+Aa-
    Zalo

    Chế tài nào chặt đứt hiện tượng "tòm tem" nơi công sở?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Giới luật học cho rằng, do chế tài quá "nhẹ" nên hiện tượng quan hệ bất chính nơi công sở mới được thể bùng phát.

    (ĐSPL) - Trước hiện trạng yêu đương "ngoài luồng" tràn lan khắp các công sở gây tổn hại hình ảnh của cơ quan công quyền, giới luật học cho rằng: Do chế tài còn quá "nhẹ" nên hiện tượng quan hệ bất chính nơi công sở mới được thể bùng pháp.

    Phó Chánh văn phòng Tỉnh ủy Bình Định, nghi can gian díu với vợ công dân bị bắt quả tang tại khách sạn (ảnh cắt từ clip)

    Rối rắm trăm kiểu "tòm tem" nơi công sở

    Theo ghi nhận của PV báo ĐS&PL, thời gian qua trên địa bàn cả nước xảy ra nhiều vụ quan chức, cán bộ “ăn vụng” bị bắt quả tang khiến dư luận nổi sóng, trong đó có cả trường hợp tận dụng quyền lực để “tòm tem” với nhân viên, vợ của cấp dưới và nhiều trường hợp khác thì dùng “vốn tự có” để thăng tiến.

    Cuối tháng 3/2013, một đoạn clip được tung lên mạng tố ông V., Phó Chánh văn phòng tỉnh ủy Bình Định bị bắt quả tang khi đang quan hệ bất chính với một phụ nữ đã có chồng tại phòng 207, một khách sạn ở TP.Quy Nhơn (Bình Định). Khi bị phát hiện, ông V. luôn miệng năn nỉ "xin" anh Quốc (chồng của bạn tình - đồng nghiệp của ông tại cơ quan) bỏ qua. Tương tự, tháng 10/2014, ông Ra Lan Ngoan (Phó bí thư huyện Đức Cơ, Gia Lai) quan hệ bất chính với nhân viên là chị L.T.H.T. (SN 1981,  công tác tại Ban chỉ huy Quân sự huyện Đức Cơ). Khi ông Ra Lan Ngoan và chị L.T.H.T. đang... mình trần như nhộng trong ô tô thì bị anh Hải (chồng chị L.T.H.T.) bắt quả tang.

    Ngoài ra, vào giữa tháng 3/2015, ông Dương Thanh Tuấn (52 tuổi, ngụ thị trấn Trần Văn Thời, huyện Trần Văn Thời), thẩm phán TAND huyện Đầm Dơi (Cà Mau) bị tố cáo đưa người tình vào nhà nghỉ "làm" chuyện bất chính. Và mới đây vào đúng dịp nghỉ lễ 30/4, ông Nguyễn Trung Giã, Trưởng phòng Nội vụ huyện Ngọc Hiển (Cà Mau) cũng bị tố cáo dẫn vợ người khác vào một nhà nghỉ tại tỉnh Kiên Giang. Tiến hành kiểm tra hành chính nhà trọ, công an phát hiện ông Giã ở chung phòng với bà V.T.N.G. (vợ của ông L.Q.T.). Sau lần “ăn vụng” này ông L.Q.T. đã làm đơn ly hôn vợ.

    Nói không với những cán bộ “lợi dụng” vợ của người khác

    Theo các chuyên gia, hiện tượng này cảnh báo tình trạng suy thoái đạo đức trong khối cán bộ công chức. Hệ lụy của nó chính là: tan vỡ hạnh phúc gia đình, là thù oán, kiện tụng, ghen tuông mù quáng, làm ảnh hưởng đến ổn định xã hội. Nghiêm trọng hơn, hành vi này xét về góc độ nào đó, làm giảm niềm tin của dân về đội ngũ công quyền.

    Trao đổi với PV báo ĐS&PL, ông Ngô Văn Sửu, nguyên Vụ trưởng vụ I, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho rằng: “Thật đáng xấu hổ khi những cán bộ luôn miệng khẳng định: vì dân, phục vụ nhân dân mà lại quan hệ bất chính với vợ của dân để rồi bị dân kiện. Hiện tượng này trước đây hiếm khi xảy ra. Nhưng những năm gần đây, những “con sâu” ngày một nhiều lên, rất đáng lo ngại. ”.

    Cũng theo ông Ngô Văn Sửu, trong xã hội hiện nay, không chỉ có chuyện quan hệ bất chính mà vấn đề hối lộ tình dục cũng đang gây bức xúc trong nhân dân. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất trong việc phát hiện hối lộ tình dục là việc không dễ bắt quả tang hành vi phạm tội. Tội phạm dạng này thường "hành động" rất tinh vi, hơn nữa đây là mối quan hệ đôi bên cùng có lợi, nên cả hai không dại gì "lên tiếng".  Đó như một sự thỏa thuận ngầm giữa đôi bên, bên được nâng đỡ, cất nhắc, bên được đáp ứng nhu cầu tình dục. Thực ra, trong một số trường hợp, tình công sở cũng có khi chỉ là quan hệ tình ái đơn thuần, không vụ lợi. Nhưng dù "núp" dưới hình thức nào thì việc cán bộ, công chức quan hệ bất chính cũng là hành vi trái đạo đức, vi phạm pháp luật, rất đáng lên án.

    Ông Ngô Văn Sửu


    Tình trạng trên ngày một bùng phát là do khâu xử lý kỷ luật của ta còn quá nương nhẹ, không đủ tính răn đe. Lẽ ra, cần phải loại những đối tượng này khỏi bộ máy công quyền, không thể dung dưỡng những cán bộ có trách nhiệm phục vụ nhân dân là lại "làm hại" nhân dân. Để hạn chế vấn nạn này, việc quan trọng nhất là phải "làm chặt" khâu tuyển chọn cán bộ, đảm bảo mỗi một cán bộ đều phải gương mẫu, trong sáng và có đạo đức chuẩn mực.

    PGS.TS Đặng Nguyên Anh, Viện trưởng viện Xã hội học cho rằng, các vụ việc nêu trên bị phát hiện, phát giác là bởi có người tố giác, tố cáo, thì mới lộ ra, còn nhiều vụ việc khác vẫn yên ổn "núp" trong bóng tối, trong đó có cả những người có địa vị trong xã hội.

    Chánh văn phòng Huyện ủy vào khách sạn với vợ dân

    Mới đây (25/5), ông Đ.T.T. (ngụ P.1, TP.Bạc Liêu, Bạc Liêu) làm đơn gửi Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Vĩnh Lợi (Bạc Liêu) và các ban ngành chức năng tố cáo ông N.T.T. (48 tuổi, Huyện ủy viên, Chánh văn phòng Huyện ủy Vĩnh Lợi) quan hệ bất chính với vợ ông là bà P.T.N.. Theo đơn tố cáo, ông Đ.T.T. phát hiện vợ mình là bà P.T.N. (35 tuổi, cán bộ một Trung tâm y tế ở Bạc Liêu) vào khách sạn nằm trên địa bàn phường 2 (TP.Bạc Liêu) với Chánh văn phòng Huyện ủy. Khi cơ quan chức năng ập vào khách sạn, ông N.T.T. đang trèo ra cửa sổ để “tiếp đất”, còn bà N. đã bỏ ra ngoài. Bí thư huyện Vĩnh Lợi Trần Văn Út cũng xác nhận, Huyện ủy khẩn trương làm rõ đơn ông N.T.T. bị tố cáo, nếu cán bộ sai phạm sẽ xử lý nghiêm.

     

     Những vụ việc bị phanh phui chỉ là bề nổi của tảng băng chìm

    Theo một chuyên gia xã hội học (xin giấu tên) cho biết, trên thực tế, những vụ việc được phơi bày giữa công luận chưa nói lên hết được thực trạng quan hệ bất chính nơi công sở. Bởi khi phát hiện chuyện xấu, nội bộ cơ quan thường có tâm lý bao che cho nhau. Điển hình là câu chuyện xảy ra tại một cơ quan thuộc một Bộ cách đây vài năm. Qua camera, bảo vệ trông thấy một đôi nam nữ vô tư quan hệ ngay tại trụ sở làm việc nên gọi những người khác đến... cùng xem. Sau đó, mặc dù có nhiều ý kiến đề nghị đuổi việc đôi nam nữ trên vì cả hai đều đã có gia đình mà vẫn ngang nhiên "quan hệ". Nhưng do không có một văn bản nào quy định cụ thể về chế tài dành cho tình công sở bất chính và quan hệ tình dục nơi công sở nên sau rốt, vụ việc trên bị "chìm xuồng".


      

    Nguyên do nằm ở khâu... tuyển cán bộ

    Theo các chuyên gia pháp lý, rất khó để hình sự hoá hành vi sex nơi công sở mặc dù các hành vi trên là gây nguy hiểm cho xã hội.  Để hiện tượng này có chiều hướng bùng phát trong thời gian qua nằm ở khâu tuyển dụng cán bộ công chức hiện nay. Chính vì còn nhiều vấn đề ở khâu này nên mới xảy ra hiện tượng có người dùng “vốn tự có” để tiến thân.

    Trao đổi với PV báo ĐS&PL, PGS.TS Dương Tuyết Miên, giảng viên khoa Luật Hình sự, ĐH Luật Hà Nội cho rằng, chuyện nhân viên đổi sex để thăng tiến đã tồn tại từ lâu. Tuy nhiên, trong xã hội hiện nay, đạo đức xã hội đang có xu thế  bị suy thoái thì tình trạng này xảy ra nhiều hơn.

    Nếu nhìn nhận theo Bộ luật Hình sự hiện hành thì có tội Cưỡng dâm. Việc người nào đó có chức có quyền mà dùng quyền lực của mình để ép cấp dưới quan hệ thì vi phạm tội này. Nhưng để khép tội thì phải chứng minh được thái độ của người phụ nữ phải là miễn cưỡng. Nhưng, trên thực tế, hiện tượng đổi tình lấy chức vụ lại là thuận tình, mà đã là thuận tình thì không thể liệt vào tội này. Trong trường hợp này, các hành vi trên chỉ là lên án về mặt đạo đức thôi. Còn về việc quấy rối tình dục nơi công sở thì không nên hình sự hoá.

    Bởi nếu đã quấy rối tình dục thì cả nam và nữ đều có thể là nạn nhân. Luật Hình sự quy định chỉ những hành vi gây nguy hiểm đến mức độ nào đó cho xã hội thì mới hình sự hoá. Còn những hành vi nguy hiểm ít hơn thì không nên hình sự hoá. “Có những hành vi đúng là nó nguy hiểm cho xã hội thật và gây ra những hệ luỵ xấu nhưng hình sự hoá rất khó. Còn hành vi đổi tình dục lấy chức vụ thì chả có nước nào họ hình sự hoá vấn đề này cả. Vì đây là hành vi thuận tình. Nó rất đáng lên án nhưng khi hình sự hoá thì không thể tìm được chứng cứ. Ngay cả ý kiến trước đây nên hình sự hoá tội Hối lộ tình dục nhưng tôi cũng cho rằng không thể hình sự vấn đề này. Bởi, có bắt được quả tang thì người ta cũng chối bay” – PGS.TS Dương Tuyết Miên nói.

    Cũng liên quan đến vấn đề này, nhiều chuyên gia Luật cho rằng, sở dĩ chúng ta đem vấn đề này ra mổ xẻ vì muốn làm rõ cái gốc của vấn đề. Đó là sự thoái hoá của cán bộ công chức hiện nay. Nếu các khâu tuyển dụng cán bộ chọn được người làm thực tài thì làm sao có tình trạng đổi tình lấy chức vụ được? Thực tế, công tác tuyển chọn cán bộ nhiều nơi hiện vẫn nặng về hình thức, kể cả bằng con đường thi cử. Trong không ít trường hợp, người chiến thắng có thể là người mang tình dâng sếp hoặc có thể là người dám chi tiền. Chính khâu tuyển dụng của chúng ta không minh bạch nên dẫn đến tình trạng hối lộ tình, hối lộ tiền, “dùng vốn tự có” để thăng tiến. Nếu việc tuyển dụng cán bộ chuẩn mực, minh bạch, chắc chắn vấn nạn trên sẽ bị triệt tiêu.

    “Hành vi sex nơi công sở không thể hình sự hoá được. Bởi ai đó nếu có dùng “vốn tự có” để thăng tiến thì bên ngoài họ vẫn thi tuyển, vẫn được bỏ phiếu đúng quy trình. Do đó, lấy đâu ra chứng cứ mà bắt người ta” - một chuyên gia Luật đã lắc đầu ngán ngẩm...


    TRINH PHÚC - VŨ PHƯƠNG

     

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/che-tai-nao-chat-dut-hien-tuong-tom-tem-noi-cong-so-a96941.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.