Nhắm mắt vay 10.000 đồng/triệu/ngày
Thấy người em nhắn tin qua Zalo: “Chị còn tiền tiết kiệm không cho em mượn, giờ em cần xoay gấp 700 triệu đồng để trả tín dụng đen”. Chị Trần Thu Ngân (TP.Bắc Ninh, Bắc Ninh) không tin, bèn gọi lại ngay vì sợ em trai bị hack nick. Không ngờ, đó là khoản vay tín dụng đen của người em trai nhằm gỡ mối làm ăn thua lỗ do buôn trầm hương.
Anh Trần Việt Phương (sinh năm 1991, ở TP.Bắc Ninh) đầu tư một khoản tiền lớn vào buôn trầm hương, những mong gặp thời vận, sẽ giàu lên như một số bạn bè anh, từng “hưởng lộc” từ việc kinh doanh này. Mấy năm trước, khi mới tập tọe buôn bán, anh được các bạn có kinh nghiệm hướng dẫn nhiệt tình, nên cũng có chút lãi lời. Cuộc sống gia đình anh Phương, nhờ đó mà cải thiện rất nhiều.
Thế nhưng đầu năm nay, đúng lúc anh quyết định tách riêng ra với bạn bè, tự mình chủ động “lập nghiệp” và dồn hết vốn liếng vào trầm hương, thì gặp đợt dịch Covid bùng phát kéo dài. Lại thêm phần thiếu kinh nghiệm chọn hàng, nên anh đã ôm mấy trăm triệu hàng rởm.
Để gia đình yên tâm, anh Phương cho biết, anh chỉ buôn chơi cho vui, nên khi thua lỗ, anh đành giấu nhẹm và phải tìm vay tiền xoay vòng qua tín dụng đen, để mong gỡ gạc chút ít. Tuy nhiên, cũng vì dịch bệnh kéo dài, nguồn tiền làm ăn của gia đình cạn kiệt, anh cứ vay rồi không có thu nhập để bù vào. Trong vòng luẩn quẩn, lỗ lại càng muốn gỡ, càng gỡ lại càng rối rắm.
Ban đầu, anh Phương tìm vay những chỗ quen, lãi suất 2.000 đồng/triệu/ngày. Rồi những lúc bí quá, anh chấp nhận vay những khoản với lãi suất 5.000 đồng/triệu/ngày để “đắp tạm” những chỗ vay nóng khác đến hạn phải thanh toán. Đến lúc nguồn vay đã cạn, anh liều mình chấp nhận vay với mức lãi suất “cắt cổ” 10.000 đồng/triệu/ngày. Càng gỡ càng lỗ, số tiền nợ chỉ sau mấy tháng đã vọt lên hơn 1 tỷ đồng. Không dám nói với vợ vì sợ tan vỡ hạnh phúc gia đình, anh Phương tìm sự giúp đỡ từ chị gái.
Anh Phương đã nhận ra sai lầm khi tìm đến tín dụng đen như một “cứu cánh”, bởi không chỉ số tiền lãi tăng lên theo cấp số nhân mà anh còn thường xuyên phải đối mặt với những tin nhắn, cuộc gọi đe dọa sẽ tìm đến tận nhà, nếu không trả tiền hoặc liên hệ với người thân trong gia đình anh để uy hiếp.
Giúp cũng dở mà mặc kệ cũng không xong
Chị Ngân “choáng váng”, khi nghe cậu em quý tử kể câu chuyện “làm giàu”. Bởi trong mắt chị và gia đình lâu nay, cậu em độc đinh rất ngoan ngoãn, nhút nhát và cũng chưa từng liều lĩnh, trong bất cứ quyết định gì.
Mất ăn mất ngủ, chỉ mấy ngày được em trai hỏi vay tiền, chị sút gần nửa yến thịt. Chị căng thẳng, lo lắng tới mức, ai gặp chị cũng tưởng như chị vừa trải qua một trận ốm nặng. Đã vậy, chị Ngân còn phải thậm thụt giấu chồng giấu con chuyện “tầy trời”. “Trong cuộc sống, khổ nhất có lẽ là cứ phải che đậy một điều gì đó”, chị Ngân tâm sự.
Chị gom hết tiền tiết kiệm được 400 triệu đồng, lại thương người em không có chỗ nào bấu víu, nhỡ lại làm chuyện dại dột, hay tiếp tục tìm đến tín dụng đen thì hết đường sống, chị đành hỏi han vay mượn khắp nơi cũng gom đủ số tiền cứu anh Phương.
“Tôi không biết phải làm thế nào nữa, tôi rất rối. Vì giúp em xong lần này liệu có còn lần khác nữa hay không. Còn nếu không giúp, em tôi chắc chắn sẽ bị “dân anh chị” làm khó dễ và liên lụy đến cả gia đình.
Bố mẹ tôi già rồi, tôi không thể chia sẻ. Chồng con tôi cũng không thể nói được chuyện này. Nhà tôi bao đời nay làm ăn lương thiện, chân chính, có ai biết đến tín dụng đen là gì. Thế mà cậu đã bước chân vào, lại còn bước rất sâu như thế, tôi thật sự thấy đau lòng”, chị Ngân tâm sự.
Chị Ngân khuyên em trai mình đi báo công an vì bị lừa, biết đâu bắt được bọn lừa đảo. Thế nhưng theo lời anh Phương, mọi giao dịch mua bán trầm hương của anh đều “bằng miệng”, không có bất cứ giấy tờ hợp pháp nào. Tất cả chỉ là thuận mua vừa bán.
Tự đeo thòng lọng vào cổ Dưới góc nhìn xã hội, trao đổi với PV tạp chí Đời sống và Pháp luật, PGS.TS Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng viện Văn hóa và phát triển, học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nêu quan điểm: “Tôi cho rằng, những người tìm đến tín dụng đen là họ tự đeo thòng lọng vào cổ. Nhiều người ham hố quá, thích làm giàu nhanh chóng, thậm chí là bất chính, họ có tỉnh ra được hay không là câu chuyện khá dài. Chúng ta không phải người thân của họ, nên có to tiếng, gay gắt với họ cũng không được, càng không thể phán xét, phê phán họ vì mỗi người đều có những hoàn cảnh riêng và những nỗi niềm. Nhưng rõ ràng, bản thân họ đã có những hành vi gây ảnh hưởng đến đời sống xã hội. Thiết nghĩ, họ nên điều chỉnh lại cách làm ăn và nên nhìn nhận rằng, hứng thú làm giàu một cách nhanh chóng sẽ gây nguy hại. Tôi cũng thấy rằng, họ giống như con bạc khát nước, tuy không chơi bạc nhưng cũng là một thứ đánh bạc, không chỉ đánh bạc tiền nong mà còn đánh bạc cả thân xác của mình. Họ đã say, giống một thứ nghiện, càng nói càng say. Bởi thế, chúng ta cần truyền thông để cảnh tỉnh, để hững người khác không dấn thân vào con đường này”. |
N.H
*Tên nhân vật đã được thay đổi