưa ra những bài học kinh nghiệm.

    Phát biểu thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, nhiều ĐBQH đã phân tích sâu nguyên nhân thành công, chưa thành công, từ đó đưa ra những bài học kinh nghiệm và giải pháp cho thời gian tới.

    Ảnh: VGP/Nhật Bắc

    Trong phiên thảo luận sáng nay (2/11), các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đều ghi nhận những chuyển biến rõ nét, bền vững trong thực hiện các mục tiêu kinh tế-xã hội năm 2015 và 5 năm 2011-2015.

    Theo đó, năm 2015 và 5 năm qua, đời sống của đại đa số người dân được nâng cao một cách đáng kể. Kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng cao hơn kế hoạch trong bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực rất khó khăn, đặc biệt là khi các đầu tàu tăng trưởng của thế giới đều tăng trưởng chậm, thấp hơn dự đoán.

    Các ĐBQH cho rằng sự phát triển ổn định của Việt Nam càng trở nên ý nghĩa trong bối cảnh tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp.

    “Phân tích như vậy để thấy những kết quả đã đạt được là rất đáng kể, vừa ổn định được vĩ mô, tăng trưởng cao hơn, trong khi quốc phòng, an ninh được giữ vững, vị thế của đất nước trên trường quốc tế được nâng cao”, đại biểu Nguyễn Tấn Tuân (Bà Rịa - Vũng Tàu) nói.

    Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TPHCM) thì cho rằng cần phải phân tích kỹ hơn những nguyên nhân của kết quả nổi bật nêu trên cũng như nguyên nhân của hạn chế, yếu kém, để từ đó nêu được những bài học kinh nghiệm trong chỉ đạo điều hành.

    Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, trước hết, thành công có được là do phát huy tốt đoàn kết của toàn dân tộc. Nguyên nhân thứ hai có thể kể đến đó là tinh thần làm việc tích cực, trách nhiệm của Quốc hội, các ĐBQH trong xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, môi trường sản xuất kinh doanh.

    Về những nguyên nhân cản trở phát triển, các ĐBQH cho rằng nguyên nhân đầu tiên chính là từ con người. Cụ thể, tổ chức bộ máy còn cồng kềnh, chức năng chồng chéo, thiếu cụ thể, cùng với đó thủ tục còn phiền hà, kỷ cương, kỷ luật còn lỏng lẻo.

    “Hạn chế này đã tồn tại từ lâu, song chưa khắc phục được. Trong năm 2016 và những năm tiếp theo, cải cách thể chế, tinh gọn bộ máy cần phải được coi như nhiệm vụ hàng đầu”, đại iểu Nguyễn Tấn Tuân nhấn mạnh.

    “Nếu không có các giải pháp mang tính đột phá, thì mục tiêu tinh giản bộ máy chắc chắn không thể thực hiện được vì với các giải pháp hiện nay sẽ không biết tinh giản ai”, đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) phân tích.

    Cũng về yếu tố con người, đại biểu Trần Khắc Tâm (Sóc Trăng) cho rằng Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang mở ra rất nhiều cơ hội cho Việt Nam. Tuy nhiên, để chuyển những cơ hội này thành các hợp đồng hợp tác cụ thể, mang lại lợi ích cụ thể thì cần có “con người hội nhập”.

    “Muốn thành công trong TPP, giải pháp đột phá nhất là đầu tư cho con người” đại biểu nói. Từ đó, đại biểu tán thành với giải pháp đã được Chính phủ nêu trong kế hoạch 2016 là loại bỏ những cán bộ, công chức nhũng nhiễu ra khỏi bộ máy.

    Trước đó, theo Báo cáo của Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày tại Quốc hội trong phiên khai mạc, tăng trưởng GDP năm 2015 ước đạt trên 6,5\%, cao nhất trong 5 năm qua, vượt kế hoạch đề ra (6,2\%).

    Quy mô và tiềm lực của nền kinh tế tiếp tục tăng; GDP năm 2015 đạt khoảng 204 tỷ USD, bình quân đầu người 2.228 USD.

    Sản xuất công nghiệp phục hồi và tăng mạnh trong những năm cuối của kế hoạch 5 năm, trong đó năm 2015 tăng khoảng 10\%, riêng công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,6\%. Khu vực nông nghiệp phát triển khá ổn định, giá trị sản xuất tăng 3,85\%/năm.

    Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 13,5\%/năm; loại trừ yếu tố giá còn tăng khoảng 5,6\%, trong đó năm 2015 tăng 8,7\%, cao nhất kể từ năm 2011...

    Chất lượng tăng trưởng nhiều mặt được nâng lên. Tỉ trọng công nghiệp và dịch vụ trong GDP tăng từ 79,42\% năm 2010 lên 82,5\% năm 2015. Tỉ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội giảm từ 48,4\% xuống 45\%.

    Trong 14 chỉ tiêu nhiệm vụ của năm 2015, ước tính có 13 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch.

    Theo báo Điện tử Chính Phủ

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chi-ro-nguyen-nhan-de-them-bai-hoc-trong-chi-dao-dieu-hanh-a117599.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.