+Aa-
    Zalo

    Chị em thi nhau nhập viện do biến chứng vì tiêm filler làm đẹp

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Tiêm filler để làm đầy má, môi, nâng mũi, xóa nếp nhăn... không cần phẫu thuật nhưng ẩn tàng nhiều nguy cơ tai biến khôn lường cho các chị em.

    Tiêm filler để làm đầy má, môi, nâng mũi, xóa nếp nhăn... không cần phẫu thuật nhưng ẩn tàng nhiều nguy cơ tai biến khôn lường cho các chị em.

    Những tai biến do tiêm filler làm đẹp tràn lan

    Mới đây, bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) đã tiếp nhận một bệnh nữ trong tình trạng sưng, đau nóng đỏ 2 má sau khi tiêm chất làm đầy filler tại một Spa tư nhân.

    Mặt bệnh nhân bị sưng tấy sau khi tiêm filler. Ảnh: Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển

    Bệnh nhân cho biết: Theo lời giới thiệu của Spa, chị đã làm thử phương pháp tiêm chất làm đầy (filler) giúp khuôn mặt trở nên đầy đặn hơn, xóa bỏ nếp nhăn và các dấu hiệu lão hóa.

    Tuy nhiên sau 2 - 3 ngày làm đẹp, chị thấy hai má có hiện tượng bất thường nên đã đến viện để kiểm tra.

    Trước đó, chị V.T.H.T., 35 tuổi, ngụ quận 10, TP.HCM đã nghe theo quảng cáo của một spa ở gần nhà và đến cơ sở này tiêm filler nâng mũi. Sau 4 ngày tiêm filler không rõ loại, chị T. bị sưng đỏ vùng tiêm, mắt phải bị mờ.

    Cẩn trọng khi tiêm chất làm đầy Filler để nâng mũi.

    Khi đến khám tại Khoa Tạo hình - Thẩm mỹ Bệnh viện Đại học Y dược, chị đã bị biến chứng do tiêm filler, gây nhiễm trùng và tắc mạch máu khiến vùng da mũi bị viêm đỏ, có hoại tử đen lấm chấm, mắt phải bị xuất huyết kết mạc.

    Chị T. đã được dùng kháng sinh, giảm sưng nề, theo dõi chăm sóc vết thương. Các bác sĩ đánh giá di chứng để lại có thể là các vết sẹo trên da, giảm hoặc mất hẳn thị lực mắt phải.

    Còn theo bác sĩ Vũ Trung Trực, phó trưởng khoa phẫu thuật tạo hình và thẩm mỹ Bệnh viện Việt - Đức, cho hay nữ bệnh nhân 32 tuổi ở Long Biên, Hà Nội đã được tiêm chất được cho là filler (chất làm đầy) để nâng ngực tại một spa ở Long Biên. Sau 4 ngày, ngực bệnh nhân sưng to, ngực bên phải có lỗ rò, từ đó chảy ra nhiều dịch mủ.

    Tai biến do tiêm filler làm đẹp để lại những di chứng không thể phục hồi. Ảnh: Tuổi trẻ

    "Khi bệnh nhân đến Bệnh viện Việt - Đức, chúng tôi đã chụp chiếu và xác định may mắn phần bơm vào ngực bệnh nhân chỉ khu trú ở lớp mỡ dưới da. Qua xét nghiệm đã tìm thấy vi khuẩn gây mủ do tiêm không đảm bảo quy trình vô trùng. Ngày ngày nhân viên y tế đến hỗ trợ bệnh nhân nặn mủ, kết hợp điều trị kháng sinh. Đến ngày thứ 8 thì ngực bệnh nhân đỡ sưng, đến ngày thứ 12 bệnh nhân được ra viện" - bác sĩ Trực cho biết.

    Theo bác sĩ Trực, mặc dù đã hết mủ và sưng, nhưng phần bị rò ở ngực bệnh nhân tạo sẹo, khiến ngực bị cứng và méo. Bệnh nhân có trao đổi với spa về loại "filler" được sử dụng, nhưng đến giờ vẫn chưa xác định được cụ thể đó là filler nguồn gốc ở đâu, chất lượng ra sao...

    Khoa phẫu thuật tạo hình và thẩm mỹ cho biết tại Trung tâm thẩm mỹ của khoa thường xuyên tiếp nhận bệnh nhân gặp biến chứng sau khi đi làm đẹp, trong đó riêng nhóm bệnh nhân tiêm filler thì 2 nhóm tai biến hay gặp nhất là gây sưng, rò ở mũi và ngực, thậm chí có một số bệnh nhân bị mù mắt do áp lực tiêm mạnh, filler vào mạch máu và tỏa đi các cơ quan, gây tai biến mạch máu, mù mắt.

    TS BS. Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng Khoa Tạo hình - Thẩm mỹ Bệnh viện Đại học Y dược, cũng cho biết trung bình mỗi tháng Khoa Tạo hình - Thẩm mỹ tiếp nhận 1 - 2 trường hợp bao gồm cả nam và nữ bị biến chứng nặng do tiêm filler, nhiều trường hợp đã để lại biến chứng nghiêm trọng và không thể phục hồi.

    Lời khuyên của các chuyên gia y tế cho những chị em muốn làm đẹp bằng tiêm filler

    Theo các bác sĩ, filler có thể là những chất tổng hợp hoặc tự nhiên. Chúng được tiêm vào các đường, nếp gấp và mô của khuôn mặt để làm giảm sự xuất hiện của nếp nhăn và phục hồi sự căng đầy trên khuôn mặt, giảm dần các dấu hiệu của thời gian hoặc bệnh lý.

    BS. Nguyễn Anh Tuấn đang khám cho người bệnh. Ảnh: Bệnh viện Đại học Y dược

    "Hiện có đến vài chục loại filler, có loại chỉ vài trăm ngàn đồng/ml, nhưng loại tốt, được Cơ quan Quản lý thuốc và thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) cấp phép thì phải 8-9 triệu đồng/ml. Người đi làm đẹp rất cần xem đó là sản phẩm nào, nguồn gốc ở đâu, và cần tiêm ở cơ sở uy tín, bác sĩ hiểu rõ về giải phẫu cơ thể để tránh các tai biến. Tuy nhiên các chị em có khi tiêm ở hiệu cắt tóc, làm móng tay, làm da..., không đảm bảo quy trình vô trùng và dẫn tới các tai biến" - bác sĩ Nguyễn Hồng Hà, trưởng khoa phẫu thuật tạo hình và thẩm mỹ, cho biết.

    BS Anh Tuấn cũng khuyến cáo việc thực hiện tiêm filler tại các cơ sở spa, dịch vụ làm đẹp không hợp pháp tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ra các biến chứng nặng nề, khó chữa như: hoại tử da, biến dạng mặt... Chị em cần tìm hiểu kĩ thông tin và sự tư vấn phương pháp này từ các chuyên gia có uy tín, có chứng chỉ về làm đẹp, thực hiện thủ thuật tại các cơ sở có chứng chỉ hành nghề và xác nhận của cơ quan có thẩm quyền.

    Minh Khôi(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chi-em-thi-nhau-nhap-vien-do-bien-chung-vi-tiem-filler-lam-dep-a304227.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan