+Aa-
    Zalo

    Cháy nhà thờ Đức Bà Paris: Nhiều câu hỏi được đặt ra

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Công tác cứu hỏa rất phức tạp đối với vụ hỏa hoạn tại nhà thờ Đức Bà Paris xảy ra tối 15/4 (giờ Pháp) đang được nhiều người quan tâm.

    Công tác cứu hỏa rất phức tạp đối với vụ hỏa hoạn tại nhà thờ Đức Bà Paris xảy ra tối 15/4 (giờ Pháp) đang được nhiều người quan tâm.

    Nguyên nhân gây cháy nhà thờ Đức Bà Paris

    Văn phòng Công tố Paris nhanh chóng mở cuộc điều tra, giao cho Đội Hình sự của Cảnh sát Tư pháp do nhận thấy sự phức tạp trong quá trình điều tra cũng như mức độ phá hủy nghiêm trọng.

    Ngọn lửa bao trùm Nhà thờ Đức Bà Paris

    Dẫn lời một nguồn tin trong cơ quan điều tra, kênh BFMTV cho biết các nhà điều tra Pháp đang xem xét nguyên nhân gây hỏa hoạn tại nhà thờ Đức Bà Paris có thể bắt nguồn từ một giàn giáo thi công.

    Theo thông tin ban đầu từ lực lượng cứu hỏa, ngọn lửa rất có thể đã bắt nguồn từ vị trí đang được sửa chữa, cải tạo trên nóc của nhà thờ. Ngọn lửa lan nhanh và khói nhanh chóng bao trùm lên toàn bộ nhà thờ, có thể nhìn thấy từ vị trí cách xa hàng km.

    Không có trường hợp nào thiệt mạng liên quan tới vụ cháy nhưng một lính cứu hỏa bị thương nặng trong nỗ lực cứu nhà thờ.

    Vì sao không sử dụng chiến thuật đặc biệt mang tên Canadair?

    Daily Mail hôm 16/4 cho biết lực lượng cứu hỏa Paris đã không thể sử dụng một chiến thuật đặc biệt mang tên Canadair giúp dập tắt nhanh vụ cháy đã làm hư hỏng nặng phần mái của Nhà thờ Đức bà Paris.

    Theo đó, họ không thể thả một 'quả bom nước' lên công trình đã 850 năm tuổi, vì sợ nó sẽ làm hư hỏng những gì còn sót lại và khiến nhiều người bị thương. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gợi ý sử dụng chiến thuật Canadair trên mạng xã hội Twitter, nhưng người Pháp không dùng nó vì lý do trên.

    Trang tin Le Monde của Pháp giải thích: "Một chiếc máy bay Canadair sẽ thả 6 tấn nước với tốc độ cao xuống mặt đất. Việc này có nguy cơ làm bị thương một hoặc nhiều người có mặt quanh công trình và đây là lý do vì sao biện pháp can thiệp này ít được dùng trong các vùng đô thị. Nếu tai nạn xảy ra, phi công lái máy bay điều khiển Canadair sẽ bị khởi tố.

    Bộ Nội vụ Pháp cũng lên mạng Twitter cho biết khoảng 400 lính cứu hỏa đã được huy động để dập lửa. Hàng trăm người dân Paris cũng đã đăng bình luận trên trang Twitter Pompiers du Paris để bày tỏ sự ủng hộ những người lính cứu hỏa đang mạo hiểm mạng sống để cứu nhà thờ.

    Canadair đã được Pháp sử dụng vào tháng 3 năm nay khi xảy ra một trận cháy rừng tồi tệ gần vùng Valdeblore. Họ cũng dùng chiến thuật này hồi năm 2017 trong vụ cháy rừng đã buộc 10.000 người phải sơ tán trong đêm.

    Khói bốc lên tại khu vực bàn thờ bên trong Nhà thờ Đức Bà Paris trong khi lửa vẫn tiếp tục cháy - Ảnh: Reuters

    Lính cứu hỏa có thể tiếp cận đỉnh nhà thờ không?

    Trong suốt nhiều thế kỷ, nhà thờ Đức Bà là công trình cao nhất Paris với ngọn tháp cao tới 96m. Đây là công trình hoành tráng khiến cho công tác cứu hỏa gặp khó.

    “Mái nhà thờ cao 45m, thế mà cánh tay nâng của xe cứu hỏa chỉ có thể đạt tới độ cao khoảng 30m”, ông Gilles Glin, Đội trưởng đội cứu hỏa Paris (2011-2014) nói. Chính vì thế các chuyên gia cứu hỏa đều nhận định việc can thiệp vào đám cháy hết sức phức tạp, khó khăn.

    Tại sao lính cứu hỏa không dập lửa từ bên ngoài?

    Hình ảnh đám cháy bùng lên với tốc độ nhanh chóng tương phản với sự vắng mặt trong ít phút của đội cứu hỏa: Không có vòi nước kéo tới, không thấy hệ thống thang lớn đặt bên ngoài nhà thờ. Nhiều người thắc mắc như vậy, tuy nhiên đây lại là thuyết cứu hỏa của người Pháp.

    Trái với lính cứu hỏa Mỹ, lính cứu hỏa Pháp lại dập lửa từ bên trong không phải từ bên ngoài. Chiến thuật này nguy hiểm hơn cho tính mạng lính cứu hỏa nhưng lại hiệu quả hơn để cứu các di sản. Nếu chúng ta chỉ tập trung bên ngoài, chúng ta có nguy cơ đẩy ngọn lửa, khí ga nóng lên tới 800 độ vào phía trong khiến thiệt hại càng lớn hơn”, chuyên gia Serge Delhaye nói.

    Làm thế nào cứu những di vật trong nhà thờ?

    Vương miện gai làm từ cây gai và vàng nổi tiếng của Nhà thờ Đức Bà Paris đã được cứu khỏi biển lửa - Ảnh: Getty Images

    Đại diện đội cứu hỏa cho biết, với những công trình quốc gia như Nhà thờ Đức Bà công tác cứu hỏa luôn có kế hoạch giải cứu hiện vật. Được biết, trong khoảng 400 lính cứu hỏa được huy động, một nhóm được chia ra dập lửa, nhiều lính cứu hỏa được huy động để giải cứu di vật khẩn cấp, một số khác lại lĩnh trách nhiệm bảo vệ các tác phẩm trong đó có cả những bức tranh quý giá.

    Hãng tin Reuters dẫn lời Đức ông Patrick Chauvet, quản đốc của Nhà thờ Đức Bà Paris, cho biết vương miện bằng vàng và áo choàng của vua Saint Louis, một vị vua thế kỷ thứ 13 của Pháp, đã được cứu khỏi trận hỏa hoạn.

    Đức ông Chauvet cho biết thêm là lính cứu hỏa đang gấp rút tháo dỡ những bức tranh cỡ lớn trong nhà thờ trước khi bị khói lửa làm ảnh hưởng.

    Khu vực làm lễ bên trong nhà thờ cũng bị hư hại nghiêm trọng.

    Thị trưởng Paris, bà Anne Hidalgo, thông tin tại hiện trường vụ cháy rằng nhiều tác phẩm nghệ thuật trong nhà thờ đã được đưa ra ngoài và đem đến nơi cất giữ an toàn.

    Quỳnh Chi(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chay-nha-tho-duc-ba-paris-nhieu-cau-hoi-duoc-dat-ra-a271292.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan