Triển khai quyết liệt các biện pháp ngăn ngừa dịch bệnh lây lan trên diện rộng
Trong các Thông báo số 98/TB-VPCP ngày 8/5/2021, số 102/TB-VPCP ngày 11/5/2021, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu triển khai quyết liệt các biện pháp ngăn ngừa dịch bệnh lây lan trên diện rộng; giải quyết dứt điểm các ổ dịch hiện có, không để phát sinh các ổ dịch mới, nhanh chóng ổn định tình hình.
Các bộ, cơ quan, địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác phòng, chống dịch trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao theo tinh thần cấp trên kiểm tra cấp dưới, tỉnh kiểm tra huyện, huyện kiểm tra xã, xã kiểm tra thôn, bản, ấp; thôn, ấp, bản kiểm tra dòng họ, gia đình theo tinh thần đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng. Nơi nào lơ là, chủ quan, mất cảnh giác để phải trả giá đắt về mọi mặt thì phải kiểm điểm, xử lý trách nhiệm theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống dịch. Quan điểm của Chính phủ là: Ghi nhận, biểu dương, kịp thời động viên, khen thưởng các tổ chức, cá nhân có thành tích trong phòng, chống dịch; đồng thời xử lý nghiêm theo đúng quy định, kể cả xem xét xử lý hình sự các trường hợp vi phạm, lơ là, thiếu trách nhiệm, không nể nang, né tránh.
Tại các Thông báo số 103/TB-VPCP và số 105/TB-VPCP ngày 13/05/2021 kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại cuộc kiểm tra công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Long An và tỉnh Tây Ninh, Phó Thủ tướng yêu cầu 2 tỉnh quản lý chặt chẽ người nhập cảnh kể cả xuất cảnh, ngăn chặn nhập cảnh trái phép trên địa bàn là nhiệm vụ chính trị hàng đầu của tỉnh hiện nay. Long An, Tây Ninh cần tăng cường lực lượng, phương tiện, phối hợp chặt chẽ với lực lượng quân đội, công an trong quản lý biên giới, nhất là đường mòn, lối mở, giám sát chặt chẽ mọi trường hợp nhập cảnh, kiên quyết không để sót, lọt người nhập cảnh trái phép có thể gây lây lan dịch bệnh trên địa bàn.
Tại Thông báo số 101/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19 diễn ra sáng ngày 10/5/2021, Thông báo số 107/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 tại cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo trực tuyến với các tỉnh, thành phố: Đà Nẵng, Bắc Ninh, Bắc Giang, Phó Thủ tướng yêu cầu các khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp phải thực hiện nghiêm ngặt 5K đối với cá nhân; thường xuyên kiểm tra, đánh giá, cập nhập lên bản đồ an toàn COVID, nếu không an toàn thì dừng hoạt động để chấn chỉnh.
Bộ Y tế khẩn trương chuẩn bị phương án 30.000 người mắc theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Trên cơ sở đó, giao chỉ tiêu giường bệnh, sinh phẩm, trang thiết bị, oxy, thuốc,… cho từng địa phương để chuẩn bị theo tinh thần 4 tại chỗ.
Tăng cường truyền thông, báo chí phục vụ nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ban hành Chỉ thị số 12/CT-TTg về tăng cường công tác tuyên truyền, định hướng hoạt động truyền thông, báo chí phục vụ nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc; kịp thời chấn chỉnh và xử lý các vi phạm trong hoạt động báo chí, truyền thông.
Chỉ thị nêu rõ, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Đảng, Nhà nước và của cả hệ thống chính trị.
Để tăng cường công tác tuyên truyền, định hướng hoạt động báo chí, truyền thông phục vụ nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc; kịp thời chấn chỉnh và xử lý các vi phạm trong hoạt động báo chí, truyền thông, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan báo chí, truyền thông tăng cường các hoạt động thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao về tư tưởng, hành động của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính trị trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc.
Bên cạnh đó, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cơ quan, bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao trong công tác thông tin, tuyên truyền, bảo đảm kịp thời, thông suốt; kịp thời nắm bắt thông tin dư luận, chủ động cung cấp tài liệu, thông tin chính thống cho các cơ quan báo chí và các phương tiện truyền thông bằng nhiều hình thức.
Các cơ quan báo chí chủ động thích ứng với các phương tiện truyền thông mới, đa dạng hóa phương thức và nội dung thông tin, tuyên truyền, bảo đảm phục vụ hiệu quả nhiệm bảo vệ Tổ quốc, nâng cao vị thế quốc tế của đất nước; kết hợp chặt chẽ giữa thông tin đối nội và thông tin đối ngoại trên báo chí và các phương tiện truyền thông phù hợp với lợi ích của đất nước và nhân dân; bảo đảm lượng thông tin tốt, tích cực về đời sống xã hội là dòng chảy chính.
Các báo: Nhân dân, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam là cơ quan chủ lực, có nhiệm vụ xây dựng các hình thức tuyên truyền chuyên sâu về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc như chuyên trang, chuyên mục, tuyến bài tuyên truyền trọng điểm.
Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền trên các nền tảng mạng xã hội, hệ thống thông tin cơ sở và các phương tiện truyền thông mới.
Chấn chỉnh, xử lý nghiêm các sai phạm, phát huy thế mạnh của báo chí, truyền thông để bảo đảm phục vụ tốt công tác thông tin, tuyên truyền thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc; có biện pháp đấu tranh hiệu quả trên mạng xã hội xuyên biên giới vào Việt Nam. Tăng cường trách nhiệm của cơ quan chủ quản báo chí, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan báo chí trong việc thực hiện định hướng thông tin, quản lý phóng viên, cộng tác viên của cơ quan báo chí…
Bảo đảm an toàn tuyệt đối bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp trong bối cảnh dịch bệnh
Tại Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nêu rõ, mục tiêu cao nhất là tập trung bảo đảm và tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp vào ngày 23/5/2021 một cách an toàn tuyệt đối về an ninh, trật tự, nhất là chống dịch bệnh COVID-19.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Nội vụ phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia, Bộ Y tế và các cơ quan liên quan hướng dẫn cụ thể công tác chuẩn bị trong ngày bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 để bảo đảm cuộc bầu cử diễn ra an toàn, thành công. Đồng thời theo dõi, hướng dẫn, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc của các địa phương trong quá trình chuẩn bị bầu cử; kịp thời tổng hợp, báo cáo Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về diễn biến công tác chuẩn bị bầu cử và tổ chức ngày bầu cử.
Giáo dục và đào tạo phải lấy học sinh làm trung tâm, nhà trường là nền tảng, giáo viên là động lực
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tư tưởng chỉ đạo giáo dục và đào tạo là phải lấy học sinh làm trung tâm, nhà trường là nền tảng, giáo viên là động lực; đổi mới mạnh mẽ tư duy từ trang bị kiến thức sang trang bị năng lực, phẩm chất toàn diện cho học sinh…
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục hoàn thiện mô hình quản lý các trường đại học theo hướng phân cấp mạnh hơn để hội đồng trường nâng cao trách nhiệm tập thể và cá nhân, phát huy tính chủ động sáng tạo, huy động được nhiều nguồn lực ngoài Nhà nước vào quản lý, đầu tư, phát triển trường, nhất là đối với các trường tự chủ hoàn toàn hoặc một phần. Bộ rà soát, kiểm tra để bảo đảm thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng và quy định của pháp luật về việc chủ tịch hội đồng trường, đồng thời là bí thư đảng ủy trường.
Để thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ được giao, bên cạnh việc chỉ đạo làm tốt công tác xây dựng luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch... Bộ cần chủ động thiết kế, xây dựng và ban hành các tiêu chí, tiêu chuẩn, quy trình phù hợp làm cơ sở để tiếp tục phân cấp mạnh hơn cho địa phương và đơn vị, đi đôi với việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, xử lý nghiêm các vi phạm, nhất là những vi phạm làm ảnh hưởng đến hình ảnh và chất lượng của ngành như "chạy trường, chạy lớp", "học giả, bằng thật", “chạy chức, chạy quyền” trong ngành giáo dục; tuyệt đối không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực, các trường hợp nhũng nhiễu, quan liêu ở ngay trong cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục.
Nâng cao năng lực giám sát, kiểm tra nhằm phòng ngừa tham nhũng trong DNNN
Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả giám sát, kiểm tra, thanh tra nhằm phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi vi phạm pháp luật, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong doanh nghiệp nhà nước".
Đề án tập trung vào hoạt động giám sát, kiểm tra, thanh tra thuộc phạm vi thẩm quyền của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các cấp và doanh nghiệp nhà nước, trong thời gian 5 năm, từ 2021-2025.
Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của Đề án là: 1- Hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật; 2- Tăng cường trách nhiệm và sự phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong giám sát, kiểm tra, thanh tra doanh nghiệp nhà nước; 3- Kiện toàn tổ chức; nâng cao đạo đức công vụ, năng lực chuyên môn và trách nhiệm của các chủ thể có thẩm quyền giám sát, kiểm tra, thanh tra doanh nghiệp nhà nước; 4- Thực hiện minh bạch, trách nhiệm giải trình và ứng dụng công nghệ thông tin trong giám sát, kiểm tra, thanh tra doanh nghiệp nhà nước; 5- Phát huy vai trò của xã hội trong hoạt động giám sát, kiểm tra, thanh tra doanh nghiệp nhà nước.
Tiếp tục điều hành giá thận trọng, linh hoạt, hỗ trợ thực hiện mục tiêu kép
Theo ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái về định hướng công tác điều hành giá những tháng còn lại năm 2021, các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan có liên quan theo chức năng nhiệm vụ được giao tiếp tục thực hiện công tác quản lý, điều hành giá, kiểm soát lạm phát năm 2021 một cách thận trọng, linh hoạt và chủ động, tập trung vào việc hỗ trợ thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ, vừa giữ ổn định mặt bằng giá để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân, vừa hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Bên cạnh đó, chủ động, phối hợp chặt chẽ nghiêm túc triển khai thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá; tăng cường kiểm tra chuyên ngành, chuyên đề về giá, giám sát giá cả thị trường, kịp thời tham mưu cho các cấp có thẩm quyền điều hành giá phù hợp với nguyên tắc thị trường và điều hành kinh tế vĩ mô.
Các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu, nhất là đối với một số mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng cao vào dịp nghỉ lễ, cao điểm du lịch. Chủ động chuẩn bị các nguồn hàng dự trữ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng để tránh tình trạng khan hiếm, đẩy giá tăng...
Theo Báo Chính phủ
Link nguồn: https://baochinhphu.vn/Tin-noi-bat/Chi-dao-dieu-hanh-cua-Chinh-phu-Thu-tuong-Chinh-phu-noi-bat-tuan-tu-101452021/431240.vgp