Thủ tướng Chính phủ chỉ thị đẩy mạnh ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng Việt Nam
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ký Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 13/10/2022 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh triển khai các hoạt động ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng Việt Nam.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Chủ tịch, Tổng giám đốc tập đoàn, tổng công ty nhà nước và các tổ chức, doanh nghiệp là thành viên (hoặc có đơn vị trực thuộc là thành viên) của Mạng lưới ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng quốc gia quán triệt tới tất cả các tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý nguyên tắc "Ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng là hoạt động quan trọng nhằm phát hiện, ngăn chặn, xử lý và khắc phục kịp thời sự cố an toàn thông tin mạng"; hoạt động ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng phải chuyển từ bị động sang chủ động và cơ quan chủ trì 11 lĩnh vực quan trọng cần ưu tiên bảo đảm an toàn thông tin mạng…
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chủ động ứng phó và khắc phục mưa lũ tại các tỉnh Trung Bộ
Từ cuối tháng 9 đến nay, các địa phương miền Trung liên tiếp chịu ảnh hưởng của bão, lũ, lũ quét, sạt lở đất, gây thiệt hại về tính mạng, tài sản, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của người dân.
Ngày 10/10/2022, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã ký Công điện số 908/CĐ-TTg ngày của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chủ động ứng phó mưa lũ tại các tỉnh Trung Bộ.
Mới đây, ngày 13/10/2022, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành tiếp tục ký Công điện 939/CĐ-TTg yêu cầu các địa phương trong vùng ảnh hưởng khẩn trương khắc phục nhanh nhất hậu quả đợt mưa lũ vừa qua; theo dõi chặt chẽ, nắm chắc thông tin về diễn biến áp thấp nhiệt đới/bão và mưa lũ; chủ động triển khai công tác bảo đảm an toàn cho tàu thuyền còn hoạt động trên biển và các hoạt động ven biển, đảo và tập trung ứng phó nguy cơ mưa lũ lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất…
Nỗ lực phấn đấu đạt cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu của năm 2022
Chính phủ ban hành Nghị quyết 130/NQ-CP Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương và Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 năm 2022.
Nghị quyết nêu rõ, thời gian tới, dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới chậm lại, lạm phát tiếp tục ở mức cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với ổn định tài chính, tiền tệ, an ninh năng lượng, lương thực, gia tăng khả năng suy thoái kinh tế; cạnh tranh chiến lược và xung đột quân sự tại một số khu vực tiếp tục gay gắt... Ở trong nước, khó khăn, thách thức nhiều hơn cơ hội, thuận lợi, dễ phát sinh những vấn đề khó lường, phức tạp, chưa có tiền lệ. Nền kinh tế tiếp tục phục hồi tích cực nhưng tăng trưởng có khả năng khó khăn hơn trong quý IV năm 2022 và năm 2023.
Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; nỗ lực phấn đấu đạt cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu của năm 2022.
Đẩy mạnh cải cách TTHC, hiện đại hóa chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp
Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh ký Nghị quyết số 131/NQ-CP của Chính phủ về đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Để đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp, Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trực tiếp chỉ đạo thực hiện nghiêm Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022, Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12 tháng 5 năm 2020, Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ, Đề án đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính giai đoạn 2021-2025 và Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06).
Trong đó, tập trung thực hiện 3 nhiệm vụ trọng tâm sau: Cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; nâng cao hiệu quả thực thi thủ tục hành chính phục vụ người dân, doanh nghiệp; hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành.
Chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức mới của Văn phòng Chính phủ
Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh ký Nghị định 79/2022/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Văn phòng Chính phủ.
Theo đó, Văn phòng Chính phủ là cơ quan ngang bộ của Chính phủ, có chức năng tham mưu tổng hợp, điều phối giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ (bao gồm các Phó Thủ tướng Chính phủ) tổ chức các hoạt động chung của Chính phủ, lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành hoạt động của Chính phủ và hệ thống hành chính nhà nước từ trung ương đến cơ sở, bảo đảm thống nhất, thông suốt, liên tục của nền hành chính quốc gia; kiểm soát thủ tục hành chính; bảo đảm thông tin phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và cung cấp thông tin cho công chúng theo quy định của pháp luật…
Về cơ cấu tổ chức, Văn phòng Chính phủ có 20 đơn vị.
Chính phủ sửa đổi thủ tục cấp Giấy chứng nhận thực hành tốt sản xuất thuốc thú y
Chính phủ ban hành Nghị định 80/2022/NĐ-CP, trong đó, sửa đổi thủ tục cấp, gia hạn Giấy chứng nhận thực hành tốt sản xuất thuốc thú y.
Theo Nghị định 35/2016/NĐ-CP tại điểm a khoản 2 Điều 14 quy định trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận thực hành tốt sản xuất thuốc thú y GMP, trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ đăng ký, Cục Thú y thẩm định hồ sơ, yêu cầu sửa đổi, bổ sung nếu hồ sơ không đạt yêu cầu.
Còn tại Nghị định 80/2022/NĐ-CP, quy định trên được sửa đổi, bổ sung: Tổ chức, cá nhân gửi 01 bộ hồ sơ đăng ký cấp Giấy chứng nhận GMP tới Cục Thú y theo một trong các hình thức: trực tuyến hoặc qua dịch vụ bưu chính hoặc trực tiếp. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ đăng ký, Cục Thú y thẩm định hồ sơ hoặc có văn bản yêu cầu sửa đổi, bổ sung nếu hồ sơ không đạt yêu cầu.
Thí điểm phân cấp thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị thuộc tỉnh Khánh Hòa
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành ký Quyết định 20/2022/QĐ-TTg ngày 12/10/2022 quy định thí điểm phân cấp cho Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa thực hiện phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị trên cơ sở đồ án quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong phạm vi địa giới hành chính do mình quản lý.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa khi tiến hành điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, quy hoạch chung đô thị theo thí điểm phân cấp phải đảm bảo tuân thủ các quy định về căn cứ, nguyên tắc, điều kiện điều chỉnh cục bộ, nội dung điều chỉnh cục bộ quy hoạch tại pháp luật quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị…
Xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ găm hàng, buôn lậu xăng dầu
Tại Thông báo số 326/TB-VPCP ngày 12/10/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành yêu cầu Bộ Công Thương triển khai các biện pháp kiểm tra, giám sát, kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với các hành vi đầu cơ găm hàng, buôn lậu xăng dầu và các hành vi vi phạm khác trong kinh doanh xăng dầu.
Theo Báo Chính phủ
Link nguồn: https://baochinhphu.vn/chi-dao-dieu-hanh-cua-chinh-phu-thu-tuong-chinh-phu-noi-bat-tuan-tu-10-14-10-2022-10222101416111748.htm