Trong buổi Hội thảo về Chương trình Sáng kiến phòng chống tham nhũng Việt Nam 2014 (VACI 2014) do Thanh tra Chính phủ phối hợp với Ngân hàng Thế giới tổ chức vào chiều 20/5, chị Hoàng Thị Nguyệt – người đã dũng cảm tố cáo những vi phạm tày trời tại Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức, Hà Nội vẫn không khỏi xúc động khi nhắc lại quá trình đấu tranh đầy cam go để vạch trần những sai phạm trong việc nhân bản xét nghiệm tại nơi chị đang công tác.
“Ngay sau khi chúng tôi lên tiếng về sự việc, giám đốc bệnh viện đã nêu đích danh tên của chúng tôi trong buổi họp giao ban tại bệnh viện, yêu cầu chúng tôi rút đơn, đồng thời tác động đến gia đình, người thân để tạo sức ép cho chúng tôi. Và cũng vì những sức ép đó, không ít người đã phải rút lại đơn kiện, nhưng bản thân tôi vẫn quyết đấu tranh đến cùng để phanh phui được sự thật”.
“Chị Nguyệt Hoài Đức” bật khóc khi nói về con đường chống tiêu cực của mình. |
“Trước những bức xúc vì các sai phạm nghiêm trọng trong bệnh viện đa khoa Hoài Đức, Hà Nội, chúng tôi luôn mong muốn tìm đến một vị quan thanh liêm để giúp chúng tôi đưa sự việc ra ánh sáng. Cũng rất may rằng, sau khi tìm đến cơ quan điều tra, chúng tôi đã nhận được sự ủng hộ và giúp đỡ tận tình của các chiến sĩ phòng PC 46. Khi nhận được thông tin từ chúng tôi, họ đã ngay lập tức vào cuộc điều tra, bên cạnh đó, chúng tôi cũng rất cảm phục tấm lòng của một số nhà báo tại các cơ quan báo chí, khi họ không e ngại những bất trắc, những khó khăn để lên tiếng giúp chúng tôi, đưa sự việc ra công luận… Chính những con người đó đã tạo thêm niềm tin và sức mạnh cho chúng tôi trong việc quyết tâm đưa những sai phạm này ra sánh sáng” – chị Nguyệt Hoài Đức nghẹn ngào, bật khóc nhớ lại.
Cho rằng những người đứng ra chống tham nhũng vẫn còn bị cô lập, chị Nguyệt ví von: “Trong vụ việc nhân bản kết quả xét nghiệm tại bệnh viện đa khoa Hoài Đức, những người đứng lên tố cáo chỉ có 3 chị em phụ nữ, trong khi đó đối tượng bị tố cáo là nhũng người có quyền có chức. Đối tượng tham nhũng như 1 con bạch tuộc to lớn khủng khiếp, chúng tôi đi đến đâu thì con bạch tuộc vươn vòi ra tới đó, khiến chúng tôi trăn trở, lo lắng và hoang mang vô cùng”.
Chia sẻ với những giọt nước mắt của chị Nguyệt, bà Lê Thị Thanh Hà – phóng viên báo Tuổi trẻ, người từng được biết đến như một điển hình chống tham nhũng khi phát hiện vụ chiếm đoạt tiền bảo hiểm tại BV Chợ Rẫy – TP.HCM , cho rằng: “Muốn chống được tham nhũng trước hết phải có bản lĩnh, sau là phải có cái tâm. Trong công cuộc phòng chống tham nhũng của mình, tôi đã từng gặp nhiều bất trắc như bị quăng số điện thoại lên mạng gái gọi, bị người khác dùng tiền để tước đoạt thẻ nhà báo, từng bị can thiệp, thương lượng trong các vụ chống tham nhũng… Nhưng tất cả những cái đó không bao giờ cám dỗ hay làm tôi run sợ”.
Bà Lê Thị Thanh Hà – PV báo Tuổi trẻ là người cũng từng được biết đến như một điển hình chống tham nhũng khi phát hiện vụ chiếm đoạt tiền bảo hiểm tại BV Chợ Rẫy – TP.HCM. |
“Tôi rất chia sẻ với giọt nước mắt và những nỗ lực lớn lao của chị Nguyệt, bởi bản thân tôi cũng đã rất nhiều lần khóc cùng những người đấu tranh chống tiêu cực. Nhưng tôi nghĩ rằng mình không có quyền rơi nước mắt, bởi với trách nhiệm của 1 nhà báo, tôi luôn trăn trở, nỗi lực hết sức để phanh phui sự thật, bảo vệ những người dám dũng cảm đấu tranh để cùng họ đi đến cùng của sự thật”, bà Hà chia sẻ.
Cũng thông qua buổi hội thảo ngày hôm nay, những tấm gương tiêu biểu về phòng chống tiêu cực như chị Nguyệt, bà Hà cũng bày tỏ mong muốn Nhà nước và các cơ quan chức năng sẽ đặc biệt quan tâm tới việc bảo vệ những người dám đứng ra chống tiêu cực, bởi chỉ có như vậy thì họ mới có một chỗ dựa và niềm tin vững chắc trên con đường chống tiêu cực đầy chông gai của mình.